Thưa thầy, con có một vấn đề chưa được rõ, tuy là lí thuyết nhưng con nghĩ nó rất quan trọng cho việc định hướng thực hành. Nếu con có phạm vào nội qui đặt câu hỏi thì xin thầy cho con sám hối.
Theo như con nghiên cứu thì đạo Phật của mình quan niệm vạn vật sắc sắc không không, cái không đó không phải là không có gì mà đang tồn tại ở dạng ẩn tàng, khi hội đủ duyên thì sẽ trở thành hiện lộ, nhưng trong đạo Lão cũng có quan niệm y như vậy. Và theo thầy giảng cũng như trong quá trình con nghiên cứu, còn có một cái biết trong suốt định tĩnh vô phân biệt vượt trên cả nhị nguyên. Một số sách nói rằng cái "biết" ấy chính là Phật tánh của con người, là bất hoại trong quá trình luân hồi.
1/ Vậy thì cái "biết" đó có phải là tâm quan sát hay không?
2/ Cái "biết" đó có nằm trong luật duyên khởi hay không hay sẽ theo ta khi luân hồi? Vì một người bạn của con cũng theo trường phái Nguyên Thuỷ bảo là đã phá chấp ngã thì không còn cái gì tồn tại hết, ngay cả cái "biết" cũng không có thật, không thường hằng bất biến.
Con đã suy nghĩ nhiều lần nhưng vẫn thấy bản thân mờ mịt nên mới mạo muội hỏi thầy câu hỏi này. Mong thầy từ bi bỏ qua nếu con có gì sai sót!
Con xin thành kính tri ân thầy!
Trả lời:
1. Tính chất của tâm là biết pháp nên gọi là tánh biết. Tánh biết đó không thường, không đoạn, không hữu, không vô, không khứ, không lai, không sinh, không diệt nên nếu xác định nó là gì thì cũng chỉ là ý niệm. Quan trọng là có sử dụng được tánh biết đó để thấy biết pháp một cách trung thực không rơi vào vọng niệm hay không, chứ không cần xác định nó là gì.
2. Câu hỏi thứ 2 của con đã được trả lời trong câu thứ nhất. Nếu con hiểu được câu 1 thì con có thể giải nghi được câu thứ 2. Thầy nhắc lại, Phật giáo không phải để lý luận mà điều quan trọng là con có thể nghiệm được tánh biết đó hay không. Nếu con rơi vào lý luận thì con đã bỏ mất cái thực tại hiện tiền.
trungtamhotong.org
2 Nhận xét