Thông điệp nền tảng nhất của Phật Gautama là không có Thượng đế, không có linh hồn... đó là tự do, tự do tuyệt đối, toàn bộ và vô điều kiện. Ông ấy không muốn trao chuyền cho bạn một ý thức hệ, bởi vì mọi ý thức hệ đều tạo ra sự nô lệ của riêng nó. Ông ấy không muốn cho bạn tôn giáo, bởi vì tôn giáo trói buộc bạn. Đó đích xác là nghĩa tiếng Anh của từ 'tôn giáo' - điều trói buộc bạn lại. Tôn giáo là tù túng, rất tinh vi, tinh vi tới mức chừng nào bạn còn chưa biết rằng bạn sẽ không có khả năng thấy điều đó. Ông ấy cũng không muốn cho bạn triết lí về cuộc sống, bởi vì bất kì triết lí nào được ai đó khác trao cho bạn đều sẽ giam cầm bạn. Bạn phải sống tương ứng theo ánh sáng riêng của mình, không theo ánh sáng của bất kỳ một ai đó khác.
Toàn thế giới đầy những nô lệ bởi lẽ đơn giản là như Phật nói: Hãy là ánh sáng lên chính mình. Chừng nào bạn còn chưa tạo ra ánh sáng bên trong, bạn sẽ vẫn còn là nô lệ. Bạn sẽ bị chi phối. Và có những tu sĩ xảo quyệt, tinh ranh, rất láu cá, rất phàm tục, và họ biết, họ có kinh nghiệm trong việc tạo ra tù túng mới cho bạn. Nếu bạn thoát khỏi nhà tù này, họ lập tức tạo ra nhà tù khác. Họ rất láu cá với lời nói, với sự diễn giải. Họ cứ diễn giải lời nói theo cách tinh vi mà bạn sẽ không bao giờ có khả năng hiểu được, những lời của Chư Phật bị thao túng, bóp méo. Lời đáng được ngụ ý cho bạn tự do đã bị biến trở thành xiềng xích.
Nhưng con người vốn không tỉnh thức, do đó con người vẫn còn là nạn nhân - nạn nhân của đủ mọi loại khai thác tâm lí.
Phật dạy bạn tự do là mục đích tối thượng, summum bonum, điều tốt lành nhất. Mọi giá trị khác đều là sản phẩm phụ của tự do; chúng theo sau tự do như hệ quả.
Jesus nói: Trước hết ông hãy tìm vương quốc của Thượng đế, thế rồi tất cả những điều tốt đẹp khác sẽ được thêm vào cho ông. Phật sẽ không nói điều đó. Ông ấy sẽ nói: Trước hết ông hãy toàn bộ và tự do tuyệt đối, và thế rồi tất cả các thứ khác sẽ được thêm vào ông. Nếu ông tìm Thượng đế, tức là ông lại đi tìm nhà tù mới, có thể tốt hơn nhà tù cũ, có thể bằng vàng, rất quí - nhưng nhà tù vẫn là nhà tù thôi. Dù xiềng xích của bạn được làm bằng sắt hay vàng, điều đó chẳng tạo ra khác biệt chút nào. Trên thực tế, nếu xiềng xích được làm bằng vàng thì sẽ khó thoát khỏi chúng hơn nhiều bởi vì bạn sẽ trở nên bị gắn bó. Bạn sẽ nghĩ xiềng xích đó không phải là xiềng xích mà là đồ trang sức. Bạn sẽ bảo vệ chúng, bạn sẽ canh giữ chúng - không ai có thể đánh cắp chúng từ bạn!
Tự do là hương thơm của toàn thể thông điệp của Phật. Không người chứng ngộ nào khác đã từng nhấn mạnh tới tự do nhiều như vậy. Tại sao Phật nhấn mạnh vào tự do nhiều thế? - bởi lẽ đơn giản là ông ấy đã thấy tất cả các lí tưởng khác đều bị đổi thành tù túng. Ông ấy đã thấy tất cả những triết lí đẹp đẽ đều bị các tu sĩ đầu độc. Hãy cảnh giác với tu sĩ!
Phật không phải là tu sĩ, mà Jesus cũng không, Mahavira cũng không. Không người chứng ngộ nào là tu sĩ cả. Tu sĩ sống theo lời của người chứng ngộ và khai thác những người chưa chứng ngộ. Ông ta chắc chắn láu cá nhưng không khôn ngoan, thông thái nhưng không chứng ngộ. Ông ta thành công trong thao túng bạn bởi vì bạn chưa tỉnh thức.
Do đó, điều thứ hai Phật nhấn mạnh là thiền và nhận biết. Tự do có thể tới chỉ qua việc ngày càng nhận biết nhiều hơn. Với tự do ông ấy không ngụ ý hiện tượng xã hội nào hay thay đổi chính trị nào. Tôi đã bắt gặp những cuốn sách do người cộng sản, người Mác xít, người xã hội viết ra, những người cố gắng chứng minh rằng tự do của Phật nghĩa là chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, rằng tự do của ông ấy nghĩa là cách mạng xã hội, cách mạng chính trị. Điều đó là hoàn toàn vô nghĩa! Phật chẳng liên quan gì tới thế giới bên ngoài, mối quan tâm của ông ấy là nội tâm của bạn. Ông ấy muốn thay đổi vô ý thức của bạn thành có ý thức, ông ấy muốn thay đổi bóng tối của bạn thành ánh sáng, ông ấy muốn thay đổi cái đang sinh tử trong bạn thành cái bất tử.
Ông ấy thực sự làm công việc của nhà tiên tri, của Upanishads, người đã cầu nguyện Thượng đế, "asato ma sadgamay. Hỡi Thượng đế, hỡi Trời, xin đem chúng con xa khỏi cái giả dối, khỏi cái không thật, để tới chân lí, tamaso ma jyotirgamay. Hỡi Thượng đế, hỡi Trời, hãy đưa chúng con xa khỏi bóng tối vào trong ánh sáng. Mrityor ma amritamgamay. Hỡi Thượng đế, hỡi Trời, hãy đưa chúng con xa khỏi cái chết tới cuộc sống vĩnh hằng." Nhưng họ đã cầu nguyện Thượng đế.
Phật nói: Không lời cầu nguyện nào sẽ có ích. Chừng nào bạn còn chưa làm điều gì đó, lời cầu nguyện của bạn là bất lực. Không cần cầu nguyện, nhưng có nhu cầu lớn để thiền. Tôn giáo của ông ấy không phải là tôn giáo của lời cầu nguyện. Tôn giáo của ông ấy là rất khoa học theo nghĩa ông ấy không giả định bất kì niềm tin nào. Bạn không cần tin vào Thượng đế, bạn không cần tin vào kiếp sau. Ông ấy nói: khi bạn có thể kinh nghiệm, thế thì sao lại tin? Mọi niềm tin chung cuộc đều biến bạn trở thành nô lệ.
Phật không khuyến khích mọi loại tin và không tin. Ông ấy là người theo thuyết bất khả tri. Ông ấy nói bạn cứ cởi mở đi, còn nếu bạn tin vào điều gì, bạn trở nên bị đóng. Người Hindu bị đóng, người Mô ha mét giáo bị đóng, người Ki tô giáo bị đóng, vì họ đã kết luận rồi. Họ đã chấp nhận niềm tin nào đó là đúng mà không kinh nghiệm nó. Đây là không trung thực! Họ thậm chí không đích thực, họ thậm chí không thật thà, khi nói về tính tôn giáo của họ? Từ chính lúc ban đầu họ đã không trung thực rồi; đức tin làm cho bạn thành không trung thực.
Tin tức là cho rằng cái gì đó, cái mà mà bạn chưa kinh nghiệm được theo cách riêng của mình, là đúng. Làm sao bạn có thể tin được nếu bạn thật sự chân thành với chính mình? Nếu việc tìm kiếm chân lí của bạn là đích thực, bạn không thể tin được và cũng không thể không tin. Bạn không thể nói có Thượng đế, cũng như bạn không thể nói không có Thượng đế. Bạn chỉ có thể nói, "Tôi không biết và tôi đang tìm kiếm, tôi đang kinh nghiệm, đang thử kinh nghiệm." Đó là chính là cách của thiền.
Lời cầu nguyện luôn dựa trên lòng tin vào một giả định trước, không có lòng tin thì không có khả năng nào cho lời cầu nguyện. Bạn sẽ cầu nguyện ai? Bạn sẽ gửi lời cầu nguyện của mình tới ai? - Lời cầu nguyện luôn hướng tới Thượng đế nào đó mà bạn đã chấp nhận bởi vì điều đó đã được mách bảo cho bạn từ thời ấu thơ, bạn đã bị thôi miên.
Mọi niềm tin đều không là gì khác ngoài thôi miên. Người này bị thôi miên là người Hindu, người kia bị thôi miên là người Mô ha mét giáo; cả hai đều sống trong một loại giấc ngủ say. Thôi miên nghĩa là ngủ; chính từ này nghĩa là ngủ. Bạn đã bị cho nhiều chất độc, dần dần, dần dần qua niềm tin mà bạn đã rơi vào giấc ngủ. Bạn không còn nhận biết điều mình đang làm, và tại sao mình làm. Tại sao bạn đi đến đền chùa? Tại sao bạn cúi lạy tượng đá? Tại sao bạn trích dẫn cái gì đó vô nghĩa? Tại sao bạn đi tới Kaaba hay Kashi hay Girnar? Để làm gì? Có cái gì đó tiên nghiệm. Bạn đã tin vào điều tôn giáo là gì, mà không tự mình kinh nghiệm, không tự mình truy tìm.
Đây là cách thức của kẻ hèn nhát, đây là cách thức của người sống dở chết dở. Thiền yêu cầu dũng cảm. Nó yêu cầu tính toàn vẹn, chân thành, kính trọng với bản thể riêng của bạn. Ít nhất đừng tự lừa dối mình.
Phật nói: "Hãy để kinh nghiệm của chính bạn quyết định". Nếu điều này được hiểu bạn nhất định đi tới thiền thay vì lời cầu nguyện. Thế thì thiền sẽ đem tới lời cầu nguyện của riêng nó - là tính cầu nguyện thì đúng hơn. Bạn sẽ không cầu nguyện nhưng bạn sẽ ở trong lời cầu nguyện, bởi vì bạn càng trở nên im lặng hơn, bạn sẽ càng trở nên tĩnh lặng hơn. Bạn càng kinh nghiệm sự hiện diện của mình, thì sự hiện diện bí ẩn càng tràn ngập mọi thứ, thấm vào mọi thứ. Bạn có thể gọi nó là Thượng đế, bạn có thể không gọi nó là Thượng đế, chẳng thành vấn đề bạn gọi nó là gì. Bạn cũng có thể không thích gọi nó là cái gì cả, bạn có thể hoàn toàn im lặng về nó, bởi vì đó là cách thích hợp nhất. Sự hiện hữu không thể được xác định bằng bất kỳ ngôn từ nào, không lời nào là đủ thích hợp để diễn đạt nó.
Nhưng lời Phật nói đã không được ai nghe. Nhân loại vẫn còn trong cách cũ kĩ của nó, như người sống dở chết dở, theo cách ngủ mê. Họ vẫn còn bị thôi miên, vô ý thức...
Đó đích xác là tình huống của nhân loại. Bạn không biết mình là ai? bạn không biết mình đang làm gì? bạn không biết tại sao mình phải làm điều đó ngay khi bắt đầu làm. Bạn không biết, cho dù bạn đang thành công. Vấn đề tất cả là gì? Là dẫu vậy bạn vẫn cứ làm cái gì đó, để giữ bạn bị giam cầm, giữ bạn không nhận ra rằng mình thiếu tỉnh thức.
Mọi nghề nghiệp của bạn về căn bản không khác gì ngoài nỗ lực để trốn tránh sự thật về việc thiếu tỉnh thức của bạn - bởi vì điều đó sẽ động chạm tự ái. Cái tôi của bạn sẽ bị động chạm khi biết rằng "Mình là kẻ sống dở chết dở," bị động chạm khi biết rằng "Mình là kẻ nô lệ." Cho nên bạn cứ ba hoa về mình dường như đó là cái gì đó rất quí và có giá trị. Bạn cứ ba hoa về việc là người Ấn Độ hay người Pakistan hay người Israel hay người Đức hay người Mĩ. Bạn cứ ba hoa về việc mình là người theo Hindu giáo, người Mô ha mét giáo, hay người Ki tô giáo, người Jaina giáo - và bạn không biết rằng bạn đang ba hoa về nhà tù của mình!
Nó giống như hai tù nhân đang khoe với nhau: "Nhà tù của tôi tốt hơn nhà tù của ông. Nhìn cờ kia kìa! Nhà tù của tôi có cờ tốt nhất trên thế giới, cột cờ cao nhất. Và chớ có nói lời nào chống lại nhà tù của tôi đấy; bằng không ông sẽ khổ vì điều đó, ông sẽ phải trả giá cho điều đó." "...Quốc gia của tôi, đất nước của tôi, nhà thờ của tôi, tôn giáo của tôi cao hơn tôn giáo của ông, cao hơn nhà thờ của ông, cao hơn quốc gia của ông..." - chúng ta đều đang ba hoa về nhà tù của mình. Điều này hoàn toàn ngu xuẩn. Nhưng tại sao chúng ta cứ làm nó? bởi vì đó là cách duy nhất để giữ thể diện của chúng ta.
Nếu chúng ta thấy ra vấn đề, rằng tất cả những điều này đều là ngục tù... - không phải một mà là nhiều nhà tù, nhà tù bên trong nhà tù, thì cái thấy ấy sẽ phá huỷ bản ngã của chúng ta. Vì vậy chúng ta cần lòng tin giúp khẳng định lại bản ngã của mình, kiểu như:"Chúng ta là quốc gia vĩ đại," rằng "Lịch sử của chúng đầy những dũng cảm," rằng "Chúng ta đã tạo ra những chiến binh vĩ đại nhất"... hay những thánh nhân vĩ đại nhất, hay bất kì cái gì có đó như "Chúng ta đã tạo ra xã hội tôn giáo nhất trên thế giới," hay xã hội dân chủ nhất hay xã hội cộng sản nhất. Những kết luận này chúng ta bảo vệ bản ngã của mình. Chúng ta dùng đủ mọi phương cách, phương tiện, và chiến lược để cho bản ngã chúng ta không bị động chạm.
Chính bản ngã là thứ giả tạo nhất trong sự tồn tại, không có gì giả tạo hơn bản ngã. Nó không có bản chất. Nó là quả bóng đầy khí nóng - hay có thể chẳng có quả bóng nào cả, chỉ khí nóng thôi! Nhưng chúng ta đang sống theo chỉ đạo của thượng đế giả này, chính nó, là bản ngã.
Và luôn có các tu sĩ cung cấp cho chúng ta những chiến lược mới, cách diễn giải mới, khi thời gian thay đổi.
...Một đứa bé trong trường ngày buổi lễ ngày Chủ Nhật ngẩn người ra khi linh mục nói rằng Thượng đế làm ra mọi thứ. Đứa trẻ trông ngẩn ra, với một câu hỏi trong mắt nó. Linh mục hỏi:
- Có chuyện gì thế, Johnny? Con trông ngẩn người ra.
Johnny trả lời:
- Dạ vâng. Bác nói mọi thứ - bác có thực ngụ ý mọi thứ không? Thế thì đâu là tài liệu tham khảo rằng Thượng đế đã làm ra đường ray tầu hoả? Con chưa bao giờ bắt gặp điều đó.
Người linh mục nói:
- Đúng rồi, con chắc đã bỏ qua điều đó. Có sách tham khảo đấy. Trong Kinh Thánh có nói rằng Thượng đế làm ra mọi thứ dần dần, kể cả đường ray tầu hoả nữa!...
Và không chỉ có việc họ đang lừa trẻ nhỏ đâu, họ làm cũng đang làm điều đó với bạn đấy...
Ở Baltimore, vào lúc chuyển giao giữa thế kỉ 20 và 21,... Khi vị giáo trưởng đáng kính sắp kết thúc buổi thuyết giảng của mình, ông ta nói to:
- Và tôi nói với các vị, Ngày phán xét cuối cùng trong tầm tay rồi, và chừng nào các vị còn chưa sống nghiêm túc theo luật được trao cho chúng ta từ bản thân Mose, sẽ có khóc lóc và gào thét và nghiến răng!"
Một bà ngồi ngay hàng ghế trước, hoảng sợ với cách hiểu nhanh của mình, kêu lên:
- Nhưng, thưa ngài, tôi không có răng!
- Thưa bà - nhà thuyết giảng gầm lên như sấm - răng sẽ được cung cấp!
Phật không phải là tu sĩ, cũng không phải là nhà tiên tri, ông ấy là một loại người hoàn toàn khác. Ông ấy là người đã thức tỉnh, ông ấy đã đi tới việc hoàn toàn biết bản thân mình. Ông ấy không phải là hoá thân của Thượng đế - ông ấy chưa bao giờ tuyên bố như thế. Ông ấy không phải là sứ giả đặc biệt của Thượng đế, ông ấy không có bản ngã như thế. Ông ấy không tuyên bố rằng "Ta là đứa con duy nhất." Tất cả những điều này có vẻ ngớ ngẩn nếu bạn nghĩ về Phật. Ông ấy rất đơn giản, vậy mà thông điệp của ông ấy lại thực tế nhất, khoa học nhất, xuyên thấu nhất.
Ông ấy nói:"Ta đã không tỉnh thức như các ông, bây giờ ta đã trở nên tỉnh thức, và mọi sợ hãi và nỗi buồn của ta đã biến mất. Một ngày nào đó ta đã giống các ông, một ngày nào đó các ông có thể giống ta, không có sự khác biệt về chất giữa chúng ta. Ta đã thức tỉnh, các ông còn ngủ, đó là khác biệt duy nhất. Ta không phải là phi thường, ta bình thường như các ông thôi. Điều duy nhất đã xảy ra là ở chỗ ta đã mở mắt ra còn các ông vẫn nhắm mắt. Mở mắt ra đi và nhìn lại bản thân các ông!"
Osho
Trích 'Dhammapada - Con đường của Phật (Tập 10, Chương 3: Thiền yêu cầu dũng cảm)
0 Nhận xét