Thưa thầy,
Khi một người đến nói với con rằng bạn ý mệt mỏi vì phải gánh trách nhiệm trong gia đình và chỉ muốn đi một nơi thật xa để rũ bỏ hết mọi thứ, bạn ý nhớ khoảng thời gian được sống một mình, tự do và không phải lo lắng cho ai cả. Con có chia sẻ với bạn rằng: thực ra, cái mà bạn đang gặp là sự không hài lòng, bất toại nguyện trong cuộc sống, bạn muốn rũ bỏ những khó khăn và muốn trốn vào một thời đã qua trong quá khứ (khi chưa bận bịu gia đình) hoặc đó chỉ là mơ ước ở tương lai, chứ còn hiện tại thì bạn vẫn cần phải đối diện với nó. Cứ từ từ làm từng bước một. Và con có nói với bạn rằng, tất cả khoảng thời gian bạn được sống vui vẻ mà bạn đã có, đều là do bố mẹ chu cấp cho. Giờ khi gia đình có chuyện thì cũng là cơ hội mình chia sẻ với mọi người. Con nói bạn nếu có điều kiện thì nghỉ ngơi một thời gian cho cân bằng, rồi thì lại tiếp tục...
Và bạn con nói là con không hiểu bạn ý, không đúng ý bạn cần, không đúng với hoàn cảnh bạn ý. Bạn ý chỉ cần con lắng nghe thôi chứ không cần phải chia sẻ gì hết.
Mặc dù con biết sự giúp đỡ lẫn nhau là tùy duyên, và con cũng không mong cầu kết quả rằng bạn con bắt buộc phải hiểu nhưng qua phản ứng của bạn, con cũng muốn nhận ra mình và có thể có những cách phù hợp hơn với bạn, nên con mong thầy chỉ giúp cho con. Con nghĩ đầu tiên là con chưa biết cách lắng nghe bạn. Có thể trong cách chia sẻ của con, nếu không phải là ngôn ngữ thì là giọng nói hoặc điều nào đó khiến bạn con không hài lòng? Sau đấy con nhớ đến nguyên lý "Vào rừng không dẫm cỏ, xuống nước sóng không xao". Thưa thầy, trong chia sẻ của con với bạn có điều gì chưa tốt đúng không ạ? Xin thầy mở lòng từ bi chỉ cho con cách con chia sẻ có thể có ý tốt hơn cho trường hợp của bạn con ạ?
Con xin tạ ơn thầy ạ!
Trả lời:
Một lời nói hoàn hảo có 5 yếu tố:
- Đúng sự thật,
- Có thiện ý,
- Cách nói khéo thuyết phục,
- Đúng lúc,
- Đúng chỗ.
Một sự kiện luôn có 3 phương diện đồng hiện hữu, đó là thời, vị và tính. Trong lời nói thì 3 yếu tố đầu là tính, yếu tố thứ 4 là thời, yếu tố thứ 5 là vị. Như vậy một lời nói có tính chân và thiện còn phải đạt được thời trung vị chính mới được. Sự hoàn hảo còn gọi là chân, thiện, mỹ. Yếu tố thứ nhất là chân, yếu tố thứ hai là thiện và 3 yếu tố sau là mỹ. Cách chia sẻ của con tuy có chân, thiện nhưng có thể là chưa được mỹ nên bạn con không những không chấp nhận mà có khi còn phản tác dụng nữa. Thực ra bạn con cũng biết lời con nói là đúng, nhưng đúng vào lúc đó thì bạn chỉ khổ thêm thôi.
Bạn con nói đúng. Lúc bạn ấy đau khổ con chỉ cần biết lắng nghe và cảm thông với nỗi niềm tâm sự của bạn để bạn cảm thấy có người hiểu mình và lặng lẽ sẻ chia với mình, nếu lúc đó con lặng lẽ ôm bạn vào lòng để cùng cảm nhận nỗi đau nhân thế thì bạn ấy sẽ vơi đi nỗi khổ biết bao. Khi bạn ấy trầm tĩnh lại và đã xem con là người bạn chân tình thì con mới nhẹ nhàng chia sẻ đạo lý. Giống như một người đang bệnh - lưỡi tê miệng đắng - thì con nên cho uống thuốc trị bệnh trước rồi mới cho thức ăn ngon bổ sau, vì lúc ấy người bệnh có ăn gì nổi đâu mà con cho cao lương mỹ vị. Chia sẻ cũng là một bài học về đạo lý tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha trong đối nhân xử thế mà con bắt đầu thấy ra còn khiếm khuyết gì đó nên mới hỏi thầy. Đúng lúc con có nhu cầu mà thầy nói ra sự thật thì con mới chấp nhận dễ dàng, phải không con?
0 Nhận xét