Chân lý

Phản ứng tâm lý là vô thường nên khổ

9/19/2013 04:18:00 CH

Con xin hỏi ngắn gọn. Con có đọc được ở vài bài kinh trong Nikaya có ghi lại lời dạy của đức Phật như sau:
"...
- Sắc là vô thường hay thường?
- Dạ, vô thường.
- Cái gì vô thường thì khổ hay lạc?
- Dạ, khổ.
..."
Tại sao "cái gì vô thường thì khổ"? Thầy cũng đã nhiều lần dạy, vô thường là yếu tính cần thiết của sự sống, cũng là vẻ đẹp muôn màu của sự sống!

Vậy lời dạy này phải hiểu như thế nào, để đừng bị hiểu lầm ý Phật? Con kính cám ơn Sư.

Trả lời:
Vô thường mà đức Phật nói đây không phải là cái vô thường tự nhiên của vạn pháp trong trời đất, hay nói dễ hiểu hơn, không phải là sự biến đổi của hiện tượng vật lý theo quy luật vận hành tự nhiên của pháp, mà là cái vô thường của thái độ tâm lý, biểu hiện qua Ái - Thủ - Hữu, tức là ý đồ hữu vi tạo tác của cái ngã luôn muốn nỗ lực để trở thành theo ý muốn chủ quan của mình. Vô thường của cái ngã tạo tác này chính là diễn trình phản ứngSắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức (ngũ uẩn) đưa đến tích lũy và bành trướng bản ngã nên dĩ nhiên là chỉ đem lại đau khổ mà thôi.

Đức Phật luôn chỉ thẳng vào tâm thái người nghe để người ấy thấy ngay, chứ không bao giờ đưa ra một hệ thốngluận thuyết có sẵn nào đó để thuyết phục họ áp dụng như một công thức nhất định. Đức Phật thấy tâm của người nghe đang phản ứng tạo tác để mong trở thành một sở đắc như ý - đó là bệnh tu phổ biến của ngoại đạo thời bấy giờ, mà cũng là muôn đời về sau! Thấy vậy, Ngài liền chỉ cho người ấy cái thái độ tạo tác mà người ấy đang thực hiện chính là vô thường, mà vô thường thì dù có đạt được điều gì như ý rồi cũng trở thành bất như ý, nghĩa là rồi cũng khổ thôi. vậy tại sao phải nỗ lực tích cực miên mật làm gì để chỉ tạo ra vô thường và khổ cho đày đọa thân tâm mà thực chất không có gì là ta, của ta và tự ngã của ta?

Khi Huệ Khả đang muốn tích cực tu tập miên mật sao cho tâm bất an TRỞ THÀNH an, thì cũng bằng cách chỉ thẳng của đức Phật, Đạt-ma đã bảo Huệ Khả, "đưa tâm đây ta an cho", khiến Huệ Khả ngay nơi cái tâm hữu vi vô thường ấy mà thấy ra thì liền chấm dứt cái động lực tạo tác để trở thành của bản ngã và không còn thấy cái tâm bất an ấy đâu cả - cái tạo tác lăng xăng chấm dứt để trả tâm về với bản tính chói sáng muôn đời của nó, thế là ngộ, là chấm dứt đau khổ. Chính vì Kinh không ghi được chỗ chỉ thẳng cốt lõi này (giữa Phật và người nghe biết thôi) mà chỉ ghi lại lời nói bên ngoài nên người sau biến ngôn từ của Kinh thành hệ thống triết học với những khái niệm hoang vu, không tưởng. Đúng là y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan!

trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét