Bài viết

Tâm hồn thưởng thức thế giới vô tận

5/15/2013 10:07:00 SA


Áng mây bồng bềnh trên vòm trời xanh thẳm, con sóng bạc đầu thì thào trong biển biếc, một thân cây bé nhỏ mọc trước hiên nhà, một đóa hoa tươi thắm nở ven đường, tất cả đều rất đẹp. Nhưng, nếu như thiếu đi một tâm hồn thẩm mỹ, thì cho dù có bao nhiêu cảnh đẹp trước mắt, cũng không thể nhìn thấy.



Chuyện  kể  rằng, một  hôm,  Tô  Đông  Pha cùng Thiền sư Phật Ấn tĩnh tọa tham thiền, khi đứng dậy, Tô Đông Pha quay sang Phật Ấn hỏi:

“Thiền sư, Ngài thấy tôi lúc ngồi thiền giống cái gì?”

“Đại học sĩ giống như một ông Phật”, Phật Ấn trả lời rồi hỏi lại: “Vậy Đại học sĩ thấy ta giống cái gì?”

“Thiền sư ngồi ngay ngắn bất động, giống hệt một đống phân bò”, Tô Đông Pha nói.

Tình bạn  giữa họ  rất thân  thiết,  sâu sắc,  cũng  là những  người cùng sở thích; những  lúc gặp nhau  đối cơ, Tô Đông Pha thường ở thế hạ phong, nhưng không biết sao, lần này đã thắng, họ Tô mừng thầm nghĩ vậy. Sau khi về đến nhà, Tô Đông Pha hớn hở đem chuyện ấy kể lại cho em gái nghe, cứ ngỡ em gái sẽ phục tài đối cơ của mình, nào ngờ em gái nói:

“Anh trai ơi, anh đã bị thua  rồi, lại thua  một cách thê thảm!”

“Anh sao lại thua được?”, Tô Đông Pha không hiểu và gặng hỏi.

“Trong tâm của Thiền sư có Phật, cho nên thấy anh giống Phật”. Em gái họ Tô nói, “Còn trong tâm anh chỉ có phân bò, cho nên thấy ai cũng giống như phân bò”.

Đây là câu chuyện  mặc dù không hẳn đã có thật, nhưng ý nghĩa của nó trái lại rất rõ ràng: người có lòng dạ không ngay thẳng, thì nhìn thấy gì cũng “xiêu vẹo”, mọi người gọi loại người này là “mắt phân bò” (ngưu phẫn nhãn).

Thẩm mỹ là một loại kinh nghiệm đặc biệt, trong mỹ học gọi nó là kinh nghiệm  thưởng  thức cái đẹp  (mỹ cảm), loại kinh nghiệm này dĩ nhiên vắng bặt mọi dục niệm và hoạt động tâm lý suy xét trừu tượng, trực tiếp dùng trực giác cảm nhận đối tượng. Thái độ thẩm mỹ là sự ngắm nhìn diện mạo bên ngoài, không bám víu, không nắm bắt, vừa không mang theo những ao ước chiếm hữu, cũng không đòi hỏi thực dụng.

Nhà mỹ học Trung Quốc Chu Quang Tiềm (1897- 1986) trong cuốn sách Đàm mỹ (nói về cái đẹp) từng đưa cây thông ra làm ví dụ, giải thích rằng cơ quan cảm giác không  thể  hoàn  toàn  khách  quan,  những  hình ảnh và đồ vật mà mỗi người thường nhìn thấy, ít nhiều cũng mang theo  màu sắc chủ quan. Đứng trước một cây thông, mặc dù trong mắt của nhà kinh doanh  vật liệu gỗ, nhà thực vật học, và nhà nghệ thuật, đều thấy đó là một cây thông già, nhưng tri giác (cảm nhận) của ba người về nó lại không giống nhau.

Nhà kinh doanh dùng tâm thái của một người mưu cầu lợi nhuận, những thứ mà anh ta thấy được là kích cỡ, chất lượng, thể tích gỗ, có thể tạo ra bao nhiêu sản phẩm, có thể kiếm được bao nhiêu tiền. Nhà thực vật học thì chuyên  chú vào việc nghiên  cứu học thuật, những thứ mà anh ta nhìn thấy là chủng loại, sinh thái của cây, cả đến  tuổi tác của nó. Nhà nghệ  thuật  thì dường như không quan tâm đến điều gì, ngoài thẩm mỹ; những  thứ mà anh  ta nhìn được chỉ là một  cây thông  già cao vút đứng một mình trơ trọi giữa mênh mông trời đất, những điều mà anh ta liên tưởng là tính cách hiên ngang  kiên cường của một đại trượng phu và phẩm chất cao vời của một bậc quân tử. Cảm nhận của nhà nghệ thuật, vì không mang theo dục niệm và lợi lộc, không giống với thái độ thực dụng  của người thương nhân; và vì không tiến hành suy xét trừu tượng, cũng không giống thái độ khoa học của học giả.


Trái đất là một tinh cầu vô cùng mỹ lệ, trên cõi đời cũng ngập tràn sự vật tươi đẹp. Trời trong mây trắng, non xanh nước biếc; giữa bầu trời có nhật nguyệt tinh tú, trên mặt đất có cỏ biếc hoa hồng; sáng có ánh bình minh rọi, chiều có ráng vàng soi, quả là đẹp  vô cùng! Nhưng với một người không có tâm hồn thẩm mỹ, trước tất cả những cái đẹp đó, anh ta đều không thể nhìn thấy. Nếu như có tâm hồn thẩm mỹ và tuệ nhãn, thì dù cho đối diện với tường vách sụt lở, sương khói mịt mùng, cỏ dại điêu tàn, một người cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp thê lương, khiến cho tâm hồn xao xuyến thương cảm.

Một bậc chính nhân quân tử, nếu như hiểu được thẩm mỹ, lấy tâm hồn thẩm mỹ bao bọc, che chở nhân sinh, dùng nhãn quan mỹ học thưởng  thức thế gian bao la vô tận, thì không chỉ hành tung quang minh lỗi lạc, mà còn tỏa ra thần thái phong lưu nho nhã.

Đời người không chỉ phải sống chân  thật, sống không hổ thẹn với trời đất, mà càng phải sống  cho thật đẹp, có thể đầy đủ chân thiện mỹ, thì sinh mệnh càng thêm sáng sủa, cũng là cảnh giới cao nhất mà đời người có thể hy vọng đạt được.

Nguồn: Thẩm mỹ: Hân thưởng thế giới đích tâm linh
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 124  | TRƯƠNG  BỒI  CANH | NGUYỄ N  PHƯỚC  TÂM  dịch

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét