Bài viết

Nhẫn nại để thấy rõ bản chất thực tại

3/31/2012 01:25:00 CH

Để có thể thấy rõ bản chất thực tại ngay đây và bây giờ, không có cách nào khác hơn là bạn phải nhẫn nại với những gì khó kham nhẫn. Nếu bạn phàn nàn thì lòng kiên nhẫn của bạn lập tức biến mất, để lại cho bạn một nỗi khổ đau tâm lý khó chịu hơn nhiều. Và nếu bạn miễn cưỡng chấp nhận thực tại khổ đau, thì chẳng khác nào đầu hàng số phận một cách nhu nhược, khi vô phương kháng cự, như vậy không phải là nhẫn nại. Chấp nhận và phủ nhận là hai mặt của cùng một tính cách, có vẻ như mâu thuẫn, nhưng thật ra cũng chỉ cùng xuất phát từ một thái độ của bản ngã muốn được thay đổi chiều hướng mà thôi.


Nhẫn nại là thái độ sáng suốt của bậc trí đón nhận mọi sự đến đi một cách trầm tĩnh, khi thấy rằng đó là sự vận hành tự nhiên và chính xác của luật tác dụng hỗ tương, tùy thuộc lẫn nhau. Nghĩa là mọi sự sinh diệt trong đời sống chúng ta đều có liên quan với nhau trong chuỗi vận hành nhân quả. Nếu bạn chưa thông hiểu được chuỗi vận hành này mà tự ý can thiệp vào một cách chủ quan thì chính là bạn tự hại mình.

Không có gì sinh khởi mà không có nguyên nhân. Có trái xoài vì có cây xoài, có cây xoài vì có hạt xoài v.v...  Bạn tách rời hiện tại ra khỏi chuỗi nhân quả của nó rồi gán vào đó những quan niệm chủ quan của mình hoặc những nguyên nhân chủ trương bởi các tôn giáo hay triết thuyết, như thuyết ngẫu nhiên, định mệnh, duy thần, duy vật, duy tâm hay Tạo Hóa v.v... Thế là bạn không cần kiên nhẫn chiêm nghiệm, học hỏi hoặc lắng nghe trực tiếp bản chất của thực tại ngay đây và bây giờ. Bạn đã quen đánh giá, phê phán và dễ dàng kết luận theo những công thức đã có sẵn, những kiến thức vay mượn, hoặc những giáo điều người xưa truyền lại. Nhưng chân lý chỉ có trong thực tại sống động, không ở trong những quan niệm hay lý thuyết cổ xưa hay hiện đại nào.

Nhẫn có thể được biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau tùy từng hoàn cảnh trải nghiệm của bạn:
Nhẫn nại là khả năng chế ngự thân tâm trước những xung động quá mức hay những tình cảm bốc đồng, không những chỉ sân hận mà cả tham lam, ngạo mạn, ích kỷ, tật đố v.v... đặc biệt là những thói hư tật xấu hay sự nghiện ngập đã tập nhiễm lâu ngày. Như vậy, người nhẫn nại là người biết làm chủ bản thân không bị lôi cuốn theo những cảm xúc bản năng vô thức.

Nhẫn nhịn là sự nhượng bộ khi bạn sẵn sàng tự nguyện nhường bước trước một áp lực, không phải vì sợ hãi, mà vì bạn biết rõ rằng giương buồm trước bão tố không những vô ích mà còn tự rước họa vào thân. Ví dụ như trước sự đe dọa hung dữ, ương ngạnh của dạ-xoa Alavaka, đức Phật vẫn nhu thuận, không tỏ thái độ bực tức, khinh mạn, ghét bỏ, kinh sợ hay thù nghịch. Nhưng cuối cùng dạ-xoa Alavaka kẻ tự phụ hiếu thắng lại bị khuất phục trước đức tính nhu hòa nhẫn nhịn của Phật.

Kham nhẫn là sự chịu đựng những hoàn cảnh khó chịu đựng. Ví dụ như kham nhẫn với cảm giác đau đớn, thời tiết khắc nghiệt, lời chỉ trích phỉ báng v.v... Người có thể dễ dàng kham nhẫn những tình huống khó khăn như vậy phải là người không nệ khó khăn và có đủ trầm tĩnh sáng suốt. Nếu không đôi lúc chỉ một vết bẩn trên áo, một con muỗi vo ve, một tia nắng hay một giọt mưa v.v... cũng có thể làm cho anh ta bực mình, cáu kỉnh.

Dễ bất bình, nóng giận dù chỉ với chuyện nhỏ nhặt không đâu, là dấu hiệu của sự thiếu kham nhẫn, và cũng là triệu chứng của suy nhược thần kinh. Vì vậy, hãy coi chừng, khi bạn thiếu kham nhẫn sẽ gây ra sự bực tức hoặc phản kháng, đó là nguyên nhân của tình trạng bất an và căng thẳng.
Kiên nhẫn là sự chịu đựng bền bỉ khi bạn muốn hoàn thành một công việc nào đó. Không phải chỉ những việc khó khăn, lâu dài mà đơn giản như sự chờ đợi cũng cần phải có lòng kiên nhẫn. Vì khi chờ đợi một người nào hay một việc gì, bạn càng nôn nóng bao nhiêu càng chịu nhiều áp lực bấy nhiêu. Nhiều người khởi sự rất hăng say nồng nhiệt nhưng khi gặp trở ngại thì liền nản chí ngã lòng, bỏ cuộc nữa chừng. Đó là vì thiếu lòng kiên nhẫn lâu bền.

Nhẫn nhục là sự chịu đựng khổ nhục khi bạn chấp nhận gánh chịu sự vu khống, mạ lỵ, áp bức, v.v... mà vẫn không sinh lòng thù hận. Đây không phải là đành chịu nhục nhã vì vô phương chống đỡ, vì đợi thời cơ trả thù rửa hận, hay chỉ là khổ nhục kế để mưu lợi về sau, như suy nghĩ thường tình. Có thể nói nhẫn nhục là đức tính khó nhất trong tất cả loại nhẫn. Người có thể kiên gan chịu đựng nỗi khổ nhục mà tâm vẫn bình thản phải là người có một tấm lòng độ lượng khoan dung và một khả năng nhẫn nhục vô hạn.

Thoạt nhìn chúng ta tưởng những người nhẫn nhục phải cam chịu quá nhiều thiệt thòi vì sự dại khờ và khiếp nhược của họ, nhưng thực ra đó chính là những người khôn ngoan, dũng cảm và hạnh phúc nhất trên đời, vì họ đã có đủ khả năng biến khổ đau thành niềm an lạc, điều mà kẻ khiếp nhược, dại khờ hay kiêu ngạo không thể nào làm được.

Không ai thích khó khăn, gian khổ, đơn giản chỉ vì những điều này rất khó chịu. Nhưng như bạn đã biết, không phải tất cả những gì khó chịu đều vô ích hay có hại. Thực ra, phần lớn khổ đau giúp bạn thăng hoa rất nhiều phương diện nếu bạn biết kiên nhẫn lắng nghe, học hỏi và chiêm nghiệm kỹ càng. Muốn biết vàng ròng phải cần thử lửa, cũng như muốn vượt qua những thử thách gian khổ để hoàn thành bài học giác ngộ của mình thì trước hết bạn phải có lòng nhẫn nại.

Khi bạn đã có đủ nhẫn nại để vượt qua những thử thách gian khó thì đồng thời dù không mong đợi bạn vẫn gặt hái được những thành quả xứng đáng bất ngờ:
- Luôn trầm tĩnh sáng suốt: Nhẫn nại và trầm tĩnh luôn đi đôi với nhau, nhờ đó bạn có đủ sáng suốt để nhận ra sự thật. Ngược lại “giận mất khôn” luôn là nhược điểm của người thiếu nhẫn nại.
- Sống nhu hòa khả ái: Người nhẫn nại sống nhu hòa hơn cương mãnh, nên họ dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh mà vẫn không đánh mất mình. Nói theo Lão Tử thì “Nhu thắng cương, nhược thắng cường” nên họ được nhiều người kính yêu hơn là thù oán.
- Tránh bệnh tật, tai họa: Người nhẫn nại sẽ dễ dàng tự chủ trong nói năng, hành động và suy nghĩ nên tránh được những tai họa gây ra do nóng nảy hấp tấp. Tránh được những bệnh tật bắt nguồn từ tình trạng ấm ức, căng thẳng.
- Tâm thanh thản thoải mái: Người thiếu nhẫn nại thường tự thiêu đốt mình bằng ngọn lửa sân hận, lo âu và sợ hãi. Trong khi người giàu đức nhẫn nại luôn có cảm giác thư thái, an bình và thoải mái.
- Phát triển từ bi hỷ xả:  Sau khi vượt qua được sự nóng giận trước những đối tượng không vừa lòng, tâm người nhẫn nại trở nên dịu dàng mát mẻ, đó là biểu hiện của lòng từ ái. Đã làm chủ được tâm sân thì lòng ganh tỵ cũng được loại trừ, vì vậy tâm thường hoan hỷ. Đồng thời, là người từng trải nghiệm khổ đau họ dễ dàng cảm thông và chia sẻ với những nỗi khổ đau của kẻ khác, đó là lòng bi mẫn. Và họ cũng là người ít cố chấp, câu nệ nên tâm dễ dàng buông xả, quân bình.

Trích Chương VI - Sống Trong Hiện Tại - Viên Minh

Bạn có thể đọc sách online tại đây, hoặc liên lạc với Pháp Thuận - 0905 636 668 để lấy file PDF.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét