Thưa thầy!
Có người Phật tử hỏi một câu hỏi mà con nghe cũng có lý và thực tế. Không nói đến truyền thống tôn giáo, bên cạnh các vị sư, các vị cư sĩ và giới tử đang sống với hình tướng như vậy phải chăng là đang trốn chạy cuộc đời? Trai trẻ sao lại gạt bỏ tương lai vào đây để sống cuộc sống không có "hình thức" nào như vậy? Lại hỏi thêm là, phải chăng không có lập trường nên phải sống như vậy?
Sống như vậy có lợi ích gì chăng? Và sinh sống bằng tứ vật dụng của tín thí như vậy không sợ tội người ta hả? Mặc dù nhận thức mỗi người mỗi khác, nhưng con thấy câu hỏi cũng hay và thực tế cho đời sống chúng con bây giờ nên con kính thầy giảng dạy! Con xin cám ơn Thầy.
Trả lời:
Khó nói lắm. Tất cả hình thức đều rơi vào một trong hai trường hợp:
1) Đó là hình thức đương nhiên của một giai đoạn tất yếu phải vậy
2) Đó là hình thức trốn chạy một thực tế khác. Ví dụ một người ở đời chọn hình thức lập gia đình thì có thể là đương nhiên anh ta phải như vậy, mà cũng có thể là anh ta đang trốn chạy đời sống độc lập một mình. Một tu sĩ cố gắng tu tập để giải thoát sinh tử có thể là đương nhiên đến lúc anh ta phải thế, mà cũng có thể anh ta đang trốn chạy đối diện với sinh tử để học bài học giác ngộ của mình. Nếu một chú giới tử muốn trở thành hình thức nhà sư thì cũng có thể là chú ấy đến lúc cần được thọ giới, mà cũng có thể chú ta muốn khẳng định mình dưới hình thức nhà sư để trốn chạy giai đoạn tất yếu phải làm giới tử của mình v.v. và v.v...
Vậy làm sao biết được ai đang đương nhiên cần ở trong hình thức này, và ai đang mượn hình thức này để trốn chạy một điều gì khác? Theo thầy tốt nhất là đang ở trong hình thức nào thì cứ trọn vẹn trong sáng với hình thức đó tức là trọn vẹn với pháp, trọn vẹn với chính mình, chứ không trốn chạy gì cả. Nếu là người trong cuộc thì mới biết mình đang trọn vẹn với mình hay đang trốn chạy, còn nếu chỉ đứng bên ngoài để phê phán đánh giá thì biết đâu anh ta mới là người đang trốn chạy tính chất "như thị" của một hình thức mà anh ta cho là, phải là hay sẽ là theo ý muốn chủ quan của mình?
trungtamhotong.org
0 Nhận xét