Bài viết

Sóng và nước, hình tướng và bản thể

5/17/2012 11:01:00 SA

Trong đạo Bụt, chúng ta thường dùng ví dụ sóng và nước. Khi chúng ta quan sát hiện tượng của con sóng dâng lên từ đại dương, chúng ta thấy con sóng có bắt đầu và có kết thúc. Chúng ta thấy con sóng đi lên và đi xuống, thấy sự có mặt và vắng mặt của con sóng. Trước khi dâng lên, dường như con sóng không tồn tại, và sau khi hạ xuống chúng ta cũng thấy nó không tồn tại. Hoặc giả, chúng ta phân biệt giữa con sóng này với con sóng khác: con sóng này có thể đẹp hơn, cao hơn, hay thấp hơn con sóng khác. Vì vậy khi nhìn vào thế giới hiện tượng chúng ta có đủ mọi ý niệm: bắt đầu - kết thúc; cao - thấp; đẹp - xấu v.v... và chính những ý niệm này tạo ra cho chúng ta nhiều đau khổ. Tuy nhiên chúng ta biết rằng sóng cũng là nước. Con sóng cùng một lúc vừa có thể là sóng, vừa có thể là nước. Về mặt hiện tượng, nghĩa là đứng về phương diện tích môn thì con sóng có bắt đầu, có kết thúc, có lên, có xuống. Nó so sánh, phân biệt chính nó với những con sóng khác. Tuy nhiên nếu có thời gian ngồi xuống và tiếp xúc sâu sắc với bản tánh của nó, con sóng sẽ nhận ra nó là nước. Sóng không chỉ là sóng mà sóng còn là nước nữa. Ngay khi nó nhận ra nó là nước thì mọi khổ đau tan biến. Nó không còn sợ lên xuống, không còn lo lắng về sự hiện hữu hay không hiện hữu. Nước là đại diện cho thế giới bản thể, thế giới của không sinh không diệt, không đến không đi.

Nếu đi sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng những gì chúng ta làm cho nhau, những gì chúng ta nói với nhau, những gì chúng ta nghĩ về nhau, đều ảnh hưởng trở lại chúng ta, ảnh hưởng đến cả thế giới bây giờ và mai sau. Trong giáo lý của Bụt, không có gì hoàn toàn cá nhân và cũng không có gì hoàn toàn cộng đồng, những khái niệm về cá nhân và cộng đồng chỉ là tương đối.

Chúng ta có thể nghĩ rằng, thân thể này là tài sản riêng của chúng ta nhưng thân thể chúng ta cũng là của cả thế giới. Giả sử quý vị là tài xế lái xe và sự an toàn của quý vị tùy thuộc vào dây thần kinh thị giác của quý vị. Quý vị nghĩ rằng dây thần kinh thị giác hoàn toàn thuộc về cá nhân quý vị, quý vị là người thừa hưởng chúng và có trách nhiệm về chúng. Nhưng nếu quý vị là tài xế lái xe buýt thì tất cả những người ngồi trên xe buýt đều tùy thuộc rất nhiều vào dây thần kinh thị giác của quý vị. Sự sống của mọi người ngồi trên xe đều tùy thuộc vào quý vị. Vì vậy khi nói: “Đó là đời sống của riêng tôi” là điều hơi ngây thơ. Chúng tôi có trong quý vị và quý vị có trong chúng tôi. Chúng ta tương tức nhau.

Nhìn vào đóa hoa, ta nhận ra đây là hoa hồng trắng, ta tin chắc rằng hoa hồng là một thực tại khách quan tồn tại biệt lập bên ngoài, tách rời với thức của ta - cho dù ta có nghĩ về bông hoa hay không thì bông hoa vẫn có đó. Đó là khuynh hướng mà ta thường nghĩ. Tuy nhiên nhờ khoa học ta biết rằng những màu sắc mà ta thấy là do những làn rung động của sóng ánh sáng. Nếu chiều dài con sóng quá dài hoặc quá ngắn thì ta không nhận được màu sắc. Khi những tần số này làm rung động được năm giác quan của ta (sense organs) thì ta tin rằng những cái này tồn tại, ngược lại, khi không nhận được tần số xuất hiện, ta nghĩ rằng chúng không tồn tại. Tôi có thể hỏi một người khác: “Anh có thấy như tôi thấy không? Anh có nghe những gì tôi nghe không?” Và người kia trả lời: “Vâng tôi thấy những gì anh thấy và tôi nghe những gì anh nghe.” Vì cả hai cùng đồng ý như thế nên quý vị có cảm tưởng rằng nó là như vậy, nó là một cái gì đó khách quan nằm ngoài ta. Thế nhưng ta quên đi một sự thật rằng thân thể con người chúng ta được cấu tạo giống nhau. Năm giác quan của ta cũng được làm giống nhau. Tất cả chúng ta đều thống nhất với nhau đây là cái bàn và ta gọi nó là “cái bàn”. Chúng ta đồng ý với nhau rằng cái bàn giúp ta ngồi học, ngồi viết. Bởi vì ta là con người nên ta có khuynh hướng nhìn cái bàn là một dụng cụ. Nhưng nếu ta là những con mối, ta sẽ nhìn cái bàn bằng một cách nhìn khác. Ta có thể thấy cái bàn như một nguồn thức ăn ngon lành và bổ dưỡng. Như vậy con mối xem cái bàn là thức ăn còn ta xem cái bàn là một dụng cụ để viết và để học. Do đó những gì ta tin là thực tại bên ngoài có thể chỉ là sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng. Bởi vì do cách thức tạo dựng năm giác quan của ta, và vì cách ta tiếp nhận cái được gọi là thế giới khách quan như thế nào đó, nên chúng ta tin rằng những gì biểu hiện trong thức ta là thực tại khách quan bên ngoài ta. Chúng ta biết rằng hoa hồng là sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng - tâm thức của một nhóm sinh vật gọi là người. Đó là sự tham dự vào một cảnh giới (realm of being). Con ong có cảnh giới của con ong, con chim có cảnh giới của con chim, con người có cảnh giới của con người. Cảnh giới đó là cộng biểu, là cộng nghiệp, là tàng thức cộng đồng.

Trong giáo lý đạo Bụt, vì tâm không có nơi chốn (non local), nên tâm không thể chết đi mà chỉ có thể chuyển hóa. Quý vị luôn tiếp nối chính mình trong môi trường này. Tàng thức, suy nghĩ, lời nói và hành động của quý vị đưa đến nghiệp báo của quý vị, mà nghiệp báo bao gồm chánh báo (bản thân của quý vị) và y báo (môi trường quý vị đang sống). Quý vị và môi trường quý vị đang sống là một và chúng tạo ra nghiệp của quý vị. Chúng ta có thể đảm bảo cho mình có một tương lai tươi đẹp bằng cách chăm sóc suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi chính mình bằng cách thay đổi con người mình và thay đổi môi trường sống chung quanh. Chăm sóc mình là chăm sóc thân mình và môi trường của mình. Thực sự thì gen không quyết định hết mọi thứ. Những gì chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động đều đóng góp vào việc tạo ra môi trường của chúng ta. Chúng ta phải tổ chức đời sống tự thân và môi trường chung quanh như thế nào để những hạt giống tích cực trong ta luôn có cơ hội được tưới tẩm. Đó là bí quyết của hạnh phúc.

Tất nhiên môi trường của chúng ta không chỉ được tạo nên bằng những thứ chúng ta thấy quanh chúng ta thôi mà còn bằng những gì chúng ta không thấy, không nghe nữa. Thế nhưng những gì chúng ta không thấy không nghe thì chúng ta có khuynh hướng cho rằng chúng không tồn tại. Giả sử nhìn vào khoảng không gian trong thiền đường, chúng ta biết không gian quanh chúng ta đầy những tín hiệu ti vi, radio, điện thoại di động mà chúng ta không thể thấy và nghe được. Chúng ta cần máy móc như điện thoại hoặc ti vi để dịch những tín hiệu này cho chúng ta. Thông thường những gì chúng ta cho là trống rỗng thực ra rất đầy. Chính ý thức của chúng ta dịch tất cả những thứ này thành âm thanh và màu sắc. Vì vậy tôi cũng không chắc chiếc lá tôi cầm trong tay là bên trong hay bên ngoài tâm thức tôi. Cho nên, chúng ta phải khiêm cung và mở lòng ra để cho sự thực đi vào. Bí quyết của đạo Bụt là lấy đi mọi ý niệm để sự thực có cơ hội đi vào trong ta và tự nó hiển lộ.

Tàng Kinh Các - langmai.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét