...Thưa thầy con năm nay 17 tuổi. Xin thầy cho con hỏi ở tuổi con làm thế nào để diệt dục ạ?
Trả lời:
Khi còn vô minh thì diệt dục cũng vô ích. Khi minh thì thấy rõ tính sinh - diệt, lợi - hại của dục như thế nào nên không cần diệt nó cũng tự diệt. Dục tự nó không đúng không sai, không xấu không tốt gì cả, chỉ khi nó bị vô minh hay tà kiến sai sử thì mới thành sai xấu mà thôi. Vậy cần hiểu được dục hơn là tìm cách diệt nó.
Về mặt tốt, dục được sử dụng trong Tứ Như Ý Túc, tức là yếu tố tiên quyết để thành công như ý. Nếu thiếu dục con sẽ trở nên thụ động không làm gì được cả. Vậy nên sử dụng dục trong những điều tốt để chuyển hóa dục trong những điều xấu hơn là lên án nó và cố gắng tiêu diệt nó một cách chủ quan...
...Thưa thầy, thầy có nói: "Về mặt tốt, dục được sử dụng trong Tứ Như Ý Túc, tức là yếu tố tiên quyết để thành công như ý". Trong sách có nói dục trong Dục Như Ý Túc chỉ ước muốn, mong cầu một cách thiết tha, mong muốn đạt được những gì mình chưa có. Sách cũng nói Dục Như Ý Túc là một trong bốn yếu tố hỗ trợ cho việc đắc định và hướng đến các năng lực thần thông...
Thầy có thể giải thích thêm cho con và các Phật tử được rõ dục trong Dục Như Ý Túc khác với dục vọng hữu vi hữu ngã như thế nào được không ạ? Con kính tri ân Thầy!
Trả lời:
Phàm làm việc gì cũng đều có khởi ý muốn làm việc đó trước đã, dục (chanda) thực ra chỉ có nghĩa là vậy, không phải chỉ trong thiền định, thần thông thôi mà còn trong tất cả mọi lĩnh vực hành động để đạt được như ý.
Dục vốn chỉ là ý muốn đơn thuần nhưng tùy vào chủ ý dụng tâm (cetanā) mà nó có thể đi với thiện hay ác, đúng hay sai, tốt hay xấu. Có thể bỏ những điều xấu ác để làm những việc đúng tốt, nhưng không thể bỏ dục.
Dục thay đổi từ nhu cầu tự nhiên và thiết yếu - không thể thiếu - của đời sống như đói muốn ăn, khát muốn uống, lạnh muốn ấm, nóng muốn mát... đến ham muốn trong sự tìm cầu sắc đẹp, thanh hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái (ngũ dục) để thỏa mãn lạc dục (kāma chanda), và xa hơn nữa là ý muốn sở đắc những khả năng siêu phàm như thiền định, thần thông v.v... trong pháp dục (dhamma chanda).
Nói chung phải thấu hiểu tính chất của dục mới không bị dục chi phối...
Kính thưa Thầy, như vậy dục và tác ý có giống nhau hay không? Muốn làm việc gì mình cũng phải có tác ý trước rồi mới làm, phải không Thầy? Không có tác ý thì mình không có hướng tâm đến mục đích mình muốn làm. Xin Thầy giảng nghĩa thêm cho con biết chỗ giống hay khác của 2 từ này. Con cám ơn Thầy.
Trả lời:
Dục (chanda), tác ý (manasikāra) và tư tác (cetanā) là 3 tâm sở có thể tướng dụng khác nhau, nhưng do một số người dịch không hiểu hết ý nghĩa của 3 tâm sở này nên đã dùng lẫn lộn nhau, nhất là nhầm tác ý với tư tác.
Theo Abhidhamma tác ý và tư tác là hai trong 7 biến hành tâm sở (sabba citta sādhāranā) có mặt trong tất cả các loại tâm (thiện, bất thiện, vô nhân, duy tác). Còn dục là một trong 6 biệt cảnh tâm sở (pakinnakā) không có mặt trong 18 tâm vô nhân và 2 tâm si.
Dục (chanda) có 3 loại như thầy đã trả lời trong câu hỏi ngày 7/3 vừa qua là:
• tác dục: như muốn làm một việc gì từ nhu cầu tự nhiên và thiết yếu thì không thiện không ác.
• lạc dục hay tham dục - kāma chanda: ham muốn ngũ dục như ăn chơi, hưởng thụ vật chất v.v... thì bất thiện và
• pháp dục - dhamma chanda (như muốn được đúng tốt hơn) thì thuộc về thiện.
Tác ý (manasikāra) là hướng tâm, chủ yếu là hướng đúng hay sai sự thật:
• hướng đúng thực tánh gọi là như lý tác ý (yoniso manasikāra) và
• hướng sai thực tánh gọi là phi như tác ý (Ayoniso manasikāra).
Hướng tâm thôi chứ không phải tạo tác. Nếu loại dục đúng đắn thì đi kèm như lý tác ý, nếu loại dục không đúng đắn thì đi kèm phi như lý tác ý.
Tư tác (cetanā) là tâm sở phản ứng có chủ ý, dụng tâm hay không trên đối tượng, do đó tư tác có thể là hữu vi tạo tác hoặc vô vi vô tác (duy tác); có thể thiện hoặc bất thiện, có thể hữu nhân hoặc vô nhân.
Nếu dục bất thiện thì tư tác cũng bất thiện, nếu dục là thiện thì tư tác cũng thiện, những tâm sở này có liên quan mật thiết với nhau, nhưng có tác dụng khác nhau...
Kính bạch Thầy cho con hỏi trong Phật giáo có điều chế định các bậc tu diệt dục hoặc cư sỹ tại gia không được uống thuốc bổ không thưa Thầy? xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con. Kính chúc sức khoẻ Thầy.
Trả lời:
Chủ yếu là phải hiểu dục là gì, loại nào cần diệt hay không, nếu diệt thì diệt cách nào mới tuỳ duyên thuận pháp và hiệu quả, chứ Phật giáo không nói diệt dục chung chung. Có dục càng được phát triển càng tốt có dục cần được đoạn giảm mới đúng, nhưng muốn vậy thì phải thấu suốt bằng trí tuệ sự sinh, diệt, vị ngọt và sự nguy hại của nó mới được. Uống thuốc bổ cũng vậy, phải biết công dụng thực sự của thuốc ấy là gì, có lợi hay có hại cho thân tâm thì mới dùng chứ không khuyến khích mà cũng không ngăn cấm.
Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét