"Tôi là ai?" là câu hỏi thường trực cho những ai mới bắt đầu bước trên con đường tâm linh. Coi mình như là một chủ thể đang nhận thức và trải nghiệm vốn là điều đương nhiên với những người đang hướng ngoại tìm cầu, nhưng khi bắt đầu biết nhìn lại chính mình thì chợt phát hiện điều vốn được coi là đương nhiên ấy lại có vẻ không chắc chắn chút nào.
Tôi và của tôi
Ảo tưởng về bản ngã được cấu thành nhiều lớp, từ vật chất tới tinh thần. Cái gì cũng vơ vào là "của tôi" nhưng cuối cùng "tôi là ai?" thì lại rất mù mờ...
Dùng ý nghĩ để cố xác định về mình tức là tự giới hạn chính mình
Phải chăng khi biết "Tôi là ai" sẽ giải thoát khỏi phiền não khổ đau, hay chính mong cầu tìm cho ra giải đáp này lại trở thành vướng mắc lớn nhất của mỗi người chúng ta. Hãy xem Eckhart Tolle chia sẻ trong cuốn sách "Thức Tỉnh Mục Đích Sống":
"Tôi thường chúc mừng khi nghe một người nào đấy thú thật với tôi rằng trong hành trình đi vào con đường tâm linh, họ không còn biết họ là ai nữa.
Lúc đó trông họ rất bối rối và ngạc nhiên khi hỏi lại tôi: “Ông bảo rằng bối rối, và lẫn lộn là một điều tốt?”. Tôi yêu cầu họ nhìn sâu hơn, xem sự bối rối ấy có nghĩa là gì. Vì câu nói “Tôi thực không biết tôi là gì” không phải là biểu lộ của sự bối rối. Bối rối là khi bạn nghĩ “Tôi thực không biết tôi là gì, nhưng tôi nên biết câu trả lời đó là gì” hoặc “Tôi thực không biết tôi là gì, nhưng tôi rất cần biết”.
Bạn có thể buông bỏ ý nghĩ rằng bạn nên biết bản chất của mình không? Hay nói khác đi, bạn có thể buông bỏ sự tìm kiếm một khái niệm để giúp cho bạn có một cảm nhận về con người mình không?
Bạn có thôi đi tìm chính mình qua suy tư? Khi bạn buông bỏ ý nghĩ rằng bạn cần biết bạn là gì thì bạn có còn cảm thấy bối rối không?
Bất thần bối rối không còn nữa. Khi bạn hoàn toàn chấp nhận rằng bạn thực không cần biết bản chất chân thật của mình là gì, bạn đi vào một trạng thái yên bình và sáng tỏ, điều này gần với bản chất chân thật của bạn hơn là dùng suy nghĩ để cố hình dung ra.
Dùng ý nghĩ để cố xác định về mình tức là bạn tự giới hạn chính mình..."
Tôi có là cái gì thì cũng chịu khổ của cái đó
Qua những chiêm nghiệm khi thực hành, ai cũng sẽ thấy dù có gán mình là cái gì thì cũng dính khổ đau của cái đó:
• Nếu gán mình là cái thân này thì luôn phải loay hoay giữa thân thể khoẻ mạnh và bệnh tật nên khổ.
• Nếu gán mình là cái tâm này thì luôn phải loay hoay giữa tâm bình an và tâm bất an nên khổ.
• Nếu gán mình là linh hồn thì thì luôn phải loay hoay giữa linh hồn cõi thấp và linh hồn cõi cao hơn nên khổ.
• Nếu gán mình là năng lượng thì luôn phải loay hoay giữa năng lượng thanh khiết và năng lượng dơ bẩn nên khổ.
• Nếu gán mình là điểm sáng thì luôn phải loay hoay giữa điểm sáng mạnh hay yếu nên khổ.
• Nếu gán mình là cái thấy biết này thì cũng thì luôn phải loay hoay cái biết trong sáng (minh) và mê mờ (vô minh) nên khổ. Thật ra tính biết là tính chất sẵn có của tâm, không phải là chủ thể độc lập nên trong tư tưởng coi mình là cái thấy biết ấy cũng chỉ là thoả mãn ý đồ muốn định nghĩa (define) chính mình.
Tóm lại nếu trong ý niệm còn cái Tôi như một chủ thể thì về mặt tâm lý đã tự cách ly thân-tâm này khỏi vũ trụ, và ngay đó phải đối diện với tính 2 mặt của cuộc sống mà rơi vào khổ đau...
Chia sẻ của các bậc giác ngộ
Đối với câu hỏi "Tôi là ai?", hãy lắng nghe câu trả lời của các bậc giác ngộ:
• Thầy Viên Minh: "...là ai không cần hỏi, ta là cái ta là..."
• Lục Tổ Huệ Năng:"...Bản lai không phải vật (Bản lai vô nhất vật)"
• Ajahn Chah:"...khi anh nghĩ, anh hiện hữu trên cuộc đời này là anh đã tạo ra sự rắc rối. Đừng tạo cho mình bản ngã. Tuyệt đối không có gì để nói cả..."
• Thầy Viên Minh:"Sức mạnh lớn nhất là chịu được không là gì cả!"
• Eckhart Tolle:"...Khi bạn hoàn toàn chấp nhận rằng bạn thực không cần biết bản chất chân thật của mình là gì, bạn đi vào một trạng thái yên bình và sáng tỏ. Dùng ý nghĩ để cố xác định về mình tức là bạn tự giới hạn chính mình..."
• Đức Phật dạy:"Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, tất cả các pháp đều vô ngã!"
Bạn không thể nào tìm ra được chủ thể đang trải nghiệm ấy
Ta có thể tự nhủ rằng: Tôi là điểm sáng, hay Tôi là linh hồn hoặc Tôi là năng lượng, vv... nhưng thực ra điểm sáng, linh hồn hay năng lượng chỉ là đối tượng nhận biết của "Ta" chứ không phải chủ thể đang nhận biết là "Ta".
Như chia sẻ của Eckhart Tolle:
"...Tất cả những gì bạn nói hay nghĩ về mình đều là đối tượng trải nghiệm, chứ không phải là chủ thể đang trải nghiệm.
Bạn có thể thêm vào một ngàn định nghĩa về bản thân bạn và khi làm như thế, bạn chỉ làm tăng thêm tính phức tạp cho việc trải nghiệm về mình.
Nhưng dù có làm như thế thì bạn cũng không thể nào tìm ra được chủ thể, cái làm ra những gì bạn trải nghiệm..."
Cái Tôi (bản ngã) chỉ là ảo tưởng
Lời dạy của Đức Phật rất rõ. Pháp luôn vận hành tự nhiên hoàn hảo, mọi thứ luôn như nó đang là bao gồm cả thân-tâm này.
Ảo tưởng khởi lên ý niệm về sự tồn tại của cái Tôi, rồi cái Tôi ảo tưởng này lại đi tìm bản chất thật của chính nó. Trong quá trình tìm kiếm, nó đã tự khẳng định mình bằng cách tạo ra vô số khái niệm về "của Tôi" xung quanh nó.
Nỗ lực tìm kiếm càng nhiều thì những gì vây quanh càng lớn và chúng trở thành gánh nặng (attachments), ngục tù cho chính "cái Tôi" ấy.
Thật trớ trêu bất chấp mọi nỗ lực tự khẳng định mình thì sự thực bên trong vẫn rỗng không (xem hình tròn minh họa bên trên) vì cái Tôi chỉ là ảo tưởng.
Hai câu chuyện vui
Trò có điều thắc mắc hỏi Sư thầy:
- Đạo Phật nói không có Ta và của Ta, vậy thì ai sẽ nhận nghiệp quả thưa sư?
- Chỉ có thân-tâm này nhận nghiệp quả, không có ai nhận nghiệp quả cả!
Trò vẫn còn chưa thông:
- Nếu thân-tâm này nhận nghiệp quả thì có khác gì Ta nhận nghiệp quả thưa Sư?
- Tại sao không khác, thân-tâm này này nhận nghiệp quả là chuyện tự nhiên bình thường như khi khát thì uống nước thôi nên có thể đau nhưng đâu có khổ. Còn cái Ta ảo tưởng vì luôn luôn muốn tốt hơn nên khi nhận nghiệp quả thì vừa đau mà vừa khổ.
- Vậy mục đích cuối cùng của Đạo Phật là gì thưa sư?
- Là thức tỉnh chúng sinh thoát khỏi ảo tưởng về cái Ta và của Ta, ngay đó giải thoát khỏi mọi đau khổ và phiền não...
* * *
Giữa cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh, một người phụ nữ bị hôn mê dài ngày. Bà ta thấy mình bị đưa ra trước Thượng đế.
Một giọng nói vang lên:
- Người là ai?
Người phụ nữ run sợ đáp:
- Thưa con là vợ của…
Tiếng nói ấy bỗng trở nên nghiêm nghị:
- Ta không hỏi ngươi là vợ của ai. Ta chỉ hỏi ngươi là ai?
Người phụ nữ đáng thương vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của câu hỏi, bà ta tiếp tục thưa:
- Con hành nghề giáo viên…
Tiếng nói hơi trở nên gay gắt:
- Ta không hỏi ngươi làm nghề gì.Ta chỉ muốn biết ngươi là ai mà thôi?
Nghe đến đây, người phụ nữ liền thưa:
- Con là một tín đồ Hồi giáo...
Tiếng nói tỏ ra gay gắt hơn:
- Ta chẳng hỏi ngươi có đạo hay là không. Ta chỉ muốn biết ngươi là ai?
Người phụ nữ nhẫn nại:
- Con luôn giúp đỡ những người nghèo thiếu…
- Ta không cần biết người vị tha hay bác ái như thế nào, Ta chỉ cần biết ngươi là ai thôi?
Như một nỗ lực cuối cùng, người phụ nữ đáp nhanh:
- Dạ con tên là...
Tiếng nói cắt ngang:
- Ta không hỏi tên của ngươi, mà chỉ muốn biết ngươi là ai?
Đột nhiên tỉnh ngộ, người phụ nữ hiểu được ý nghĩa cao cả của câu hỏi...
Cá thể (Individual) - Chủ thể (Personal) và Vô Ngã
Trong mục Hỏi & Đáp của trang trungtamhotong.org, Thầy Viên Minh có chia sẻ như sau:
"...Có hai cái "tôi": Tôi như là cá thể (individual) gồm những cá tính tất yếu ở mỗi người. Và "tôi" như là chủ thể (personal) do tưởng tượng tạo ra.
Vô ngã là không có cái tôi ảo tưởng tự dựng lên cho mình chứ không phải không có yếu tính của một cá thể độc lập. Nếu tư tưởng xuất phát từ cái tôi ảo tưởng thì chỉ là vọng tưởng. Nhưng nếu tư tưởng xuất phát từ trải nghiệm thực (tri kiến thực nghiệm) của mỗi cá thể thì mới đáng tôn trọng."
Đó là những lời tư vấn của bậc giác ngộ, còn sự thực thế nào thì mỗi người chúng ta cần trở về ngay nơi chính mình trải nghiệm, chiêm nghiệm mà tự khám phá ra.
Pháp Thuận
0 Nhận xét