Chân lý

Thượng Đế và khái niệm về Thượng Đế

8/12/2015 10:16:00 SA

Bombay, ngày 6 tháng 1 năm 1960

Tâm là những gì đã biết – nghĩa là những gì đã được kinh nghiệm. Với cái hữu hạn này chúng ta tìm cách biết cái không biết. Nhưng rõ ràng là cái đã biết không bao giờ có thể biết cái không biết; nó chỉ biết những gì nó đã kinh nghiệm, những gì nó đã được chỉ dạy, những gì nó đã thu thập. Liệu tâm có thể thấy được sự thật rằng nó không thể nào biết cái không biết?

Điều chắc chắn là nếu tôi thấy rõ tâm mình không thể biết cái không biết thì lúc đó có sự tĩnh lặng tuyệt đối. Nếu cảm thấy mình có thể nắm bắt cái không biết bằng các khả năng của cái đã biết thì tôi ồn ào lên, tôi nói, tôi bác bỏ, tôi lựa chọn, tôi cố tìm cách đến với cái không biết. Nhưng nếu tâm nhận ra rằng nó hoàn toàn không thể biết cái không biết; nếu tâm nhận thức được rằng nó không thể đến gần cái không biết dù chỉ một bước thì lúc đó chuyện gì xảy ra? Lúc đó tâm trở nên hoàn toàn im lặng. Không phải nó tuyệt vọng nhưng nó không còn tìm kiếm bất cứ gì.

Hành động tìm kiếm chỉ có thể di chuyển từ cái đã biết đến cái đã biết, và tất cả những gì tâm có thể làm là biết rõ hành động này sẽ chẳng bao giờ phát hiện ra cái không biết. Bất cứ hành động nào của cái đã biết đều ở trong phạm vi của những gì đã biết. Đó là điều duy nhất tôi phải nhận thức, đó là điều duy nhất tâm phải nhận ra. Lúc đó – không có bất cứ tác nhân kích thích, không có bất cứ mục đích nào – tâm trở nên im lặng.

Các bạn có để ý thấy tình yêu là im lặng không? Tình yêu có thể xảy ra khi một người nắm tay người khác, trìu mến nhìn một đứa trẻ, hay cảm nhận vẻ đẹp của một buổi chiều. Tình yêu không có quá khứ hay tương lai, vì vậy nó ở cùng với trạng thái tĩnh lặng lạ thường này. Và nếu không có sự tĩnh lặng này – có nghĩa là sự trống rỗng hoàn toàn – thì không thể có sự sáng tạo. bạn có thể khéo léo trong khả năng của mình, nhưng không có sự sáng tạo mà chỉ có sự hủy diệt, suy tàn và tâm trở nên héo úa.

Khi tâm trống rỗng, tĩnh lặng, khi tâm ở trong trạng thái hoàn toàn phủ nhận – không có nghĩa là không biết gì, cũng không phải là trạng thái đối nghịch của khẳng định, mà là một trạng thái hoàn toàn khác biệt, trong đó mọi ý nghĩ chấm dứt – chỉ khi đó mới có cơ hội để cái “không thể đặt tên” xuất hiện.

Seattle, ngày 16 tháng 7 năm 1950

Hỏi: Thế giới ngày nay có rất nhiều khái niệm về Thương đế. Ý tưởng của ông về Thượng đế là gì?

Krishnamurti: Trước tiên, chúng ta phải tìm hiểu xem khái niệm nghĩa là gì. Chúng ta muốn nói diễn tiến tư duy nghĩa là gì? Vì xét cho cùng, khi công thức hóa một khái niệm, chẳng hạn như về Thượng đế, thì công thức hay khái niệm của chúng ta phải là kết quả của những gì chúng ta đã bị điều kiện hóa, có đúng thế không?

Nếu tin vào Thượng đế, chắc chắn sự tin tưởng của chúng ta là kết quả của môi trường chúng ta sinh sống. Có những người ngay từ khi còn nhỏ đã được dạy phủ nhận Thượng đế và cũng có những người được dạy để tin vào Thượng đế, như hầu hết chúng ta đã được dạy như vậy. Như thế chúng ta công thức hóa một khái niệm về Thượng đế theo những gì đã được chỉ dạy, theo kiến thức, theo tính cách riêng, theo những gì chúng ta ưa thích, hay không ưa thích, theo hy vọng và sợ hãi của riêng mình. Như thế, rõ ràng là chừng nào chúng ta còn không hiểu diễn tiến tư duy của chính mình, thì những khái niệm suông về Thượng đế hoàn toàn vô giá trị, có phải thế không? Vì ý nghĩ có thể phóng chiếu ra bất cứ gì nó thích. Ý nghĩ có thể tạo ra và phủ nhận Thượng đế theo khuynh hướng, lạc thú và đau khổ của riêng mình. Vì thế, chừng nào ý nghĩ còn hoạt động, công thức hóa, vẽ vời thêu dệt thì không bao giờ có thể tìm thấy cái siêu vượt thời gian. Thượng đế, hay thực tại chỉ được nhận ra khi ý nghĩ chấm dứt.

Bây giờ, khi hỏi  “Ý tưởng của ông về Thượng đế là gì?” thì bạn đã công thức hóa ý nghĩ của chính mình, có phải thế không? Ý nghĩ có thể tạo ra Thượng đế, và kinh nghiệm cái mà ý nghĩ tạo ra. Nhưng chắc chắn đó không phải là kinh nghiệm đích thực. Những gì ý nghĩ kinh nghiệm chỉ là ảnh phóng chiếu của chính nó, nên không thật. Nhưng nếu bạn và tôi có thể thấy được sự thật về điều này thì có lẽ chúng ta sẽ kinh nghiệm một cái gì đó kỳ diệu hơn sự phóng chiếu suông của ý nghĩ.

Hiện nay, khi bất an bên ngoài ngày càng nhiều hơn thì hiển nhiên có sự khát khao tìm kiếm sự an toàn ở bên trong. Vì không thể tìm được sự an toàn ở bên ngoài, chúng ta tìm nó trong một ý tưởng, một ý nghĩ và như thế chúng ta tạo ra cái gọi là Thượng đế, và khái niệm này trở thành sự an toàn của chúng ta. Một cái tâm tìm kiếm sự an toàn thì chắc chắn không thể tìm ra chân lý, hay cái thật. Để hiểu được cái siêu vượt thời gian, mọi vẽ vời thêu dệt của ý nghĩ phải chấm dứt. Ý nghĩ không thể tồn tại  nếu không có ngôn từ, biểu tượng và hình ảnh. Và chỉ khi nào tâm tĩnh lặng, không còn những tạo tác của chính nó thì mới có cơ hội tìm ra cái thật. Như thế, hỏi suông liệu có hay không có Thượng đế chỉ là một phản ứng không chín chắn đối với vấn đề, có phải thế không? Công thức hóa các ý tưởng về Thượng đế thì hết sức ấu trĩ.

Để kinh nghiệm, để nhận ra cái siêu vượt thời gian thì hiển nhiên là chúng ta phải hiểu rõ diễn tiến thời gian. Tâm là sản phẩm của thời gian, nó dựa và các ký ức của hôm qua. Liệu có thể nào tâm thoát ra khỏi sự lặp lại của những ngày hôm qua, tức diễn tiến của thời gian? Chắc chắn đây là một vấn đề rất nghiêm túc, không phải chuyện tin hay không tin. Tin và không tin là một diễn tiến vô minh, còn hiểu rõ đặc tính của ý nghĩ là ràng buộc vào thời gian thì đưa đến tự do và chỉ trong đó mới có thể có sự khám phá. Nhưng hầu hết chúng ta chỉ muốn tin vì tin thì tiện lợi hơn nhiều, nó cho chúng ta một cảm giác an toàn, một cảm tưởng là chúng ta thuộc về số đông. Điều chắc chắn là chính sự tin tưởng này phân chia chúng ta; bạn tin một điều còn tôi lại tin một điều khác. Như vậy sự tin tưởng hành xử như một hàng rào phân cách; đây là một tiến trình phân hóa.

Vậy điều quan trọng không phải là gieo cấy sự tin tưởng hay không tin tưởng, mà là hiểu rõ diễn tiến của tâm. Chính tâm, chính ý nghĩ tạo ra thời gian. Ý nghĩ là thời gian, và bất cứ những gì ý nghĩ phóng chiếu ra đều phải thuộc về thời gian; do đó, ý nghĩ không thể nào vượt ra khỏi chính nó. Để khám phá cái siêu vượt thời gian, ý nghĩ phải chấm dứt, và đây là điều khó khăn nhất vì sự chấm dứt của ý nghĩ không xảy ra bằng kỷ luật, bằng kiểm soát, bằng phủ nhận hay đè nén. Ý nghĩ chỉ chấm dứt khi nào chúng ta hiểu rõ toàn thể diễn tiến tư duy, và để hiểu rõ diễn tiến tư duy thì chắc chắn phải biết rõ chính mình. Ý nghĩ là cái “ngã”, ý nghĩ là ngôn từ tự nhận diện là “tôi”, và cho dù cái “ngã” được đặt ở bất cứ bình diện nào, cao hay thấp, thì nó vẫn ở trong phạm vi của ý nghĩ.

Để tìm kiếm Thượng đế, tức cái siêu vượt thời gian, chúng ta phải hiểu rõ diễn tiến tư duy – có nghĩa là diễn tiến của chính mình. Cái “ngã” rất phức tạp; nó không ở bất cứ một giai tầng nào, nó được tạo thành bởi vô số ý nghĩ, vô số thực thể, cái này mâu thuẫn với những cái khác. Phải có một sự thấy biết thường xuyên về chúng, một sự thấy biết không lựa chọn, không lên án hay so sánh; có nghĩa là phải có khả năng thấy biết sự vật như thị mà không vo tròn bóp méo hay diễn dịch. Ngay khi phán xét hay diễn dịch cái được thấy thì chúng ta vo tròn bóp méo theo kiến thức của chúng ta. Để khám phá thực tại hay Thượng đế thì không thể có sẵn một đức tin, vì chấp nhận hay từ chối đều là chướng ngại cho sự khám phá. Tất cả chúng ta đều muốn an toàn cả bên trong lẫn bên ngoài, và tâm phải hiểu rằng mọi sự tìm kiếm an toàn chỉ là ảo tưởng. Chỉ cái tâm không an toàn, hoàn toàn thoát ra khỏi mọi hình thức sở hữu thì mới có thể khám phá – và đây là một công việc rất khó khăn. Điều này không có nghĩa phải ẩn cư trong rừng, hay vào tu viện hoặc tự cô lập trong một đức tin riêng biệt nào đó; mà trái lại, không có gì tồn tại trong cô lập. Hiện hữu có nghĩa là tương quan; chỉ trong sự tương quan chúng ta mới có thể tự khám phá chúng ta như chính chúng ta là – mà không có bất cứ ý thức lên án hay biện minh – mới đem lại sự chuyển hóa tận gốc rễ trong cái mà chúng ta là. Và đây là sự khởi đầu của trí tuệ.

Krishnamurti
Dịch giả: VŨ TOÀN 

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét