Chân lý

Tự tuyên bố đắc đạo quả

2/18/2014 10:10:00 SA

Kính bạch Thầy cho con được hỏi: Hiện nay có một vị tu hành tự xưng là đã chứng quả A-la-hán, điều đó đã tạo nên sự mến mộ của rất nhiều người vì họ cũng muốn tu theo phương pháp vị đó chỉ dạy để đạt được kết quả như vậy. Nhưng theo con hiểu: Việc tu để đạt kết quả giải thoát và làm chủ sinh tử ngay trong đời này là điều không hợp lý với nhân quả. Bởi vì mình đã gây tạo nghiệp nhiều từ vô thủy đến nay thì làm sao mà tu chỉ trong một kiếp rồi phủi sạch liền hết tất cả!?

Hơn nữa, người tu mà ham giải thoát, ham đạt kết quả liền thì cũng rơi vào trạng thái tham, như vậy cũng là một chướng ngại lớn cho công phu tu tập. Theo con nghĩ người tu quan trọng là làm chủ được tâm mình, không để vọng tình chi phối, dẫn dắt lang thang. Tu thì cứ tu tinh tấn theo trung đạo, không giải đãi buông lung để cho thân khẩu ý thanh tịnh, thân tâm an lạc ngay trong hiện tại là đúng, chứ tu mà phải gồng mình chiến đấu thật dữ dội không những chỉ tham lam mà còn dễ sinh bệnh nữa. Con không biết suy nghĩ của con như vậy có đúng không, kính mong Thầy giải thích.

Trả lời:

Con nói đúng, tu là phải nhận ra chính mình tại đây và bây giờ, nếu không con có thể bị cái ta ảo tưởng lôi cuốn theo tham vọng muốn trở thành (ái, thủ, hữu) của nó. Tham vọng muốn trở thành chính là động cơ của luân hồi sinh tử. Sở dĩ bản ngã nôn nóng và quyết liệt muốn trở thành là vì nguyên nhân vô minh, không biết rằng mọi chân lý đều đang ở ngay nơi thực tại hiện tiền, không phải là một hứa hẹn đầy lý tưởng (thực ra là ảo tưởng) ở tương lai. Vì vô minh không thấy ra sự thật tại đây và bây giờ (sandiṭṭhiko, akāliko) nên bản ngã chống lại sự thật trong hiện tại (sân) và mong cầu sở đắc lý tưởng ở tương lai (tham).

Con chỉ cần chánh niệm tỉnh giác đối với hành động, nói năng, suy nghĩ ngay trong hiện tại thì bản ngã vọng động, không còn cơ hội dụ dỗ một hứa hẹn ảo tưởng ở tương lai. Bản ngã tham sân si không còn vọng động, thì tâm con rỗng lặng trong sáng, đó là giới định tuệ. Cứ hành đúng giới định tuệ thôi, còn đắc đạo quả là việc vận hành tự nhiên của pháp, không phải do nỗ lực theo ý chí vọng cầu của con. Ví như, tưới bón đúng không lười biếng bỏ mặc, là việc của con, còn ra trái là việc của cây ổi, không phải do ý chí vọng cầu của con. Nếu con vọng cầu và nỗ lực quá mức thì không những con tự chuốc lấy căng thẳng khổ đau mà còn làm cho cây ổi không ra trái được nữa, hoặc chết non cũng không chừng.

Theo giới luật của đức Phật, một vị tỳ kheo tuyên bố mình đắc đạo quả này nọ là khoe pháp bậc cao nhân, một trong bốn điều trọng luật, tội rất nặng gọi là bất cọng trụ. Tuyên bố này chỉ dành cho đức Phật khi ấn chứng cho hàng đệ tử để xác nhận một vị đã giác ngộ giải thoát khỏi sự trói buộc (kiết sử do bản bản vô minh ái dục tạo ra) ở mức độ nào, nhằm tránh sự khoe khoang cá nhân của người chưa đắc mà tưởng đã đắc, hoặc sự hiểu lầm của hàng Phật tử tự ý đánh giá vị thầy của mình là bậc thánh này nọ.

Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

1 Nhận xét