Tất cả đều là tạm bợ?

6/12/2012 02:14:00 CH

Thưa Thầy: giữa được và mất, người giàu, kẻ nghèo, người thông minh, người ngu dốt, thành công và thất bại, giữa người hiểu đạo được vạn người kính trọng hay một tên hành khất ngoài đường, giữa một người giác ngộ hay một người đang ngụp lặn trong biển khổ đễ học ra bài học giác ngộ. Tất cả đều có khác gì nhau đâu phải không Thầy? Tất cả đều phải bị chi phối bởi nhân quả nghiệp báo và tất cả đều là tạm bợ, bất toàn, đau khổ... đâu có gì là của ta đâu phải không Thầy! Cứ trôi lăn mãi giống như một diễn viên đóng nhiều vai diễn vậy. Vài điều con xin trình lên Thầy. Mong được sự chỉ bảo của Thầy và chúc Thầy sức khỏe!

Trả lời:
Đúng là tất cả pháp hữu vi đều vô thường, khổ, vô ngã. Khi cái ta hữu ý tạo tác (hữu vi) vì không thấy vô thường, vô ngã nên mới khổ. Bản chất hiện tượng hữu vi tạo tác thế gian là như vậy, nếu ai không thấy ra thì rơi vào ảo tưởng của tà kiến và tham ái, do đó phải chịu khổ não trầm luân. Nhưng nếu thấy ra, không tham ưu, không chấp thủ, không nương tựa vào đó thì có thể sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha để lấy đó làm bài học giác ngộ. Nhiều người khi thấy ra sự thật này thì sinh lòng chấp không, chán nản và bi quan yếm thế nên cũng không thể giác ngộ giải thoát được. Thực ra bản chất vô thường, khổ não, vô ngã có cái đại dụng của nó nhất là cái dụng chuyển mê khai ngộ cho mọi người.

trungtamhotong.org

P/S: cảm nhận của người Phật Tử cũng giống cảm nhận của mình trước đây. Khi nhận ra sự thật vô thường, khổ, vô ngã của vạn vật, thấy rằng mọi sự về bản chất là bất toàn, ai mới đầu chả chán nản và bi quan cơ chứ. Nhưng nếu ta buông được cái ảo tưởng về bản ngã đang chịu khổ là mình ra để nhìn cho kỹ hơn, thì cái gọi là vô thường, khổ, vô ngã ấy thật ra vẫn chỉ là khái niệm. Trong thực tánh chân đế, mọi sự như nó là, chả thường hay vô thường, khổ hay niết bàn, hữu ngã hay vô ngã gì cả. Tất cả chỉ là những dòng chảy không ngừng.

Sau một thời gian thất vọng. Sẽ đến một lúc ta thấy ra chính quy luật vô thường, khổ, vô ngã chán nản ấy lại là bài học để phát triển trí tuệ, là cơ sở của vô hạn khả năng, tiềm tàng năng lượng sáng tạo cũng như lòng bao dung không bờ bến. Và tất cả những điều kỳ diệu đó không thuộc về ai và cũng không giành riêng cho ai cả. Cũng vì thế mà người ta gọi là vô ngã - PT

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét