Tại sao giác ngộ có thể chợt đến với người này còn người khác thì không?
2/25/2014 11:22:00 SAKính thưa thầy, có thể nói rằng con người hiện nay đang sống trong vô minh, tăm tối. Thế nhưng cá biệt, trong đó có một số người bỗng dưng được ánh sáng tuệ giác soi vào phá tan sự vô minh đó. Tại sao vậy? Tại sao giác ngộ có thể chợt đến với người này còn người khác thì không?
Con có thể tự thỏa mãn bằng những câu trả lời từ quan điểm nhận thức (Phật Pháp) của mình. Nhưng con không dám tin đó là sự thật. Con không tin rằng tất cả mọi tiến trình diễn biến qua thời gian là cái nhân của sự giác ngộ. Khi sống trong vô minh, ta luôn tạo tác, sinh ra nhân quả. Nhưng giác ngộ lại không hề liên hệ, phụ thuộc vào sự nhân quả ấy. Chỉ là bỗng dưng ánh sáng tuệ giác chợt đến phá tan bóng tối vô minh, chẳng còn nhân quả.
Tại sao đối với người giác ngộ thì nó thật tự nhiên còn những người khác thì không thưa thầy?
Trả lời:
Không phải vậy đâu. Làm gì có chuyện "bỗng dưng được ánh sáng tuệ giác soi vào" mà "ngồi chờ sung rụng"! Tuệ giác giống như mặt trời tự soi sáng, nên tuệ giác tự đến, không phải do ai nỗ lực tạo tác ra được. Tuy nhiên phiền não như những đám mây che khuất mặt trời, mây càng dày thì trời càng tối, nhưng thực ra mặt trời vẫn sáng như vậy.
Muốn mặt trời tuệ giác soi sáng thì phải không còn mây phiền não che lấp nữa mới được. Tu không phải là để tạo ra mặt trời tuệ giác, mà để loại trừ phiền não, ngay đó lập tức được mặt trời tuệ giác chiếu sáng ngay thôi.
Nhưng phiền não phát xuất từ cái ta ảo tưởng, nên diệt trừ phiền não chỉ là diệt trừ cái ngọn, phải diệt trừ tận gốc cái ta ảo tưởng thì phiền não mới không còn, tuệ giác tự hiện. Việc tuệ giác xuất hiện có vẻ bất ngờ nên tưởng là "hoát nhiên" bất chợt. Bản ngã tưởng rằng do công phu tu tập của mình mà có tuệ giác nên mới rơi vào nhân quả, thời gian. Khi tuệ giác tự nhiên xuất hiện thì quá ngạc nhiên bất ngờ nên mới gọi là "hoát nhiên giác ngộ"!
Tất nhiên mặt trời chiếu sáng không phải là quả của nhân diệt trừ cái ta ảo tưởng. Quả của diệt trừ cái ta là không còn mây phiền não che lấp nữa mà thôi. Tuy nhiên, phá trừ cái ta ảo tưởng cũng chính là việc của tuệ giác chứ không phải là ai khác cả. Đó là lý do tại sao các vị thiền sư nói "Chân giác vô công" vậy.
Viên Minh
Mục Hỏi Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét