Hỏi: Có thể vĩnh viễn thoát khỏi được hoạt động của trung tâm bản ngã hay không? Có một Chân ngã riêng rẽ khác với hình ảnh tự tạo của bản ngã hay không?
Krishnamurti: Ý của chúng ta là gì qua bản ngã? Nếu bạn hỏi ai đó bản ngã là gì, họ sẽ nói, “Nó là tất cả các giác quan của tôi, các cảm xúc của tôi, mọi sự tưởng tượng của tôi, những đòi hỏi yêu đương lãng mạn của tôi, mọi xúc cảm của tôi, chồng, vợ, mọi bản chất của tôi, mọi sự vật lộn của tôi, mọi thành tựu của tôi, mọi tham vọng của tôi, mọi khát vọng của tôi, mọi đau khổ của tôi, và mọi niềm vui của tôi”- Mọi điều đó sẽ là bản ngã.
Bạn có thể thêm vào một vài ngôn từ nữa nhưng chủ yếu nó vẫn là trung tâm, cái “tôi”, mọi thôi thúc của cái “tôi” – “Tôi bắt buộc phải tìm tới Ấn độ để tìm hiểu lẽ thật” vân vân và vân vân. Từ trung tâm này, tất cả mọi hoạt động diễn ra: Tất cả mọi khao khát của chúng ta, mọi tham vọng của chúng ta, mọi tranh cãi của chúng ta, mọi bất đồng ý kiến của chúng ta, mọi khái niệm của chúng ta, mọi thành kiến của chúng ta và mọi kinh nghiệm của chúng ta đều là trung tâm của hiện tượng này. Trung tâm không chỉ là ý thức bản ngã đang tác động bên ngoài nhưng cũng là ý thức sâu thẳm của nội tâm không công khai và rõ rệt. Nó là tất cả mọi địa hạt của ý thức.
Hỏi: Có thể nào thoát khỏi trung tâm này hay không?
Tại sao ta muốn thoát khỏi nó? Có phải bởi vì trung tâm là nguyên nhân phân chia? Đúng thế, cái “tôi” là yếu tố tích cực đang hoạt động trong mọi lúc; nó vẫn là cái “tôi” này với nhiều tên gọi khác nhau, với nhiều mầu da khác nhau, với một nghề nghiệp khác nhau, với một địa vị khác nhau trong cơ cấu đẳng cấp xã hội – bạn là lãnh chúa vân vân và vân vân, có ai đó khác là kẻ phục dịch – Nó cũng là cái “tôi” đang phân khai chính nó ở tất cả mọi thứ hạng mục – xã hội, kinh tế và tôn giáo.
Nơi nào có sự phân chia này thì chắc chắn nơi đó có sự xung đột – Tín đồ Ấn Giáo đối lập với tín đồ Hồi Giáo, Do thái giáo, Ả rập, Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp Quốc. Đó là sự việc hiển nhiên qua phương diện vật chất và nó đã mang lại các trận chiến kinh hoàng, bao thống khổ vô biên, bạo lực và sự tàn ác.
Bản ngã đồng hóa với lý tưởng - thánh thiện hoặc hạ tiện và nó đấu tranh cho lý tưởng đó. Nhưng tuy vậy nó vẫn là “hành trình của bản ngã”. Mọi người đến Ấn Độ nỗ lực khám phá tâm linh. Họ khoác lên mình các trang phục lộng lẫy nhưng họ chỉ thay đổi y phục, quần áo mà thôi; về căn bản thì họ vẫn là cái “tôi” đó đang hoạt động, liên tục vật lộn, nỗ lực nắm bắt, chối bỏ, dính mắc một cách sâu xa với tất cả mọi kinh nghiệm, mọi khái niệm, mọi ý tưởng và mọi khao khát của họ. Và khi ta sống, ta quan sát trung tâm này, cái “tôi” này là thực chất của vô số rắc rối. Ta cũng thấy rằng đó là thực chất của tất cả mọi khoái lạc, mọi nỗi sợ hãi và đau khổ.
Khi ta hỏi, “Làm sao tôi có thể loại bỏ trung tâm này để tôi thật sự hoàn toàn giải thoát… một cách tương đối, không tương đối?” Để được giải thoát thì khá đơn giản. Ta có thể bớt ích kỷ một chút, quan tâm đến phúc lợi xã hội một chút, quan tâm đến những khó khăn của kẻ khác một chút, và trung tâm thì luôn cắn mạnh và hung hăng.
Có thể nào hoàn toàn thoát khỏi được trung tâm đó hay không? Trước tiên, hãy biết là khi càng cố gắng nỗ lực để thoát khỏi trung tâm thì nỗ lực đó lại càng củng cố trung tâm, cái bản ngã đó. Đối với người đã hành nhiều loại thiền định khác nhau. Họ cố gắng áp chế một cái gì đó trên chính họ. Cái “tôi” đó đồng hóa với nỗ lực đạt được và bảo là, “Tôi đã thành tựu”, nhưng cái “tôi” đó vẫn là trung tâm.
Để có thể thoát khỏi thì chắc chắn là không nỗ lực, không làm những gì mà ta muốn bởi vì đó vẫn là sự vận hành của bản ngã. Nếu thế thì ta phải làm gì? Nếu bạn không nỗ lực, bởi vì bạn thấy trên thực tế là bạn càng nỗ lực thì trung tâm càng khó nhọc hơn, nếu vậy ta phải làm gì?
Có người hỏi rằng: Có một Chân ngã riêng rẽ khác với bản ngã tự tạo ra bởi tư tưởng và các hình ảnh của nó không? Có nhiều người đã đặt câu hỏi này. Tín đồ Ấn giáo cho rằng nguyên lý cao tột nhất là bản ngã. Chúng ta cũng hình dung là có một Chân ngã riêng rẽ với cái “tôi”. Tất cả các bạn, tôi chắc chắn là các bạn cảm nhận là có một cái gì siêu vượt trên cái “tôi” được gọi là bản ngã cao thượng, bản ngã siêu phàm hoặc bản ngã vô thượng. Khoảnh khắc chúng ta dùng chữ “bản ngã” hoặc dùng bất cứ từ nào để mô tả tính siêu vượt trên bản ngã thì cái “tôi” siêu việt này nó vẫn là bản ngã.
Có thể nào thoát khỏi bản ngã hay không? - mà không trở thành cỏ cây, mà không bị đãng trí, mà không bị chút điên điên? Có nghĩa là: Có thể nào hoàn toàn thoát khỏi mọi dính mắc? - vốn là một trong các thuộc tính? vốn là một trong các phẩm chất của bản ngã. Ta bị dính mắc vào danh vọng, địa vị của ta, với tên gọi của ta, với tất cả mọi kinh nghiệm của ta. Ta bị dính mắc với lời ta nói. Nếu bạn thật sự muốn được thoát khỏi bản ngã thì có nghĩa là bạn không còn bị dính mắc, không có nghĩa là bạn trở nên xa lạ. Trước đó, nó bị dính mắc; bây giờ nó nói là:“Tôi sẽ không bị dính mắc". Đó vẫn là dòng vận hành của bản ngã.
Khi bạn thật sự không gắng sức nỗ lực, căn bản là bạn không bị dính mắc thì từ sự nhận thức sâu xa của hiện tượng không dính mắc đó là trách nhiệm. Không trách nhiệm với vợ của bạn, với con cái của bạn nhưng với ý thức sâu xa của trách nhiệm. Bạn có làm như vậy không? Đó là vấn đề.
Chúng ta có thể nói liên tục, dùng nhiều ngôn từ khác nhau nhưng khi được thử thách thì chúng ta xem ra không muốn làm như vậy. Chúng ta ưa thích được tiếp tục như cách cũ, hiện trạng hơi có chút thay đổi nhưng chúng ta vẫn mãi tiếp tục với mọi biện luận của chúng ta.
Để thoát khỏi mọi kinh nghiệm của bạn, mọi kiến thức của bạn, mọi nhận thức tích lũy của bạn… điều này là có thể xảy ra nếu bạn thật sự muốn, và nó không cần thời gian. Thời gian cũng là một trong những lý do mà chúng ta tự bào chữa: Chúng ta chắc chắn phải cần thời gian để được giải thoát.
Khi bạn thấy một trong các yếu tố của bản ngã là sự dính mắc và bạn thấy nó đã tác động thế giới này như thế nào và nó đã làm gì với mối liên hệ của bạn với người khác, những cuộc tranh cãi, chia ly, và tất cả mọi sự xấu xa của các mối quan hệ… Nếu bạn thấy được hiện thực của sự dính mắc này thì bạn thoát khỏi nó. Sự nhận thức của bạn sẽ khiến bạn được tự do.
Bạn có làm như vậy không?
Krishnamurti
Dịch giả : NHẤT NHƯ
0 Nhận xét