Bài viết

Sự bình đẳng giữa Phải Quấy và Xấu Tốt - Trang Tử

3/27/2011 05:32:00 CH


Đứng theo quan niệm nhị nguyên (chỉ thấy có một cái ta riêng biệt) mà xem, thì sẽ thấy sự vật có phải, có quấy rõ ràng. Phải, là cái gì có lợi cho ta. Quấy, là cái gì bất lợi cho ta.
Trái lại, nếu không thiên chấp mà biết nhìn rộng ra sự vật khác bên ngoài ta, thì biết đâu cái mà ta gọi là “phải” đối với ta đây, vị tất cũng còn là “phải” đối với kẻ khác? Ngay cùng một việc mà ta cho là “phải” đối với ta bây giờ, sẽ không còn là “phải” nữa đối với ta sau này! Như vậy Phải và Quấy là một việc cá nhân tương đối và chủ quan, hết sức bất thường. Nêu nó ra để mà nói với thiên hạ, để mà làm tiêu chuẩn chung và bắt cả thiên hạ phải cùng theo, thì còn nghĩa lý gì nữa!
“Người nằm trong chỗ ẩm thấp thì sinh ra đau lưng và tê liệt một bên mình; con cá chạch thì có sao không? Người ở trên cây thì run rẩy, sợ sệt; còn loài khỉ vượn có sao không? Ba loài ấy, ai biết chỗ nào là chỗ ở chính? Con người thì ưa ăn thịt thà; hươu nai thì thích ăn cỏ non; rết thì cho rắn con là ngon; chim mèo chim cú thì nghiện ăn chuột bọ. Bốn loài ấy, ai biết món ăn nào là chính vị? Mao Tường Lệ Cơ, người thấy thì cho là đẹp mà cá thấy thì lặn sâu, hươu nai thấy thì chạy dài. Bốn loài ấy, ai biết sắc đẹp nào là chính sắc trong thiên hạ?”
Mỗi vật đều thuận theo chỗ hợp của mình: không có chỗ nào là chỗ hợp chung cho tất cả vạn vật. Mỗi vật đều biết ngon theo chỗ ngon riêng của mình: không có vị nào là ngon chung cho tất cả vạn vật. Mỗi vật đều có sự ưa thích theo một cái đẹp riêng theo mình: không có cái đẹp nào là cái đẹp chung chi tất cả vạn vật. Và như vậy, nếu đã không có cái đẹp nào là cái đẹp chung để làm cái gương tận mỹ chung cho tất cả mọi vật, thì cũng không có cái thiện nào có thể đem ra làm cái gương tận thiện chung cho tất cả mọi người.
Quan niệm về bình đẳng của Trang tử không giống với quan niệm thông thường của người đời. Bình đẳng của người thường hiểu là một thứ bình đẳng hình thức máy móc, hiểu theo cái nghĩa nông cạn là san bằng mọi sự mọi vật, bất chấp cái luật “bất bình đẳng tự nhiên” trong vạn vật cũng như trong loài người: sang, hèn, trí, ngu, lớn, nhỏ, trai, gái… đều bắt buộc phải uốn mình sống theo một khuôn khổ luân- lý, giáo dục, luật pháp giống nhau. Nơi trường học, kẻ sáng, người tối, gái, trai…đều chịu chung một lối giáo dục như nhau; người ta quên nghĩ đến cái cá tính đặc biệt của mỗi người mỗi vật. Văn minh loài người sở dĩ không thể phát triển mau lẹ được cũng vì quan niệm lạc lầm này. Trong nhiều chế độ người ta còn đề cao vai trò của xã hội đến đỗi cá nhân không còn chỗ nào để thở được bằng cái mũi của mình, xem được theo cặp mắt của mình, cảm được theo quả tim của mình nữa, mà suốt đời chỉ biết nhận những chỉ thị của bề trên, và sống rập theo một khuôn khổ đã ấn định chung cho tất cả mọi người.
Theo Trang tử, “tính” của vật không đồng nhau, tức là chỗ mà nhà xã hội học ngày nay gọi là “những bất bình đẳng tự nhiên”. Vậy, chỗ “không đồng” (bất đồng) của vạn vật, ta phải biết “nhận lãnh”, biết “chịu” nó, và hãy để cho mỗi vật tự do sống theo cái sống của nó. Đó là nhân chỗ “bất đồng” mà làm cho vạn vật “đồng nhau” vì mỗi vật đã được tự do sống theo “bản tính” của mình.
Tất cả mọi chế độ chánh trị, xã hội, luân- lý từ xưa đến nay đều, ít hay nhiều, quy định một cái tận thiện mẫu để làm tiêu chuẩn chung cho tư tưởng hành vi con người và bắt buộc người người đều theo đó mà sống. Đó là cưỡng ép chỗ “không thể đồng” phải “đồng nhau”. Phải chăng là điều rất sai với tự nhiên, làm thống khổ con người vô cùng! Mỗi vật đều có cái tính tự nhiên của nó: sự ưa ghét cũng vì đó mà không thể “đồng” nhau. Nay lại cưỡng ép người người đều phải thừa nhận một lẽ phải khác với cái lẽ phải của họ, khác với lòng hiếu ố riêng của họ, là làm cho họ mất tự do sống theo cái Sống của họ. Cho nên, Tự Do và Bình đẳng không thể đi đôi với nhau được: hễ được Tự Do thì không bình đẳng, mà theo bình đẳng, cái thứ bình đẳng san bằng mọi vật, thì mất tự do.
Theo Trang tử thì không phải vậy. Tự Do và bình đẳng lại đi đôi với nhau như bóng với hình. Sở dĩ con người được bình đẳng là nhờ có tự do, mà được tự do là nhờ có bình đẳng. Nhận có tự do và quý trọng tự do thì mới có cầu mong cho vạn vật, mỗi vật đều được tự do sống theo cái Sống của mình. Mà, nếu vạn vật, vật nào cũng sống được cái sống của mình, đó là vạn vật nhờ tự do mà được bình đẳng. Cũng như, nhận có bình đẳng thì mới chịu để cho vạn vật, vật nào cũng được sống theo mình thì vạn vật, vật nào cũng nhờ đó mà được tự do.
Tóm lại, phàm đã chủ trương tự do tuyệt đối, ắt cũng phải chủ trương bình đẳng tuyệt đối. Là vì nếu không thừa nhận bình đẳng tuyệt đối, mới có cho rằng giữa người và người, giữa vật và vật có cái này hay hơn cái kia, hoặc có cái kia hay hơn cái này. Đã nhận có cái này hay hơn cái kia, người này hay hơn người kia mới có cho rằng người hay phải lo cải tạo người không hay, để cho đó trở về đường hay theo quan niệm chủ quan tạm thời của mình. Như thế là ta không nhận có tự do của con người. Không nhìn nhận tự do của con người mới có sự cưỡng ép kẻ khác phải sống theo quan niệm về điều phải lẽ quấy theo ta, không được sống tự do theo cái sống của họ. Nếu đó không phải là chuyên chế, thì đâu mới là chuyên chế?
Người người đều được tự do sống theo mình, thì cái “phải” của mọi người đều được xem là “phải” cả, và cái “đẹp” của mọi người cũng đều được xem là “đẹp” cả. Vậy thì mọi vật dưới trời không còn vật nào tự nó không tốt đẹp; mọi ý kiến dưới trời không có ý kiến nào là không ngang bằng nghĩa là bình đẳng như nhau tất cả.
***
Thị Phi, Thiện ác là một vấn đề tương đối. Nhưng, tiến thêm một bước sâu hơn, ta lại thấy: thị cũng do phi mà có, phi cũng do thị mà sinh, cũng như thiện do ác mà sinh, ác do thiện mà có.
Trang tử nói: “(…) đó do đây mà ra; đây do đó mà có(…)”
“Đó” do “đây” mà ra, “đây” nhân “đó” mà có, đó là muốn nói đến cái luật đối đãi, mà cũng vừa muốn nói đến cái luật “vật cùng tắc biến” và hễ biến thì biến thành đối địch của nó.
Và lên đến một tầng cao hơn nữa, ta sẽ thấy thị phi chẳng những là một lẽ đối đãi, bổ khuyết cho nhau “nhất âm nhất dương chi vi Đạo”, mà thị tức là phi, phi tức là thị: cả hai là đồng nhất. Bởi vậy, Trang tử mới nói: “vật, không vật nào là không phải “đây”, không vật nào là không phải “đó”(…) “Đó” cũng là “đây” mà “đây” cũng là “đó”.
“Đó” và “đây” đã là một, thì “đó” và “đây” riêng ra, đâu có thật. Hay nói một cách khác: cái phải của “đây” là cái quấy của “đó”, mà ’đó” là ’đây’, “đây” là “đó” thì chung quy phải và quấy là một vậy.
“Đây” và ‘đó” đã vô định, thì phải và quấy cũng vô định, vậy mà người đời lại muốn định phải quấy nên mới có sự tranh biện và giành phần phải cho mình. Nhưng, tranh biện nhau có đủ để rõ đặng đâu là phải, đâu là quấy chăng?
Thiên Tề- Vật- Luận nói: “Ta với ngươi cùng tranh biện: ngươi không được ta, ta không thắng được ngươi, vậy ngươi hẳn là đã phải, mà ta hẳn là đã quấy chưa? Nếu ta thắng được ngươi; ngươi không thắng được ta, vậy ta hẳn là đã phải, mà ngươi hẳn đã là quấy chưa? Hay là, khi thì phải, khi thì quấy hay sao? Hay là, cả hai chúng ta đều phải cả, hoặc cùng quấy cả hay sao? Ta và ngươi không thể biết được nhau, thì người người đành phải chịu tối tăm rồi! Ta phải nhờ ai chính lại việc ấy? Nhờ kẻ đồng với ngươi thì làm sao chính được việc đó! Cậy người khác với ta và ngươi, để chính lại việc đó ư? Nó đã khác với ta và khác với ngươi, thì làm sao chính lại được việc đó? Cậy người đồng với ta và đồng với ngươi thì làm sao chính được việc đó? Vậy thì ta với ngươi cùng với người đó đều không thể biết nhau được, sao phải chờ người đó làm gì?”
Vậy thì, tuy tranh biện mà phải quấy cũng không sao định đặng. Là vì còn thấy có “đó”, có “đây”. Khi mà lòng mình không còn chia phân Nhi Ngã, sống được trong cái Sống- một của Đạo rồi, thì “đó” là “đây”, “đây” là “đó”, vấn đề phải quấy, thiện ác tự nhiên theo đó cũng tiêu tan như một cơn mộng mị. Một nhà Đạo học ấn độ ngày nay, J. KRISNAMURTI, nói rất chí lý: “không có vấn đề nào để giải quyết cả: chỉ có cái Sống để sống mà thôi”.
***
“Phải” là một lẽ vô cùng; quấy cũng là một lẽ vô cùng” nghĩa là pahỉ và quấy như trên cái vòng tròn, không biết đâu là khởi điểm. Ta cần đứng ở trung tâm của cái vòng ấy (hoàn trung) để chịu đây chịu đó. Chỗ trung tâm ấy, gọi là Đạo xu (cốt của bánh xe Đạo). “Thánh nhân vì chỗ hòa mà nói thị nói phi, rồi đứng yên nơi Thiên Quân, đó gọi là lưỡng hành”. Lưỡng hành là “không rời khỏi thị phi, mà lại vượt thoát khỏi thị phi”.
Thánh nhân đối với thị phi có hai cách cư xử:
đối với mình, thì tâm trí hợp nhất, chỉ thấy có cái sống một mà không thấy có thị phi.

Trích Nam Hoa Kinh (Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú)

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét