Những
hàng phượng mùa này trơ lá. Cành cây gầy guộc đến nỗi nhìn rõ những tổ chim treo
lủng lẳng trên những tán cây khô, trên những quả phượng cuối mùa còn sót lại.
Nào Chào Mào, Chìa Vôi, Chích Choè, Chim Sâu, chim Cắt.. đủ loại, cứ sáng ra lại
thi nhau phá tan sự tĩnh lặng nơi này bằng những giọng ca trong trẻo. Những
hàng đại trắng chạy ngay ngắn theo lối vào Ni viện với hoa rơi lấm tấm trên những
con đường lát gạch gồ ghề. Vào những đêm trăng sáng, không cần đèn pin cũng thấy rõ
từng phiến đá lớn nhỏ. Từng chùm khế chín vàng xuộm như đợi những bàn tay ân cần
hái bớt trái cho đỡ lúc lỉu những quả là quả. Nào xoài, chuối, lựu, mít, đu đủ, sa-bu-chê trĩu cành như đợi người đến,
quyến luyến người về… Bên kia mấy cây bàng trụi lá là một vườn rau xanh ngắt. Vài giàn mướp hoa vàng lơ thơ, xen lẫn giàn đậu, giàn cà và một vài luống hoa cúc vàng cúc đỏ, trông xa như một bức tranh đẹp mắt.
Nếu
muốn tìm một pho tượng lớn nơi chốn này bạn sẽ thất vọng, bởi ba chái nhà theo
kiểu nhà miệt vườn Huế là nơi thờ Phật và nơi ở của các Ni cô không lưu trữ
một pho tượng nào lớn. Giữa chính điện chỉ có một bức tượng Đức Thích Ca Mầu Ni
cao khoảng 40-50cm trong tư thế ngồi kiêt gìa toạ thiền. Chánh điện nhỏ, tượng
Phật cũng nhỏ, nhưng toát lên một vẻ trang nghiêm hiếm có. Bên tượng Phật ngày
nào cũng có hoa tươi cắt từ vườn được cung kính cắm thành hai lọ.
Hoa và mùi hương nhẹ nhàng quyện vào nhau. Tiếng tụng kinh Pali, tiếng chuông
nhè nhẹ.. khiến tâm thái bất kỳ ai cũng cảm thấy lâng lâng xao xuyến, như lạc
vào cõi hư vô vậy.
Mỗi góc Ni viện là những sự ngạc nhiên nho nhỏ. Bạn có thế đọc sách ở bất kỳ đâu. Sách để trong các tủ gỗ đơn sơ không khoá, đủ loại từ các bộ Tam Tạng Kinh đến các cuốn sách, tạp chí Phật học, sách tiếng Pali, tiếng Việt, tiếng Anh. Bạn có thể ngồi trang nghiêm trong thiền đường, hay bên những phiến đá phẳng lỳ, ấm áp trong ánh nắng của khu vườn nhỏ sau ni viện, vừa đọc vừa trải nghiệm sự thanh bình ở nơi này sẽ thấy cuộc sống thật là đáng yêu làm sao!
Ở
đây chỉ có 3 Tỳ kheo ni, và khoảng 5 Sa Di ni. Ni trưởng là cô Liễu Pháp, người
có bằng tiến sĩ Phật học, tu học 10 năm ở Ấn Độ, kiến thức uyên bác, nhưng rất khiêm nhường. Ni cô Tịnh Thành, ni cô Nhiệm Pháp cũng xuất gia hơn 20 năm hành
thiền ở Miến Điện, Ấn Độ. Từ Ni Trưởng cho đến các Sadi trẻ (chỉ trên dưới 20
tuổi) từ lời nói, dáng đi thật khoan thai, nhẹ nhõm giống như những
cô tiên vậy.
Ngày
Rằm tháng Giêng năm nay các chùa ở thành phố nơi nào cũng đông nghẹt, khác hẳn
sự vắng vẻ thanh tịnh ở nơi đây. Các ni cô tranh thủ thay bình hoa mới, người
quét thiền đường, kẻ lau toạ cụ tre, để đêm nay, tất cả cùng tham gia đêm Thọ Đầu
Đà cho đến sáng hôm sau.
Những
con gió mạnh thổi bùng ngọn lửa giữa rừng dường như không làm lay động những
bóng người nho nhỏ im lặng hành thiền trong ánh trăng và ánh lửa đỏ rực. Những
thời thuyết pháp của Ni Trưởng được từng người lắng nghe như nuốt lấy từng lời.
Nào thực hành thiền động, thiền tĩnh, học Kinh Pali, xem phim về cuộc đời Đức
Phật, chơi hái hoa dân chủ hỏi đáp về Phật Pháp… Đêm Thọ Đầu Đà với những hạnh
nguyện tốt đẹp được kết thúc bằng thời kinh cầu an cho hết thảy chúng sinh dường
như càng mạnh mẽ hơn, thiết tha hơn, chân thành hơn..
Không
thể miêu tả hết được thành lời những gì trải nghiệm ở Viên Không trong năm ngày ở lại sinh hoạt
cùng các Ni cô ở đây. Rời chốn Viên Không dù là lần đầu hay nhiều lần khác người
về vẫn cảm thấy một sự quyến luyến khó tả, để rồi lại thúc giục lòng mình một
ngày nào đó được trở lại, giống như đứa con xa nhà, luôn kiếm tìm một chốn bình
yên, nương tựa, giữa những biến động của cuộc đời./.
Một chút buồn trong một chút vui
Rời chốn lâm viên về với đời
Đợi duyên đầy đủ rồi lại tới
Dạo gót đường xưa, ngắm mây trời…
Như
Hải
(Viết
tại Viên Không Ni Viện
Núi Dinh, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu 15/2/2014).
0 Nhận xét