Cứu trợ

Mái Ấm Hồng Ân

12/12/2008 06:31:00 CH

Cô Vương Ngọc Sương bên cạnh các con - Ảnh: Yên Thảo

Một người phụ nữ bước vào tuổi ngũ tuần, bại liệt cả đôi chân lại mang đủ thứ căn bệnh nguy hiểm trong người đang là "linh hồn" của ngôi nhà mồ côi gần 50 trẻ.

Chuyện dường như khó tin nhưng đó là một sự thật đầy cảm động tồn tại đã hai chục năm nay tại căn nhà 310/48 Lạc Long Quân, phường 8, quận Tân Bình, TP.HCM.
Nhọc nhằn cảnh hai quê

"Chắc cô phải xuất viện thôi. Tiền viện phí cao quá. Với lại nằm viện, bỏ lũ nhỏ một mình ở nhà cô lo lắm". Mới nói hôm trước hôm sau đến thăm người ta nói cô đã xin xuất viện, dù căn bệnh xơ động mạch máu vẫn chưa chữa trị đến đâu, bệnh xuất huyết não, mỡ trong máu mới manh nha và huyết áp cứ thường xuyên lên cao đột ngột.

Quả thật, những ngày tháng nằm viện là thời gian cô mệt mỏi và đau khổ nhất. Cô nằm viện chữa bệnh mà trong thâm tâm không khi nào được thanh thản. Trong đầu người mẹ nghèo có biết bao nhiêu vấn đề phải suy nghĩ, lo toan.

Không có đủ tiền điều trị theo toa bệnh viện kê, cô chuyển sang uống thuốc nam. Kiêng cữ đủ thứ khiến cô xanh xao thấy rõ, nhưng hôm nay gặp lại nét mặt cô vui hơn mấy hôm nằm viện nhiều. Cô cười thật hiền: "Chỉ cần được ở nhà với lũ trẻ là cô khỏe liền à". Bệnh còn nặng, chưa đủ sức ngồi xe lăn mà lần nào tới cũng thấy cô ngập đầu ngập cổ trong công việc.

Không trực tiếp làm việc được cùng các con, cô nằm trên giường bệnh làm "tổng chỉ huy". Đợt bão lụt miền Trung, cô cũng thức suốt để thúc bách mấy đứa con lớn cắt, ráp, may quần áo kịp gửi cho đồng bào bão lụt. Khi cơn lũ đã tạm thời qua đi, đến nhà vẫn nghe giọng cô đôn đốc, nhắc nhở; tiếng máy may vẫn chạy đều đều vì "một mùa giáng sinh lạnh giá sắp tới rồi, phải gấp rút may đồ để tặng người nghèo và người vô gia cư kẻo không kịp".

Mấy năm nay hàng xóm trong con hẻm 310 không còn bị quấy rầy giữa đêm khuya nữa, chứ trước kia khi nôi em bé con xếp hàng hàng dãy tại căn nhà này thì đêm nào cũng có người thức giấc cùng tiếng khóc trẻ thơ. Từ khi bệnh nặng, không còn đủ sức "thức trọn năm canh" để trông trẻ, cô Sương quyết định gửi những em bé sơ sinh, những em bé nhỏ chưa đủ tuổi đi học về cho mẹ và cậu em ở Tây Ninh trông nom giúp, đến tuổi đến trường lại đưa lên.

Cảnh hai quê của cô càng nhọc nhằn hơn. Dù đường sá trắc trở, đi lại khó khăn lúc nào rảnh là cô lặn lội xuống dưới thăm con. Thương các con ở quê nghèo khó, sáng nào cô cũng gửi xe mang đồ ăn xuống. Cũng may các bà các chị bán rau củ tươi ngoài chợ thương tình, hàng cuối ngày bán không hết họ mang đến cho. Mấy chục cái miệng ăn nhờ vào tình thương của bà con xóm giềng mà lớn lên như thế.

Phải đến mái ấm Tây Ninh, chúng tôi mới hiểu vì sao cô yêu các thiên thần nhỏ của mình đến vậy. Đứa ba, bốn tuổi đã biết chăm cho các em nhỏ hơn. Chúng làm mọi thứ từ ẵm bồng, cho ăn, ru ngủ đến tắm rửa, thay tã gọn gàng y như người lớn. Thương nhất là hai cô bé bị nhiễm chất độc da cam suốt ngày chỉ nằm oằn mình trên tấm ván gỗ.

"Hồi nhặt Hồng An ở ngã tư Bảy Hiền trông bé dị dạng như một quái thai: đầu to, mắt lồi, chân tay tong teo, queo quắp; kiến bò khắp người, bu tùm lum vào cả hốc mắt, hốc mũi trông vừa sợ vừa thương đến ứa nước mắt. Cô bế con bé tới bệnh viện nhờ người ta rửa ráy giúp nhưng bác sĩ từ chối vì cho rằng cháu bé bị nhiễm HIV.

Cô làm liều, đem con bé về lấy bông băng, oxi già tự tay tắm rửa. Lúc đó cô tự nhủ có thể mình sẽ chết nhưng bằng mọi giá phải rửa sạch con bé. May mà trời thương đứa bé đã được cứu sống và cô cũng chưa chết". Chuyện xảy ra đã mấy năm rồi mà lần nào nhớ lại cũng khiến cô không cầm được nước mắt.
Từ "con bé bụi đời" đến người mẹ "thép"

Giờ ngủ trưa ở mái ấm Tây Ninh - Ảnh: Yên Thảo

Cô Vương Ngọc Sương sinh ra ở Tây Ninh, nhưng vì gia đình nghèo nên từ nhỏ đã phải sống ở cô nhi viện. Thấu hiểu nỗi cực khổ của trẻ mồ côi, cơ nhỡ, cô khát khao được cống hiến. Trong máu cô sôi sục tinh thần từ thiện và đặc biệt "nghiện" các hoạt động công tác xã hội.

Từ lúc còn đi học cô đã đi theo những người lớn đến mọi nẻo đường của đất nước để giúp đỡ những người nghèo khó. Hàng xóm láng giềng gọi cô là "con bé bụi đời" vì suốt ngày cô lang thang đầu đường xó chợ tiếp cận với trẻ em nghèo như một kẻ hành khất thực thụ. Sau khi lập gia đình, sinh con cô vẫn tiếp tục cuộc hành trình không mệt mỏi của mình.

Đến khi bị tai nạn đôi chân trong chuyến công tác xã hội tại Đà Nẵng, cô mới chịu chấm dứt cuộc đời "lang bạt" đến những vùng xa xôi. Song trên chiếc xe lăn cô bắt đầu một công tác mới, hành trình đến với những con người tật nguyền, bại liệt.

Cô rong ruổi khắp các bệnh viện để động viên, an ủi những người bạn đồng cảnh ngộ kém may mắn. Cô vận động mọi người từng công tác cùng cô trước đây may những chiếc gối nhỏ cho người bệnh kê chân, kê tay để nằm được thoải mái. Cũng chính từ bệnh viện, cơ duyên làm mẹ những đứa con của người khác đã đến với cô.

Những đứa trẻ đầu tiên của ngôi nhà mồ côi hầu hết là những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện. Cô cứ xuống phòng phụ sản hỏi thăm, nhặt nhạnh từng đứa trẻ xấu số như thế đến khi nhân viên hộ sinh nhẵn mặt, làm quen rồi xin địa chỉ. Hễ khi nào có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi là họ gửi thẳng về nhà cô.

Sắp tới đây bé Tư sẽ lấy chồng. Cô nói mỗi lần nhà có đám cưới là cô vui mừng lắm, mừng vì có mấy ai chịu hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh mấy đứa con gái mồ côi đáng thương của mình. Song trong giọng kể của cô về những kế hoạch tổ chức đám cưới lại có vẻ gì đó rất buồn.

Cô lo. Lo lấy cái gì mà tổ chức đám cưới cho con nó khỏi tủi thân đây. Rồi cô lại rơm rớm nước mắt khi nhớ đến đứa con gái đã chết vì bệnh suyễn mấy tháng trước: "Tội nghiệp bé Thơ, con bé cũng trạc tuổi bé Tư, ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, chưa một lần được yêu, chưa được hưởng chút hạnh phúc đã phải vĩnh biệt cõi đời". Cậu bé đứng cạnh nói khẽ vào tai tôi: "Mấy tháng ròng, từ khi chị Thơ mất mẹ cứ khóc suốt như thế".

Cuộc đời cô lúc nào cũng vậy, buồn nhiều hơn vui, lo toan nhiều hơn hạnh phúc. Song người phụ nữ "thép" luôn biết cách đón nhận nỗi buồn bằng những nụ cười để tiếp tục sống và cống hiến. Tôi còn nhớ như in câu nói "rực lửa" của cô khi nằm trên giường bệnh: "Cô chưa chết đâu. Chưa chết được đâu. Cô phải sống để làm chỗ dựa cho sắp nhỏ chứ".
YÊN THẢO - Thông tin từ nhóm Volunteer Hoa Hướng Dương - hotline 093785390

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét