Bài viết

Tiếp xúc với thực tại

6/07/2012 03:05:00 CH

Như chúng ta đã biết từ bài trước, tâm thức có thể chia làm: Tàng thức, Ý thức, Tiền ngũ thức và Mạt na thức. Tàng thức chúng ta có thể đi thẳng vào thực tại, chân như. Trong tàng thức của mỗi người đều có căn bản trí, căn bản trí có khả năng tiếp xúc trực tiếp với thực tại chính nó. Tàng thức có khả năng đi thẳng vào tất cả các hành nằm trong hữu phần thức. Tuy nhiên, khi một trong các giác quan của chúng ta tiếp xúc với một đối tượng nào, thông thường chúng ta dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ và chúng ta có cảm giác một là tham đắm, hai là chán ghét. Vì vậy chúng ta phân loại các sự vật, sự việc dựa trên những cái hộp đã có sẵn trong tàng thức.

Tri giác của chúng ta có khuynh hướng dựa trên những kinh nghiệm mà chúng ta có trước đó. Chúng ta đã gặp một vài chuyện trong quá khứ và chúng ta so sánh nó với những gì chúng ta đang gặp trong giây phút hiện tại. Chúng ta có cảm giác mình đã biết nó rồi. Chúng ta sơn phết lên nó những sắc màu đã có sẵn trong chúng ta. Vì vậy chúng ta ít tiếp xúc được với bản chất thực tại.

Chúng ta hãy tưởng tượng đến những con sò sống dưới đáy biển. Ánh sáng mà chúng ta thấy ở đây có thể chiếu rọi phần nào xuống đó. Thế nhưng những con sò không thấy được đại dương xanh. Con người chúng ta đang đi trên hành tinh này, khi nhìn lên chúng ta có thể thấy được những chòm sao, các vì tinh tú, thấy được mặt trăng, thấy được bầu trời xanh... và khi nhìn xuống chúng ta thấy được đại dương mênh mông. Chúng ta thấy chúng ta đang ở trên những con sò và có cảm giác chúng ta thấy được mọi thứ, nghe được mọi thứ. Nhưng thực tế chúng ta cũng là một loại sò. Chúng ta chỉ đi vào được một vùng rất giới hạn của chân như mà thôi.

Lý do ngăn cản không cho chúng ta tiếp xúc với thực tại là vô minh, atma avidya. Chúng ta không thấy rằng ngã chỉ được làm bằng những yếu tố vô ngã. Bởi vì chúng ta quá kẹt vào ý niệm ngã nên chúng ta có nhiều mặc cảm về chúng ta, chúng ta nghĩ rằng chúng ta hơn người này, thua người kia hoặc ngang bằng với người nọ. Chúng ta kẹt vào sự tự ái, kẹt vào những ảo ảnh do chính mạt na tạo ra rằng cái này là ta, là tự ngã của ta. Vì vậy mà thức mạt na có cái tên là “tình thức”.

Chính ‘tình thức’ với nhiều ảo tưởng và vô minh là nền tảng của sự vướng mắc. Tự ái làm cho chúng ta khó tiếp nhận thực tại một cách chính xác. Giả sử khi thương một người nào đó, chúng ta không thực sự thương người đó mà chúng ta chỉ tạo ra một hình ảnh và yêu cái hình ảnh đó. Đối tượng mà chúng ta thương không phải là thực tại của người đó. Nó là đới chất cảnh của thực tại mà không phải là thực tại. Khi chúng ta nhìn một ngọn núi, một vì sao, nhìn thủ đô Paris hay một người nào đó cũng vậy. Thông thường chúng ta chỉ làm việc với đới chất cảnh, samanya.

Thức mạt na sống trong thế giới của vô minh. Tuy nhiên, tiền ngũ thức, ý thức và tàng thức thì lại có khả năng tiếp xúc với thực tại. Điều này cần được luyện tập bởi vì nhiều người trong chúng ta đã đánh mất khả năng đó. Khi thực tập chánh niệm, chúng ta có thể phục hồi được khả năng tiếp xúc với chân như.

Tiền ngũ thức thường có khả năng tiếp xúc trực tiếp với thực tại. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân không dùng lối suy luận hay phân tích. Cách nhận thức trực tiếp này gọi là hiện lượng - pratyeksha pramana. Khi nhìn vào một đám mây, chúng ta không cần suy nghĩ hay biện luận gì cả. Chúng ta không cần suy tư, tính toán. Đơn giản chúng ta chỉ biết.

Ý thức cũng có thể tiếp xúc với thực tại qua suy luận, gọi là tỉ lượng -  mana pramana. Tâm chúng ta có thể dùng lối suy luận, tính toán, đo lường, phân tích, so sánh, lập luận lan man. Giả sử từ xa ta thấy khói bốc lên và bằng cách suy luận chúng ta biết rằng ở đó có lửa, bởi vì không có lửa thì sẽ không có khói.

Tuy nhiên, hiện lượng đôi khi cũng không đúng. Đôi lúc chúng ta tin chắc về những gì chúng ta nghe, chẳng hạn ta nghe tiếng một em bé đang khóc nhưng thực tế là một con mèo đang kêu. Bởi vì những định kiến và năm thức đầu có thể lường gạt chúng ta. Tỉ lượng cũng thế, cũng thường không đúng lắm.


Tàng Kinh Các - langmai.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét