Chia sẻ

Thể nghiệm mà tìm kết luận là gốc của vô minh.

5/14/2013 06:26:00 CH


Thầy kính,
Con đã nghe qua các bài pháp của thầy và con có một thắc mắc xin thầy giải đáp. Theo những bài thầy giảng thì quá trình điều chỉnh hành vi và nhận thức phải thực hiện thông qua sự trực nhận tất cả những gì đang diễn ra trong hiện tại một cách hoàn toàn tự nhiên. Vậy nếu như có những lúc con chiêm nghiệm lại những việc đã xảy ra để rút ra bài học hoặc bỏ thời gian để suy ngẫm tìm ra bài học từ những điều đã quan sát được (có thể ngay lúc quan sát, có thể là sau đó) thì có còn là thiền không ạ? (những lúc ấy con vẫn sáng suốt chứ không đắm chìm). Bởi vì con cảm thấy chỉ quan sát thôi mà thiếu một chút suy ngẫm tìm ra bài học thì nhận thức của mình sẽ không sâu sắc bằng việc đúc kết trải nghiệm. Không biết con nghĩ vậy có đúng không?
Chân thành tri ân thầy!

Trả lời:
Nếu trong quá khứ con đã trọn vẹn trong sáng và thông suốt từng giây phút thì con sẽ chẳng bao giờ cần suy ngẫm lại. Cũng vậy nếu con trọn vẹn trong sáng với thực tại ngay đây và bây giờ thì con không cần tính toán tương lai, bởi hiện tại hoàn mãn thì tương lai cũng hoàn mãn. Nếu chiêm nghiệm có nghĩa là soi sáng sự kiện đang trải nghiệm thì được, còn nếu có nghĩa là suy ngẫm thì coi chừng xen khái niệm, tư tưởng, thời gian và bản ngã vào che lấp sự thật hơn là thấy rõ sự thật.

Trong khi "thấy" con khởi lên ý niệm muốn "biết" thì lý trí xen vào che lấp trí tuệ sáng suốt vốn có của tánh biết tự nhiên. Nhưng con đừng lo, trong sự vận hành tự nhiên của tánh biết khi trực nhận pháp luôn kèm theo tuệ hồi quán (paccavekkhana-nàna) tự thấy rõ tiến trình đã qua mà không cần cái ta suy xét. Chính vì thế mà Đức Phật dạy trong kệ Pháp Cú 72 là:

"Quả thật điều nguy hại
Người ngu sinh sở tri
Hủy phần sáng của mình
Tự chẻ đầu chính nó."

Và kinh Lăng Nghiêm cũng nói: "Tri kiến lập tri tức vô minh bổn" nghĩa là thể nghiệm mà tìm kết luận là gốc của vô minh.

trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét