Sách hay

TÌNH YÊU LÀ GÌ ?

3/30/2011 01:46:00 CH

Cũng như với các hình thái nhận biết khác, tình yêu không thể được định nghĩa bằng lời dưới bất kỳ hình thức nào, cách duy nhất để biết tình yêu là cảm nhận nó. Nhưng tồn tại rất nhiều chỉ dẫn mà nhờ đó chúng ta có thể hình dung phần nào sự kỳ diệu của tình yêu. Dưới góc độ tâm linh, tình yêu ở một cá nhân nảy sinh khi người đó có sự hoà nhập sâu sắc với cội nguồn vũ trụ (bình diện tâm thức(1); trong trạng thái như vậy diễn ra sự tan chảy cái “tôi” của đối tượng. Tình yêu là một nhu cầu đối với mọi người vì chúng ta đã và đang bị chia lìa khỏi cội nguồn vũ trụ và luôn khao khát được hội nhập trở lại. Bản ngã hay cái riêng của mỗi cá nhân tạo nên rào chắn năng lượng giữa con người và toàn thể sự tồn tại (cái Một). Chính bản ngã gây ra hiệu ứng tựa như trở kháng ngăn cản năng lượng tình yêu chuyển vận từ bản thể (bình diện tâm thức) tới con người. Khi có sự hài hoà toàn bộ giữa con người và thiên nhiên thì điều bản chất sâu xa sau đây sẽ được khẳng định: tình yêu đồng nghĩa với sự sống.

Tình yêu có thể nảy sinh ở con người bởi nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng vì sao trong cuộc sống thường ngày, tình yêu dễ dàng xảy ra giữa nam và nữ? Và đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi?
Dễ thấy rằng, nam và nữ là hai nửa đối cực âm dương mà khi có quan hệ tương phản nhất định thì sẽ dẫn đến sự trung hoà cái tôi của một phía (tình yêu đơn phương) hoặc cả hai phía (tình yêu song phương); điều này dễ xảy ra hơn ở lớp trẻ vì bản ngã của họ còn ít và chưa bền vững. Với hiện tượng tình yêu, người nam và người nữ chỉ đóng vai trò xúc tác hay cánh cửa để mỗi cá nhân đi qua đó tiếp xúc trực tiếp với bình diện tâm thức.

Có thể thấy rằng, tình yêu làm nảy sinh nỗi sợ lớn vì mỗi cá nhân không dễ dàng cho phép đánh mất chính mình. Tất cả chúng ta chỉ có thể bắt rễ vào cội nguồn nguyên thuỷ nếu cái tôi biến mất (tạm thời hoặc vĩnh viễn), và đó là cách duy nhất để tình yêu nảy sinh. Qua con đường tình yêu, con người bị thu hút về cội nguồn nguyên thuỷ vì thiếu sự tiếp dưỡng của nó, nhưng vào lúc cái tôi bắt đầu tan chảy thì lại cảm thấy hốt hoảng. Đó là thế tiến thoái lưỡng nan mà mỗi người khi tìm kiếm tình yêu sẽ phải giáp mặt, hiểu biết, chuyển hoá và cố gắng vượt qua. Như vậy, tình yêu và nỗi sợ là hai điều trái nghịch triệt tiêu lẫn nhau. Cũng cần nói thêm rằng, các cảm xúc yêu và ghét chỉ là hai cực của cùng một dạng năng lượng: năng lượng yêu có thể được chuyển đổi thành năng lượng ghét và ngược lại. Chúng là phần bù của nhau tại những bình diện khác nhau của tâm trí.

Con người có thể đạt tới tình yêu với mức độ khác nhau bằng nhiều con đường: tình yêu khác giới, tình yêu cảnh vật thiên nhiên, tình yêu văn học nghệ thuật, tình yêu thể thao, tình yêu qua xuất thần hoặc thiền định. Tình yêu sẽ nảy sinh ở con người khi có mặt một số yếu tố nhất định mà nhờ đó bản ngã của mỗi người tan biến.

Mối tương quan âm dương giữa nam và nữ là đặc trưng cơ bản dẫn đến tình yêu khác giới. Có lẽ trong thời đại nguyên thuỷ, mọi người ít quan tâm đến tình yêu nói chung vì họ đã được thoả mãn điều đó một cách tự nhiên, giống như chúng ta hít thở không khí hàng ngày. Khi nền văn minh nhân loại càng phát triển thì bản ngã của mỗi cá nhân cũng mạnh lên và hậu quả là con người ngày càng thiếu thốn tình yêu do sự cách trở cội nguồn nguyên thuỷ.

Một trong những đặc điểm của tình yêu khác giới ở thời đại văn minh là thiếu sự bền vững và dài lâu. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi thường xuyên tổ hợp yếu tố của các đối tượng mà nhờ đó tình yêu nảy sinh. Cách duy nhất để kéo dài tình yêu là mỗi người phải tự hạ thấp bản ngã của mình khi sống cạnh nhau. Nhưng trong một số hoàn cảnh, việc làm tăng bản ngã của mỗi cá nhân lại là phương sách hữu hiệu để chấm dứt mối tình ngoài ý muốn.

Con người có thể đạt tới tình yêu rất sâu sắc qua con đường xuất thần. Đây là dạng tình yêu không phụ thuộc vào đối tượng khác. Cơ chế của điều này được lý giải khá đơn giản dưới góc độ tâm linh. Bằng kỹ thuật xuất thần cho thấy rằng, một cá nhân sau ba lần thực hiện tách sẽ đạt đến hệ thống các cơ thể năng lượng tinh tế, được thể hiện như một điểm ánh sáng bao quát mọi phía. Khi đó ý thức người xuất thần cảm thấy tràn ngập trong biển cả năng lượng tình yêu thuần khiết. Vì sao có trạng thái đó? Điều này trở nên dễ hiểu nếu chúng ta biết rằng, phần lớn cái tôi của mỗi người được lưu giữ trong thân vật lý và hai cơ thể năng lượng đầu tiên. Sau khi ba cơ thể đó bị tách ra, sự hiện hữu ý thức của người xuất thần tập trung vào hệ thống các cơ thể năng lượng còn lại - dường như một cá nhân mới được tạo thành với phẩm chất hầu như phi bản ngã, nên rất dễ dàng tiếp xúc với cội nguồn tình yêu chính là bình diện tâm thức.

Tình yêu ở con người cũng sẽ nảy sinh rõ rệt khi chuyển dời ý thức khỏi thân vật lý và hai cơ thể năng lượng đầu tiên bằng con đường thiền zen. Nhờ đó, mỗi người có thể điều khiển con trỏ tâm thức(2) của mình tự do di chuyển trong bốn cơ thể đầu tiên để đạt đến cảm xúc tình yêu. Điều đáng chú ý là tình yêu từ thiền cũng không phụ thuộc vào đối tượng nào bên ngoài.

Các đạo sư cho biết rằng, một cá nhân ở trạng thái “phật” sẽ biết đến tình yêu thuần khiết và dường như tồn tại vĩnh hằng. Bất kỳ người nào cũng có tiềm năng đạt tới tình yêu cao thượng đó.
Làm thế nào để biết ai đó đang sống trong tình yêu? Theo thuyết tâm linh, sự hiện hữu tình yêu đích thực ở một cá nhân sẽ làm cho người đó có cảm nhận bản thân như một nguồn năng lượng rạo rực đang tuôn chảy ra mọi hướng. Bởi vậy, năng lượng tình yêu phải luôn được chia sẻ cho nhiều người và cả sự vật xung quanh để tránh những hậu quả tâm thần đáng tiếc.


1 Theo thuyết vũ trụ đa chiều thực tại, cội nguồn nguyên thuỷ của vũ trụ là một lớp vô hạn vật chất phi câu trúc hay còn được gọi là bình diện tâm thức.
2 Sự định hướng tự ý thức của cá nhân tại thân vật lý hay một cơ thể vô hình.

ST (Theo “Vũ trụ và con người dưới góc độ khoa học tâm linh“)

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét