Chia sẻ

Đức Phật không bước tới, cũng không dừng lại?

5/10/2013 04:55:00 CH


Con chào Sư. Hôm qua, một người bạn của con có trao đổi với con về một câu hỏi, nội dung câu hỏi như sau: "Con ứng dụng những điều đã học (học đạo) vào trong cuộc sống như thế nào?". Con thưa Sư, câu hỏi này là do vị Thầy của bạn con đặt cho bạn ấy. Câu trả lời của bạn con là: "Dạ thưa, con làm gì thì biết cái nấy, và qua đó khám phá hành trình của bản ngã nơi chính bản thân mình. Cái gì khởi lên thì chỉ thấy thôi". Vị Thầy của bạn con nói rằng câu trả lời ấy "chung chung quá", cần phải có chuyển biến gì đặc biệt hơn. Bản thân con, con đồng ý với câu trả lời của bạn con.

Theo cái hiểu của con, thực ra một người học đạo thì không phải trả lời câu hỏi: "tu như thế nào?", mà phải trả lời câu hỏi: "ai tu, mà tu để làm gì", hay: "kẻ tu và cái thực thể sẽ phải bị đem ra để tu, sự tách biệt ấy là thực hay chỉ là một ảo tưởng". Con có trao đổi với bạn con về những điều con hiểu. Hai đứa cũng đồng ý với nhau. Có phải tụi con đang đi ngược lại với cách sống thông thường của mọi người, nhưng lại trở về ngày càng gần hơn với cuộc sống thực, với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, với sự sống bất tận, và yên bình muôn đời vẫn như "nó đang là" không ạ? Như vậy, Sư ơi, vậy là tụi con chỉ còn thiếu cái duy nhất là sự dũng cảm và chú tâm hoàn toàn vào cuộc sống thực ấy thôi.

Con xin sư từ bi chỉ dạy cho tụi con một con đường sáng. Con thành kính tri ân Sư.

Trả lời:
Cả hai con đều trả lời câu hỏi rất xuất sắc. Đạo lý sống thực thì "chung chung" vậy thôi, nhưng một khi cái chung chung ấy trọn vẹn trong từng sát-na sự sống thì đâu cần "chuyển biến" làm gì.

Chuyển biến là việc của pháp, nên thấy tức chuyển biến cực kỳ mầu nhiệm, còn một khi khởi lên ý đồ muốn chuyển biến tức rơi vào bản ngã, thời gian, nhân quả, trói buộc và khổ đau. Đó chính là rơi vào sinh tử. Và đó là lý do vì sao Đức Phật không bước tới (chuyển biến đến tương lai), không đừng lại (dính mắc trong hiện tại) mà thoát khỏi dòng thác sinh tử trầm luân.

trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét