Bài viết

Thế nào là VÔ MINH?

4/04/2011 03:00:00 CH

Vấn đề vô minh trong Phật giáo là một vấn đề hết sức phức tạp và khó lý giải nhất.Bởi vì trong một phạm vi nào đó, vô minh có thể nhận thức bằng suy tưởng và lý luận, nhưng ở một phạm vi nào khác, vô minh chỉ có thể trực nhận khi tự mình thể nghiệm lấy chân lý mà thôi.

Có những thứ vô minh của chúng ta, có những thứ vô minh của Bồ tát. Tùy theo trình độ thật chứng, mà vô minh được tháo gỡ từng lớp dưới ánh sáng của trí tuệ, như thân cây được tước dần từ thớ vỏ.

Vô minh, trước hết chính là sự ngu muội của trí thức. Với sự ngu muội đó, chúng ta nhìn hiện tượng giới như những thực thể cố định và xem tâm linh như một thực thể thường tại, thường hằng. Chúng ta đâu biết rằng thế giới hiện tượng và thế giới tâm linh đều luôn luôn biến động, lưu chuyển không ngừng và chỉ là sự kết hợp của một số yếu tố giả huyễn mà thôi.

Chính vì vô minh, vì nhận thức lầm lạc như thế, mà chúng ta ôm giữ cuộc sống với khát vọng không cùng, và để rồi mãi mãi trôi lăn trong vòng sanh tử.

Vậy thì vô minh do đâu mà có? Khi hỏi như vậy, thì vô minh chính là bản thân của câu hỏi, vô minh chính là ý thức, là trạng thái suy tưởng và khả năng lý luận của chúng ta. Chúng ta đã từng biết rằng ý thức của chúng ta luôn luôn đều dựa vào các đối tượng của ngoại giới mà hiện hữu. Ý thức là ý thức của một cái gì, về một đối tượng nào, chứ không bao giờ ý thức suông. Bởi thế, ý thức tự nó không có thực thể, chỉ hoạt khởi theo đối tượng bên ngoài, do đó không bao giờ đạt được thực tại.

Sự suy luận nào cũng nằm trong phạm vi ý thức, nên chẳng có sự suy luận nào đạt đến chân lý. Càng suy luận, con người càng phiêu lưu lẫn quẩn trong sự ngu muội mà thôi.

Khi chúng ta đặt vấn đề nguyên nhân sơ thủy của vô minh, tức là chúng ta đã đăït vấn đề liên hệ thời gian. Nhưng thời gian là gì? Thời gian chẳng qua là một ý niệm, chỉ là sản phẩm của ý thức. Tất cả đều là giả huyễn, không có thực thể. Cho nên sống theo thời gian, sống theo sự ngụy tạo của ý thức thì chính là sống trong vô minh rồi đó. Khi đăït câu hỏi vô minh vì sao mà có, khi truy cứu vô minh bằng sự suy luận của tri thức, thì chính ngay lúc đó, chúng ta đang hụp lặn trong biển cả của vô minh.

Nỗi đau khổ và ngu muội của con người là sống bằng những ý niệm và bị những ý niệm vây phủ: nào không gian với thời gian, nào tốt với xấu, nào thiện với ác, nào hạnh phúc với đau khổ, nào hữu hạn với vô cùng... Chúng ta luôn sống trong những ý niệm nhị nguyên đó. Chính vì những ý niệm nhị nguyên đó, chúng ta không bao giờ trực nhận được thực tại, trái lại chỉ nhìn thực tại, bóp méo thực tại theo những quan niệm của chúng ta. Bên cạnh đẹp là đã có xấu, bên cạnh lớn là đã có nhỏ, bên cạnh tương đối là đã có tuyệt đối, bên cạnh quân tử là đã có tiểu nhân... Chúng ta đã không rơi về phía bên này thì cũng rơi về phía bên kia. Chúng ta đã không vượt ra ngoài những ý niệm nhị nguyên để trực nhận thực tại đã đành, trái lại, vì ôm giữ thế giới của nhị nguyên mà chúng ta sinh ra biến động đau khổ.

Chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi sự mê vọng của ý thức, sự phiêu lưu của suy luận, sự cố chấp của ý niệm, để đi thẳng vào trung tâm của thực tại, thì chính lúc đó, chúng ta đã bắt đầu tháo gỡ được dần màn lưới của vô minh. Tuy chỉ mới tháo gỡ được lớp vỏ bên ngoài, bởi vì còn bao nhiêu lớp vô minh sâu kín khác nữa, nhưng chúng ta cũng đã đủ hành lý để đi vào con đường thánh đạo rồi vậy.

Thường Hỷ Lê Niên

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét