Thầy Quý Kính,
Con kính lời thăm Thầy, Thầy đã khỏe lại nhiều rồi chưa? Hôm nay, con thấy gần Tết rồi, con muốn viết thư thăm Thầy, nhưng mỗi lần ngồi vào bàn, thì đầu óc cứ trống trơn, không có ý tưởng gì khởi lên hết, chữ nghĩa như đã chạy trốn đâu hết, nên con đành đánh chữ làm thinh.
Thưa Thầy, từ ngày có đủ phước duyên học Pháp của Thầy, mỗi khi có dịp, con thường dạy cho các cháu nhỏ trong nhà, biết ứng dụng “Thận Trọng, Chú Tâm, Quan Sát” trong sinh hoạt hằng ngày, và thỉnh thoảng khi có cơ hội, con cũng giảng Pháp chút chút cho các cháu nhỏ nghe một cách rất nôm na để thích ứng với trình độ tiếng Việt còn quá non nớt của các cháu.
Để chuẩn bị cho ngày Tết sắp đến vào tuần tới, vì các cháu nhỏ, nói tiếng Việt không rành, nên hôm qua con gà cho các cháu tập chúc Tết trước, cháu lớn nhất thì 6 tuổi, còn cháu nhỏ nhất thì mới 1 tuổi rưỡi. Những năm trước, khi con tập dợt cho các cháu, khoanh tay, chúc Tết ông, bà cô bác như thế nào, thì các cháu cứ làm và nói theo vanh vách, nhưng năm nay khi con dạy chúng, thì đứa nào cũng đứng làm thinh. Con gạn hỏi: “Có phải, Dì nói nhanh quá, tụi con lập lại không được hay không?” Đứa nào cũng đứng làm thinh, con dỗ nói: “Có gì, tụi con cứ nói cho Dì biết, không sợ ba mẹ rầy đâu.”
Con hỏi một cháu: “Tại sao con không chịu chúc Tết vậy?” Cháu trả lời: “Hôm trước con đi shopping với Dì, con đòi mua nhiều đồ chơi quá, Dì nói muốn nhiều quá là tâm tham, bây giờ Dì dạy con Tết chúc cho ông, bà, cô bác, được mọi việc như ý, là con chúc cho ông, bà, cô bác tham rồi. Như vậy đâu có tốt đâu?”
Con bèn nói: “Vậy thì, tụi con chúc cho ông, bà, cô bác được dồi dào sức khỏe, tụi con có chịu không?”
Thì một cháu nói với con: “Dì ơi, con thấy chúc Tết sao giống nói dóc quá, năm ngoái tụi con chúc cho bà ngoại dồi dào sức khỏe từ đầu năm tới cuối năm, nhưng con thấy trong năm qua, lần nào con về thăm bà ngoại, con cũng thấy bà ngoại uống thuốc hết. Nếu đau phải uống thuốc mới hết bệnh, thì tại sao mình lại chúc như vậy để làm gì?"
Con chưa biết tính sao, thì pháp tự ứng ra, con nhớ đến câu chúc của Thầy đã ban cho con, con bèn copy lại để dạy các cháu: “À! vậy thì, tụi con hãy chúc như Sư Ông dạy, tụi con chúc ông, bà, cô bác luôn hoan hỷ trong pháp, nghĩa là dù bất cứ chuyện gì xảy đến cho mình, mình cũng vui mà đón nhận hết, tụi con có chịu hay không?”
Các cháu đồng reo lên: “Dì ơi! Chúc như vậy hay quá, tụi con sẽ chúc tất cả mọi người như vậy.”
Thầy quý kính,
Con quan sát các cháu nhỏ bên đây, con thấy chúng khác con lúc còn nhỏ nhiều lắm, ngay cả cháu 1 tuổi rưỡi, chúng luôn rất là thận trọng, mỗi khi con hỏi các cháu hay dạy chúng điều gì, chúng đều suy nghĩ một chút rồi mới trả lời, rõ ràng là chúng có sự suy nghĩ riêng của chúng, con nghĩ một phần có lẽ do hoàn cảnh xã hội, cách giáo dục bên đây để cho đứa trẻ có được quyền tự do quyết định mọi việc của mình ngay từ nhỏ nên chúng rất thông minh và sáng tạo.
Hôm nay bí quá, con xin được kể lại câu chuyện của các cháu như một lời chúc Tết của con dâng lên Thầy nha. Con thành kính đảnh lễ Thầy và thành kính lắng nghe lời dạy của Thầy.
Trả lời:
Đúng đó con. Thầy cũng thấy giáo dục trẻ rất khó và rất quan trọng. Người Hoa và người Việt mình đôi khi quá chú trọng "văn vẻ" hóa (văn hóa?!) thành ra sáo ngữ ,rỗng tuếch, đầu môi như: Muôn năm trường trị, thọ tỷ Nam Sơn, vạn sự như ý... làm mất đi tính trung thực trong bản chất đời sống. Phải chăng người ta vô tình (hay cố ý?) đề cao lý tưởng để tránh né hoặc lờ đi sự thật hiển nhiên mà đó mới chính là ý nghĩa chân thiện mỹ của đời sống?
Trong khi đức Phật chỉ thẳng tính vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh của pháp thế gian thì không ít tôn giáo xem đó là tiêu cực nên chỉ đề cao lý tưởng thường, lạc, ngã, tịnh khiến tín đồ ao ước cảnh giới siêu thực mà quên đi cuộc sống hiện thực. Họ không biết rằng giác ngộ ra bản chất thật của thế giới hiện thực thì ngay đó liền thấy ra Chân Lý cứu cánh (thực tại chân đế) chứ không có chân lý lý tưởng nào xuất phát từ tư tưởng khái niệm cả, vì thực ra đó chỉ là ảo mộng!
Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét