Ăn chay

Ăn trong chánh niệm, Sống trong tỉnh thức

4/06/2012 01:24:00 CH

Thích Nhất Hạnh – vị Thầy nổi tiếng của Phật Giáo thế giới đã cùng với tiến sĩ ngành Dinh Dưỡng Học Lilian Cheung chung tay viết nên tác phẩm Savor: Ăn trong chánh niệm, Sống trong tỉnh thức. Nếu đã có cuốn sách này trong tay thì bạn có thể ngồi xuống trong tĩnh lặng, lần dở chậm rãi từng trang một và khám phá thực đơn Thầy dùng mỗi ngày. Bạn cũng có thể cùng Thầy nhìn sâu vào tình trạng béo phì – một vấn nạn về sức khỏe của thế giới Tây Phương và được Thầy hướng dẫn những phương thức để đổi thay những thói tật ăn uống không lành mạnh.

Thưa Thầy, vì sao trong thời điểm này Thầy lại chọn viết về đề tài tiêu thụ thực phẩm trong mối liên hệ với nếp sống chánh niệm ?

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Nhìn vào thực trạng ở mức độ toàn cầu, chúng ta có thể nhận thấy rằng số lượng người mắc chứng béo phì (thừa cân) lại đông đảo hơn so với số người đói và thiếu ăn (không tiêu thụ đủ lượng dinh dưỡng cần thiết). Những nhà khoa học đã cảnh báo rằng nếu chúng ta không đồng lòng chung sức chuyển ngược lại tình trạng béo phì đang ngày một leo thang thì những người trẻ trong tương lai sẽ có vòng đời ngắn hơn so với thế hệ đi trước.

Hơn nữa, chứng béo phì sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc phải những căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng. Thực trạng này không những gây ra khổ đau cho thân tâm của mỗi cá nhân hay gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự lành mạnh của thân tâm xã hội và thế giới. Gốc rễ của vấn đề nằm ngay trong những gì chúng ta tiêu thụ mỗi ngày. Đó không chỉ là thức ăn mà còn là những gì ta thấy, nghe, xúc chạm… và cả môi trường ta đang sống. Giáo lý của Đạo Bụt có thể cống hiến rất nhiều phương pháp để có thể chuyển hóa triệu chứng béo phì. Việc thực tập sống trong chánh niệm sẽ có thể thiết lập lại mối liên hệ giữa thân và tâm và môi trường xung quanh. Phương pháp này chính là chiếc chìa khóa mở rộng cánh cửa, đem đến cho chúng ta có một góc nhìn chân thật về tình trạng thừa cân và giúp mọi người có thể kiểm soát được trọng lượng cơ thể mình. Và chúng ta sẽ không cần phải mất nhiều thời gian đợi chờ. Cơ hội đạt được sự cân bằng, niềm vui và sự bình an trong thân và tâm luôn có ngay đây, ngay bây giờ, ngay trong giây phút hiện tại.

Việc “Ăn uống trong tỉnh thức” đóng vai trò như thế nào trong đời sống của Thầy?

Khi có thể sống chậm lại, tận hưởng mỗi bữa ăn, vui trong niềm vui khi nhận ra mình vẫn còn sống, vẫn còn mạnh khỏe, chúng tôi thấy mình tiếp xúc với đời sống ở một mức độ rất sâu sắc. Tôi rất ưa thích được ngồi ăn trong thinh lặng và tận hưởng từng miếng nhai, ý thức về sự hiện hữu của những người thương chung quanh (tăng thân), ý thức về tất cả những công phu lao tác và tình thương đã có mặt trong chén cơm của mình. Khi ăn theo một cách thức như vậy, không những thể chất vật lý của tôi mà còn phần tinh thần, phần tâm linh cũng đều được nuôi dưỡng. Cách tôi dùng bữa ảnh hưởng đến mọi công tác của tôi trong ngày. Nếu tôi có thể thực tập nhìn sâu vào thức ăn và xem thời khắc đó quan trọng như một buổi công phu thiền định – thiền hành hay thiền tọa – thì tôi nhận ra mình có thể tiếp nhận muôn vàn những tặng phẩm của đất trời. Tất cả hoa trái này tôi sẽ không bao giờ thu hái được nếu thân và tâm tôi không đồng thời có mặt trong khi ăn. Bởi vì trong lúc ăn nếu tâm tôi ngập tràn trong lo lắng, phiền muộn và những bản dự án hay kế hoạch thì khi đó tôi chỉ đang ăn những căng thẳng và sợ hãi. Và điều này sẽ gây ra những thương tổn cho thân và tâm. Vì vậy cho nên, khi ăn chúng tôi thường sử dụng bài kệ sau đây để thực tập:

Ăn cơm nơi tích môn
Nuôi sống cả tổ tiên
Mở đường cho con cháu
Cùng tìm hướng đi lên.
Ăn cơm nơi tích môn
Nhai đều như nhịp thở
Nhiệm mầu ta nuôi nhau
Từ bi nguyền cứu độ.

Bài kệ trên giúp chúng tôi ghi nhớ về việc thực tập chế tác năng lượng chánh niệm trong khi ăn. Nếu năng lượng chánh niệm, năng lượng tỉnh thức đó có mặt một cách sâu dày thì chúng tôi có thể tiếp xúc với tổ tiên ông bà cũng như các thế hệ tương lai. Đồng thời thời gian ăn cũng trở thành những khoảnh khắc lắng đọng giúp chúng tôi ý thức hơn về những hạt giống lành thiện trong chiều sâu tâm thức mà tổ tiên đã trao truyền và tìm ra cách thức để dưỡng nuôi, phát triển và tiếp tục truyền trao những hạt giống đó cho những thế hệ con cháu về sau.

Xin Thầy cho biết về thực đơn hằng ngày ở Đạo Tràng Mai Thôn?

Chúng tôi áp dụng một chế độ ăn chay bổ dưỡng (không dùng bất kỳ sản phẩm nào từ động vật bao gồm cả trứng, sữa). Phần lớn những gì chúng tôi tiêu thụ là ngũ cốc hữu cơ. Bữa sáng sẽ là cháo yến mạch, bánh mì tự làm, đậu hạt tự trồng tại làng, trái cây và đôi khi là các món bún, phở hay xôi. Bữa trưa chúng tôi dùng cơm, rau xào, đậu phụ, các loại đậu xào, canh, rau củ hay salad và một ít đồ ngọt tráng miệng. Món tráng miệng theo kiểu Việt Nam sẽ là chè với các loại đậu và theo kiểu Tây Phương sẽ là bánh ngọt chay. Buổi tối chúng tôi ăn nhẹ với cơm, canh và một ít rau quả.

Thưa Thầy, những trạng thái tâm lý sẽ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của chúng ta như thế nào?

Trong tác phẩm “Savor”, chúng tôi trình bày rất sâu và rất kỹ về bản chất của những cảm thọ và ảnh hưởng của chúng đối với hành vi tiêu thụ thực phẩm. Về cơ bản, khi có một nhân tố kích thích từ bên ngoài, chúng ta sẽ có một phản ứng từ bên trong. Đó cũng là lúc một cảm giác, cảm xúc (cảm thọ) đã biểu hiện trên bình diện ý thức. Cảm thọ đó có thể mang tính chất tích cực như yêu thương, mừng vui, hy vọng,… hoặc mang tính tiêu cực như sợ hãi, giận hờn, lo lắng, phiền muộn, khổ đau... Đối với nhiều người, cảm xúc thường có mối liên hệ chặt chẽ với việc tiêu thụ thức ăn, mặc dù mức độ hay là bản chất của sự vướng mắc đó có thể khác nhau ở mỗi người. Có người có xu hướng ăn nhiều hơn khi vui trong khi một số thì lại ăn ít hơn. Tuy vậy, vấn đề ở đây là nếu chúng ta không dành thì giờ để nhìn sâu vào những cảm giác ưa thích hay thèm khát trong khi ta ăn uống thì những hành vi đó sẽ phát triển và trở thành những thói quen tiêu thụ gây ra tật bệnh cho chính chúng ta. Vì vậy cho nên để duy trì một thân thể khang kiện, chúng ta cần sử dụng năng lượng chánh niệm để nhìn sâu và ý thức một cách rõ ràng về ảnh hưởng của những cảm thọ đối với cách chúng ta ăn uống hằng ngày. Đồng thời, năng lượng tỉnh thức này cũng sẽ giúp chúng ta dần thiết lập được những thói quen lành mạnh và tích cực trong vấn đề tiêu thụ thực phẩm.

Thưa Thầy, vì sao Thầy lại cho rằng người Mỹ nói riêng đang phải vật lộn với vấn đề kiểm soát trọng lượng cơ thể của họ?

So với phần còn lại của thế giới, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là một lãnh thổ trù phú và thịnh vượng. Những nguồn thức ăn và đồ uống không tốt cho sức khỏe được đáp ứng một cách dễ dàng với số lượng lớn. Những quảng cáo thương mại cho những sản phẩm này tấn công tới tấp mọi giác quan người tiêu dùng. Họ luôn bị khơi gợi, kích thích tiêu thụ những loại thực phẩm không lành mạnh như là nước giải khát chứa nhiều đường tinh chế, các món tráng miệng chứa nhiều đường và chất béo bão hòa. Bên cạnh đó, tình trạng cơ khí hóa những ngành công nghệ hiện đại, nền văn hóa đề cao quá đáng vai trò của xe hơi cá nhân (trong khi mà nhiều quốc gia ở Âu Châu đã từ lâu luôn ủng hộ, khuyến khích sử dụng những phương tiện giao thông công cộng) đã khiến cho người dân Mỹ Quốc ít vận động hơn. Quá trình đốt cháy calories bị dang dở dẫn đến tình trạng dư thừa một lượng lớn các chất béo trong cơ thể.

Tất cả những nhân tố trên đã dẫn đến hệ quả: béo phí đã là một vấn nạn mang tầm quốc gia. Hơn thế nữa, chúng ta đang sống trong bối cảnh mà khoảng cách về địa lý ngày càng trở nên thu hẹp tỉ lệ nghịch với sự phát triển của truyền hình, máy tính cá nhân, điện thoại di động. Và người trẻ ngày nay đã cố gắng tận dùng tất cả những thành quả khoa học công nghệ để quản lý cùng một lúc nhiều công việc khác nhau. Với một đường hướng tổ chức như vậy, làm sao người ta có thể sống sâu sắc trong từng giây từng phút đời sống mình. Cách sống này đi ngược lại với lối sống chánh niệm. Ta không thể có thời giờ và điều kiện để nhìn sâu vào những vật phẩm ta ăn, những công tác ta làm mỗi ngày để có thể biết đâu là những cách thức đúng đắn để duy trì một thể trọng khỏe mạnh.

Dạ Lai Hương chuyển ngữ - phattuvietnam.net

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét