Bài viết

Phản biện về OSHO

3/28/2011 04:45:00 CH

Nói rằng ông Osho là một Đạo Sư và những lời giảng dạy của ông là Giáo lý thì không đúng vì tất cả những lời giảng của ông không có gì mới lạ, chỉ là sự góp nhặt rồi pha trộn từ một số giáo lý của các đạo Kỳ Na giáo (Jainism), Ấn Giáo (Hinduism), Phật Giáo, Lão Giáo (Taoism), Thiên Chúa Giáo (Christianity) và một vài tư tưởng triết học đương thời.

Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc giảng dạy môn Triết học tại đại học, rồi từ đó chuyển qua dạy về khoa Tâm linh cho những đệ tử và những người theo ông. Thị trường khoa Tâm linh học ở Ấn Độ thời đó rất cạnh tranh và ông là một người giỏi về tiếp thị. Ông đã tung ra thị trường một sản phẩm mới nhiều hấp dẫn. Đó là những lời hứa hẹn “giác ngộ và giải thoát” bằng một đường lối rất quyến rũ là con đường tình yêu và tình dục; mà ông tin rằng sẽ được đón nhận ở cả phương Tây lẫn phương Đông.

Mặc dầu là một người độc tài, độc tôn, độc đoán, nhưng ông lại là một nhà thuyết giảng có tài, có mãnh lực quyến rũ và thuyết phục người nghe, người đọc. Văn tiếng Anh ông viết giản dị, sáng sủa. Ông thuyết giảng rất nhiều và thuộc đủ mọi đề tài.

Với Phật Giáo, ông ca ngợi đức Phật, dùng những thuật ngữ nhà Phật, nên người đọc, nhất là những Phật tử mới vào đạo hay những người có ý muốn hướng về một nền đạo học Đông Phương cảm thấy thích thú và gần gũi với ông. Ông nói thao thao bất tuyệt về kinh Kim Cương, Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Pháp Cú. Ông thuyết giảng về Vô Ngã và Không Tánh của Phật Giáo. Ông cũng giảng và đề cao nhiều pháp thiền định khác nhau của nhiều tôn giáo, như của Mật tông: Kundalini, Mandala và Tình Dục, lẫn của cả Thiền Minh Sát Vipassana của Phật giáo Nam Tông, cũng như thiền quán âm thanh của kinh Lăng Nghiêm v... v… Ông có lối diễn giảng như hỏa mù, vừa ca ngợi, vừa xuyên tạc đạo Phật (một cách tinh vi), lại vừa lợi dụng uy tín của đức Phật, dùng đức Phật như một cái dù che; nhưng thực chất bên trong nôị dung những điều ông giảng lại chứa đựng những tư tưởng đối nghịch với tư tưởng nhà Phật. Đây chính là điều mà người ta thường gọi là “cái bẫy của ngôn ngữ”.

Chúng ta hãy đọc một đoạn của Osho dưới đây: ”Đừng lo sợ gì cả, vì toàn bộ tiến trình giáo lý Bát Nhã Tâm Kinh sẽ giúp anh phóng thể, khai sáng cái bản ngã: cái “Tôi” đó thực không hiện hữu – chỉ cái “Tôi” đó là cái duy nhất không hiện hữu, không thực! Ngoài ra tất cả đều thực có. Có nhiều đạo sư đã nói: “Thế giới này là ảo ảnh và linh hồn mới hiện hữu – cái ‘Tôi” là thực, ngoài ra đều là ảo giác.” Đức Phật lại giảng trái ngược lại: “Cái Tôi là không thực, còn những thứ khác là thực.” Tôi đồng ý với Đức Phật về quan điểm này hơn tất cả những lập thuyết, quan niệm của những đạo sư khác…”[Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích nữ Minh Tâm]

Đức Phật không hề nói “cái Tôi là không thực, còn những thứ khác là thực…” Những người am tường giáo lý đạo Phật đều biết trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, Đức Phật đều là tuỳ căn cơ, hay nói một cách khác, tuỳ bệnh “chấp thật” của chúng sinh mà cho thuốc khác nhau. Ngài phá chấp thật: phá Ngã chấp, Pháp chấp và Không chấp; [01] ngay cả lời nói của Ngài, Ngài cũng nói là vọng tưởng, chớ nên chấp thật.

Một đoạn khác, cũng trong Bát Nhã Tâm Kinh, Osho cho rằng Tiểu ngã hoà nhập vào Đại ngã là Niết Bàn: “Chỉ có người nào yêu và thiền định thì mới có thể chết tỉnh thức được. Và một khi anh chết trong tỉnh thức rồi, thì anh không cần phải lộn lạo luân hồi trở lại cuộc đời này nữa, vì anh đã học xong bài học thế gian rồi. Rồi anh tan biến vào vũ trụ, hội nhập vào đại thể, hoà mình vào chân ngã – đó là Niết Bàn tịch tĩnh đấy, anh ạ! [Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích nữ Minh Tâm]

Đây chính là quan niệm của Ấn Độ giáo hay Bà La Môn Giáo. Đối với Phật giáo thì mọi khái niệm, tư tưởng về Bản Ngã, dù là Tiểu Ngã hoặc Đại Ngã đều bị quét sạch, kể cả cái công cụ quét cũng bị quét luôn. Ngay cả đến giáo lý của Phật giảng dạy cũng chỉ được coi là phương tiện như con đò đưa người qua sông. Khi đã đến được bến đò thì phải bỏ đò và người đưa đò tức Phật cũng phải bỏ luôn và phải bỏ luôn cả cái vọng chấp gọi là bến đò nữa mới có thể đạt tới cái mà sách vở tạm dùng ngôn từ mà gọi là Niết Bàn, Chơn Như.

Còn trên phương diện hành trì, giáo lý nhà Phật chủ trương diệt dục vì dục là nguồn gốc của khổ đau và luân hồi thì Osho lại chủ trương ngược lại. Ông đề cao dục, ca ngợi dục, quảng bá dục; nhất là tình yêu và tình dục, ông dành nhiều buổi thuyết giảng về tình dục và viết thành một quyển sách nói về Dục. Ông chỉ dạy kỹ thuật giao hoan nam nữ cho dài lâu. Nên lưu ý, đây là điểm quan trọng trong quá trình truyền đạo của ông, là “đường lối hành trì” để hành giả đạt đến giác ngộ giải thoát, đến Niết Bàn hay Thượng Đế” của cái gọi là “giáo lý” của “Đạo sư Osho”. Xin trích đoạn:

“..Nhưng người đã nghiên cứu về dục, người đã đi sâu vào nó, người đã thiền về những kinh nghiệm nhiều kiếp, đều nêu ra rằng nếu giao hợp chỉ kéo dài một phút thì con người sẽ ham muốn nó lần nữa vào ngày hôm sau, nhưng nếu nó có thể được kéo dài trong ba phút thì người đó sẽ không nghĩ về dục trong một tuần tiếp sau. Hơn nữa, họ đã quan sát rằng nếu giao hợp có thể được kéo dài trong bẩy phút thì người đó sẽ tự do khỏi dục đến mức không ý nghĩ đam mê dục nào nẩt sinh trong người đó trong ba tháng. Và nếu thời kì giao hợp có thể kéo dài ba giờ thì người đó sẽ tự do với dục mãi mãi; người đó sẽ không bao giờ ham muốn nó lần nữa!

Nhưng kinh nghiệm của con người nói chung chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc; thậm chí khó mà tưởng tượng được một thời kì ba giờ. Tuy nhiên, tôi lặp lại: nếu một người có thể vẫn còn trong tư thế giao hợp, có thể vẫn còn trong samadhi đó, trong sự chìm ngập ba giờ, thế thì chỉ một hành động giao hợp đó cũng đủ để giải phóng người đó khỏi dục cho phần còn lại trong cuộc đời mình. Nó để lại sau một kinh nghiệm mãn nguyện, một kinh nghiệm phúc lạc đến mức nó kéo dài cả đời. Sau việc giao hợp hoàn hảo đó thì không còn rào chắn để đạt tới vô dục thực sự.

Thậm chí sau cả đời kinh nghiệm dục chúng ta cũng chẳng bao giờ đạt tới bất kì đâu gần cái giai đoạn tối cao đó, gần điều thiêng liêng đó. Tại sao? Người ta đạt tới tuổi già chín muồi, đi tới cuối cuộc sống của mình, nhưng người đó chưa bao giờ được tự do khỏi sự thèm khát dục, khỏi niềm đam mê giao hợp. Tại sao? Bởi vì người đó chưa bao giờ hiểu mà cũng không được bảo cho về nghệ thuật dục, về khoa học dục. Người đó chưa bao giờ xem xét nó; người đó chưa bao giờ thảo luận về nó với người đã chứng ngộ.

Bạn có thể ngần ngại rằng một kinh nghiệm mà thường chỉ kéo dài một khoảnh khắc lại có thể được kéo dài trong ba giờ, cho nên tôi sẽ nêu ra cho bạn một số điểm chỉ dẫn. Nếu bạn chú ý tới chúng, thì cuộc hành trình tới vô dục sẽ trở nên đơn giản hơn.

Việc thở của người ta càng nhanh, thì thời gian giao hợp càng ngắn; hơi thở người ta càng bình thản và chậm chạp thì việc đó càng kéo dài hơn. Và việc giao hợp càng kéo dài lâu, thì càng nhiều khả năng từ dục tạo ra cánh cửa tới samadhi, một kênh cho siêu tâm thức. Như tôi đã nói trước đây, việc hiểu về vô ngã, về vô thời gian, bắt đầu hé mở ra cho con người trong samadhi-dục đó. Việc thở phải rất chậm. Việc làm chậm hơi thở sẽ mở ra viễn cảnh ngày càng sâu sắc hơn của nhận thức rõ.

Một điều khác cần phải nhớ trong hành động giao hợp là ở chỗ nhận biết của bạn nên được tập trung vào giữa hai con mắt, ở chỗ của agnichakra. Nếu sự chú ý được tập trung vào đó, thì thời hạn cực đỉnh có thể được kéo dài - thậm chí tới ba giờ. Và một hành động giao hợp như vậy có thể bắt rễ chắc chắn một người vào mảnh đất của vô dục - không chỉ cho kiếp sống này mà cho kiếp sống tiếp nữa..” [Osho: Từ Dục Tới Siêu Tâm Thức (Bài nói thứ 4)©Osho International Foundation]

Có người cho rằng những điều giảng trên không phải là của Phật giáo mà là của Mật Giáo Ấn Độ hay như Osho gọi chung chung là Mật tông.

Thêm vào đó, tình yêu và tình dục nam nữ mà Osho đề cao cũng được ông giảng lồng vào trong các kinh Phật, như trong kinh Kim Cương và Bát Nhã Tâm kinh. Điều này xác nhận tư tưởng của ông đối nghịch với giáo lý nhà Phật như nước với lửa. Xin trích đoạn: “…Chỉ có tình yêu lan tràn ra thế giới mới đem đến cách mạng. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại, chủ nghĩa phát xít đã thất bại, chủ nghĩa tư bản đã thất bại. Tất cả các "chủ nghĩa" đều thất bại bởi vì sâu bên dưới tất cả chúng đều kìm nén dục. Về phương diện này, không có sự khác biệt giữa Washington và Moscow, Bắc kinh và Delhi không có khác biệt nào hết cả. Tất cả họ đều đồng ý về một điểm rằng dục cần phải bị kiểm soát, rằng người ta phải không được phép có niềm vui hồn nhiên trong dục. Mật tông tới để lập lại quân bình. Mật tông là phương thuốc cho nên nó nhấn mạnh quá nhiều vào dục. Những cái gọi là tôn giáo nói dục là tội lỗi, còn mật tông nói dục là hiện tượng thiêng liêng duy nhất. Mật tông là phương thuốc. Thiền không phải là phương thuốc. Thiền là trạng thái khi bệnh tật đã biến mất và tất nhiên, cùng mất đi với bệnh thì phương thuốc cũng mất đi nữa. Một khi bạn được chữa lành khỏi bệnh, bạn không còn giữ lại toa thuốc và cả lọ thuốc và thuốc với mình. Bạn vứt chúng vào sọt rác. Xã hội thông thường chống dục; Mật tông tới để giúp loài người, để trả lại dục cho loài người. Và khi dục đã được trả lại, thì nảy sinh Thiền. Thiền không có thái độ. Thiền là sự mạnh khỏe thuần khiết. " [Osho: Kinh Kim Cương Việt dịch: Như Không]

“…Khi anh ân ái giao hợp với một người phụ nữ anh thương, cái tột đỉnh của khoái lạc chính là đỉnh cao của Chân Không. Ngay giây phút Chân Không hay khoái lạc cực điểm đó, người đàn bà không còn là người đàn bà nữa và người đàn ông cũng không còn là người đàn ông nữạ Những hình thái nam nữ đó đã biến mất. Cái tính chất phân cực, sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà không còn đó nữa, sự căng thẳng không còn đó nữa; tất cả đã tuyệt đối buông xả, thư giản hoàn toàn…” [Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích Nữ Minh Tâm]

Những lời ông giảng về kinh Phật và hành thiền nghe thật hấp dẫn, rất êm tai, nhưng theo ông, hành giả chỉ có thể đến được với nó qua đường tình yêu và tình dục. Đây chính là viên thuốc độc bọc đường để mê hoặc lòng người và đó chính là cái bẫy của ngôn từ, nên những người mới vào đạo Phật cần phải lưu ý mà tránh xa. Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 đã cảnh giác những ai đi theo con đường dâm (sex), Ngài nói: “…Nói chung sự tà dâm được thực hiện bởi sự tham muốn, nhưng người ta cũng có thể làm như thế bởi lòng sân hận, như khi một người ngủ với vợ của một kẻ thù. Cũng thỉnh thoảng nó được thực hiện do sự vô minh, cho rằng qua sự giao hợp người ta có thể đạt được các chứng ngộ vĩ đại…” [Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To Freedom, Dalai Lama Thứ 14 - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 1999]

Cũng nên nói thêm, trong cuốn Từ Dục Tới Siêu Tâm Thức, Osho khẳng định không có con đường nào khác hơn để đi đến samadhi là phải qua con đường tình dục:“Con đường từ dục tới samadhi là con đường dài. Samadhi là mục tiêu tối thượng; dục chỉ là bước đầu tiên. Và tôi muốn chỉ ra rằng những người từ chối thừa nhận bước đầu tiên, người chỉ trích bước đầu tiên, thì thậm chí không thể nào đạt tới bước thứ hai được. Họ không thể nào tiến bộ được chút gì. Điều bắt buộc là phải tiến bước thứ nhất có ý thức, hiểu biết và nhận biết. …”

Trong một bài giảng khác, Osho cũng xác nhận rằng: “Sex contains samadhi, because life contains God. Move from sex to samadhi, from sex to superconsciousness; this is the o­nly natural and rightful way. Don't get stuck anywhere in sex. I teach you sex and transcendence both, because the transcendence is possible o­nly through it. And the people who are teaching repression are not teaching transcendence. In fact, they go o­n pouring more mud o­n you. They go o­n forcing you deeper in the mud because there is no possibility of transcendence if you have not moved through these sexual stages of autoeroticism, of homoeroticism, of heteroeroticism, and then to transcendence. And the lotus blooms, the o­ne-thousand-petalled lotus. You are containing it in yourself. Avoid the priests and the politicians and you can achieve it. They are standing in the way…” [Osho: The Secret of Secrets, Vol 2, Chapter 15 (Available o­n Audio o­nly) Talks by Titles Subject Index - Audio Talks © Osho International Foundation 1995]

Khi giảng về Thiền Định trong Bát Nhã Tâm Kinh, Osho giảng huyên thuyên, dùng toàn thuật ngữ Phật giáo nhưng chỉ có chữ mà không có nghĩa, hầu như không có liên hệ gì với giáo lý nhà Phật, lại còn có những điểm trái ngược với Phật giáo, như khi giảng về thiền định, ông phân chia Thiền Định làm hai lực đối kháng nhau: Thiền là một cái gì “yên tĩnh, ôn hòa, sâu lắng” trong khi đó Định thì có bản chất “bạo hành, cá nhân bản ngã…” Chúng ta hãy đọc thử một đoạn: “…Định là ý thức đối đãi, nhị nguyên: bởi thế Định tạo ra sự mệt mỏi, chán ngán, cho nên khi anh tập trung vào một đối tượng nào, anh cảm thấy mệt lả. Anh không thể tập trung suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ liền được, anh phải nghỉ ngơi. Sự tập trung không bao giờ có thể trở thành bản chất của anh được. Thiền không bao giờ làm cho anh mệt mỏi. Thiền không bao giờ làm cho anh đuối sức. Anh có thể thiền hai mươi bốn giờ đồng hồ liền hay ngày nọ qua ngày kia, năm nọ qua năm kia. Thiền có thể trở thành vô tận vì chính bản chất thiền là thư thái, an nhiên, tuyệt đối không căng thẳng, mệt lả, đuối sức. Định là một hành động, một loại hành động có ý chí mạnh mẽ. Còn Thiền là trạng thái không ý chí, một trạng thái vô hành….Trong Định, chúng ta đã có sẵn một kế hoạch, một dự án, một tư tưởng trong tâm trí. Khi anh tập trung tâm trí vào một đối tượng, đầu óc anh hoạt động dữ dội, anh thấy rõ là anh đang quán chiếu cái gì, tập trung tâm ý vào cái gì, vì tập trung hiện ra từ vùng quá khứ….Định sẽ khiến anh trở thành một con người ý chí. Nhưng thiền sẽ đưa anh đến Chân Không, sẽ đưa anh đến vùng Chân Như tự tại. Đó là chính xác những gì Phật nói với Xá Lợi Phất…[Osho: Bát Nhã Tâm Kinh, Việt dịch: Thích Nữ Minh Tâm]

Trong khi đó, Định theo Phật giáo là “trạng thái chú tâm lên một đối tượng duy nhất bằng sự lắng lọc từ từ của tâm. Định là một dạng tâm thức, trong đó không còn tính nhị nguyên, trong đó chủ thể biến thành một với khách thể, lúc đó chỉ còn một "kinh nghiệm tâm thức" là có thật. Khả năng đạt định là một trong những điều kiện tiên quyết để tu tập Thiền…, hành giả nhờ Định (s: samadhi) mà đạt đến một trạng thái sâu lắng của tâm thức, trong đó toàn bộ tâm thức chỉ chú ý đến một đối tượng thiền định thuộc về tâm hay vật. Tâm thức sẽ trải qua nhiều chặng, trong đó lòng tham dục dần dần suy giảm. Một khi hành giả trừ Năm chướng ngại thì đạt được bốn cõi thiền (Tứ thiền định) của sắc giới (xem Ba thế giới), đạt được Lục thông (s: abhij) và tri kiến vô thượng. Tri kiến này giúp hành giả thấy rõ các đời sống trước của mình, thấy diễn biến của sinh diệt và dẫn đến giải thoát mọi Ô nhiễm. Hành giả đạt bốn cõi thiền cũng có thể chủ động tái sinh trong các cõi Thiên (deva) liên hệ.

Trong giai đoạn một của thiền định, hành giả từ bỏ lòng tham dục và các pháp bất thiện, nhờ chuyên tâm suy tưởng mà đạt đến. Trong cấp này, hành giả có một cảm giác hỉ lạc. Trong giai đoạn hai, tâm suy tưởng được thay thế bằng một nội tâm yên lặng và tâm thức trở nên sắc sảo bén nhọn, xuất phát từ sự chú tâm quán sát. Hành giả tiếp tục ở trong trạng thái hỉ lạc. Qua giai đoạn ba, tâm hỉ lạc giảm, tâm xả bỏ hiện đến, hành giả tỉnh giác, cảm nhận sự nhẹ nhàng khoan khoái. Trong giai đoạn bốn, hành giả an trú trong sự xả bỏ và tỉnh giác.

Tại Trung Quốc, Thiền có một ý nghĩa rộng hơn rất nhiều. Nó bao gồm tất cả phép tu như quán niệm hơi thở, Bốn niệm xứ ... với mục đích nhiếp tâm và làm tâm tỉnh giác. Từ phép Thiền do Bồ-đề Đạt-ma truyền, Thiền Trung Quốc đã phát triển rất mạnh (Thiền tông).

Trong một ý nghĩa bao quát, Thiền cũng không phải là những phương pháp đã nêu trên. Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể mô tả và phải do mỗi người tự nếm trải. Trong nghĩa này thì Thiền không nhất thiết phải liên hệ với một tôn giáo nào cả kể cả Phật giáo. Trạng thái tâm thức vừa nói đã được các vị thánh nhân xưa nay của mọi nơi trên thế giới, mọi thời đại và văn hóa khác nhau trực nhận và mô tả bằng nhiều cách. Đó là kinh nghiệm giác ngộ về thể sâu kín nhất của thật tại, nó vừa là thể của Niết-bàn và vừa của Luân hồi, sinh tử. Vì vậy, Tọa thiền không phải là một phương pháp đưa con người đi từ vô minh đến giác ngộ, mà là giúp con người khám phá bản thể thật sự của mình đang mỗi lúc hiện diện…” [Tự điển Phật Học Đạo Uyển: http://www.daouyen.com/Data/Ph_T/T132.htm]

Còn có quá nhiều điều đối nghịch với giáo lý nhà Phật, nhưng người viết cho là tạm đủ để độc giả có thể nhìn rõ thêm về ông Osho và giá trị những lời thuyết giảng của ông về đạo Phật. Osho có phải là đạo sư và những lời thuyết giảng của ông có phải là khuôn vàng thước ngọc không, điều đó không tuỳ thuộc vào những điều ông nói, không tuỳ thuộc vào những khả năng trích dẫn từ kinh điển Phật giáo mà là từ hành động của ông và động lực để giảng dạy của ông.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma Thứ 14 đã nói rằng: “Động lực giảng dạy (của một vị Thầy) phải trong sạch – không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất… Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội được. Cũng vậy, trừ phi vị thầy có phẩm chất đúng đắn, thì mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc theo học vị thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải khảo xét họ…” … Nếu như vị đạo sư của bạn buộc bạn phải làm việc vô đạo đức hay nếu giáo lý của vị ấy mâu thuẫn với Phật Pháp thì hành xữ như thế nào? Ngài Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: “Bạn nên trung thành với điều đạo đức và xa rời những gì không phù hợp với Pháp…” Ở Ấn Độ, một lần kia, một vị thầy có nhiều đệ tử yêu cầu họ đi ra ngoài ăn trộm. Vị thầy thuộc đẳng cấp Bà La Môn và rất nghèo. Ông dạy rằng khi những người Bà la Môn trở nên nghèo khó thì có quyền ăn cắp. Ông nói, là những người được Trời Brahma - đấng sáng tạo của thế giới – yêu quý, đối với một người Bà la môn, việc ăn cắp không xấu xa. Những đệ tử sắp đi ăn cắp thì vị thầy người Bà la môn nhận thấy một đệ tử đứng im lặng cúi đầu xuống. Ông hỏi anh tại sao không đi. Người học trò nói: “Điều thầy dạy chúng con bây giờ trái nghịch với Pháp, vì vậy con không nghĩ rằng con có thể làm được điều đó. “ Lời nói này làm vui lòng người Bà la môn, ông nói: “Ta đã trắc nghiệm các con. Mặc dù các con đều là đệ tử của ta và trung thành với ta, nhưng sự khác biệt giữa các con là sự phán đoán. Ta là thầy của các con, nhưng các con phải xem xét lời chỉ dạy của ta, và bất kỳ lúc nào lời chỉ dạy chống trái với Pháp thì các con chớ nên theo.” …” [Con Đường Đến Tự Do Vô Thượng, nguyên tác Anh ngữ: The Way To Freedom, Dalai Lama Thứ 14 - Việt dịch: Liên Hoa, Nhà xuất bản Thiện Tri Thức 1999].

Hoàng Liên Tâm

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét