Chia sẻ

Phá chấp - cách học hỏi khôn khéo và thông minh

10/29/2012 11:28:00 SA

PHÁ CHẤP

Kinh Người Bắt Rắn không nhắm tới mục đích diễn bày cái hại của dục lạc, cũng không hẳn nhằm mục đích giảng giải các ý niệm về vô ngã, niết bàn và như lai, dù kinh có nói tới những ý niệm ấy. Mục đích chính của kinh là dạy về tinh thần phá chấp. Bụt dạy ta không nên bị kẹt vào bất cứ thứ gì, dù là kẹt vào giáo pháp. Vì vậy câu nói: “Pháp mà còn phải buông bỏ huống hồ những cái không phải Pháp” là tinh túy của kinh. Tinh thần và phương pháp phá chấp là một trong những nét đặc thù nhất của giáo lý đạo Bụt.

Phá chấp là đường lối học hỏi khôn khéo và thông minh nhất. Học hỏi là để thông hiểu mà không phải để chứa chất kiến thức. Kiến thức nếu không được sử dụng một cách khôn khéo sẽ trở thành những chướng ngại cho sự hiểu biết. Kiến thức nói theo danh từ Phật học là sở tri. Những chướng ngại do kiến thức tạo nên gọi là sở tri chướng. Tiếng Phạn Jneyavarana. Đó là những thành kiến cố chấp. Buông bỏ sở tri chướng, ta có thể tự do để vươn lên hiểu biết. Cũng như khi lên một cái thang, nếu ta không buông bỏ nấc thang thứ năm thì không thể nào leo lên được nấc thang thứ sáu. Cho nấc thang thứ năm là nấc cao nhất, đó là một sở tri chướng.

Kinh Bách Dụ có nói tới chuyện một người cha trẻ, tưởng con trai mình đã chết rồi, nên không mở cửa cho con vào khi đứa con tìm về nhà. Cơ sự xảy ra như sau: “Một hôm ông ta đi vắng, ăn cướp tràn vào xóm, cướp đốt nhà và bắt cóc trẻ em đi theo. Đứa con trai của anh ta cũng bị bắt. Khi về tới nhà, anh ta hoảng hốt. Thấy một cái thây trẻ con chết cháy trên đống tro của ngôi nhà cũ, anh tin ngay đó là xác con mình. Anh than khóc, làm lễ hỏa thiêu tử thi đó và thu lượm tro tàn bỏ vào một cái túi gấm, đi đâu cũng đem theo bên mình. Một đêm nọ, đứa con thoát được tay kẻ cướp, tìm về và gõ cửa. Người cha đang ôm túi tro, nước mắt đầm đìa, nhất định không chịu mở cửa, dù đứa con bên ngoài đã xưng tên và cho biết nó là con của anh ta. Anh ta nhất định không mở cửa vì tin rằng con mình đã chết và đứa trẻ đang gõ cửa kia chỉ là một đứa bé nghịch ngợm của hàng xóm. Cuối cùng đứa con phải bỏ ra đi và hai cha con vĩnh viễn xa nhau. Bụt kết luận: “Nếu ta bị kẹt vào một sở tri rồi và cho đó là chân lý, thì dù chân lý có tới gõ cửa ta cũng sẽ không chịu mở. Ta đã bị kẹt.”

IM LẶNG SẤM SÉT
Trong kinh Samyutta Nikaya, ta đọc câu chuyện của Vacchagotta tới tham vấn Bụt. Ông ta hỏi: “Sa môn Gotama xin ngài cho biết là có ngã hay không?” Bụt lặng thinh không đáp. Ông ta hỏi vài câu nữa, Bụt cũng lặng thinh. Sau đó Vacchagotta đứng dậy bỏ đi.

Ông ta đi rồi, thầy Ananda hỏi Bụt: “Thế Tôn, trong các buổi pháp thoại, Thế Tôn đã từng giảng dạy về đạo lý vô ngã. Thế thì tại sao hôm nay Thế Tôn không trả lời những câu hỏi về ngã của du sĩ Vacchagotta?” Bụt nói: “Đạo lý vô ngã mà tôi giảng dạy cho các vị khất sĩ là một pháp môn hướng dẫn thiền quán mà không phải là một chủ thuyết. Hiểu nó như một chủ thuyết, các vị có thể bị kẹt vào nó. Du sĩ Vacchagotta đi tìm một chủ thuyết chứ không phải đi tìm một giáo lý với mục đích thực tập. Vì vậy tôi đã im lặng. Tôi không muốn Vacchagotta kẹt vào một chủ thuyết. Nếu tôi nói có ngã, thì tôi đi ngược lại với giáo lý tôi đã dạy. Nếu tôi nói là không có ngã thì ông ta sẽ níu vào đấy để làm nên một chủ thuyết. Điều này không có lợi cho ông ta mà cũng không có lợi cho ai cả. Vì vậy cho nên tôi đã im lặng.”

Cái im lặng của Bụt là một thứ im lặng mà ta được thấy sau này trong kinh Duy Ma Cật. Chúng ta thường gọi thứ im lặng đó là im lặng sấm sét, một thứ im lặng hùng hồn và vang dội, có khả năng phá vỡ và giải phóng, không khác với tiếng gầm sư tử lớn “Pháp mà còn phải buông bỏ, huống hồ những gì không phải Pháp.” Ta phải hiểu kinh Người Bắt Rắn trong tinh thần này. Giới thứ nhất của dòng tu Tiếp Hiện là sự thể hiện tinh thần phá chấp này của đạo Bụt: “Không được thờ làm thần tượng của bất cứ một chủ nghĩa hoặc một lý thuyết nào, dù đó là những chủ nghĩa hay lý thuyết Phật giáo. Những hệ thống giáo lý trong đạo Bụt phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn tu tập mà không phải là những chân lý tuyệt đối để bảo vệ và thờ phụng.” Giáo lý mà được nhận thức thành chủ thuyết thì không còn là giáo lý nữa, và lúc ấy người học đã bị kẹt.

Trong một giới bản, giới không sát sanh thường được đưa ra hàng đầu. Giới không sát sanh tuy vậy chưa phải là một trong những yếu tố đặc thù nhất của đạo Bụt. Trong Kỳ Na giáo (Jaina) của du sĩ lõa thể Ni Liền tử (Nirgrantha) sự thực tập về hình thức của giới bất sát còn gắt gao hơn cả trong đạo Bụt. Nhưng dưới hình thức phá chấp, giới bất sát của đạo Bụt vượt hẳn trên giới bất sát của đạo lý Jaina. Khi đã bị kẹt vào một chủ thuyết hoặc một ý thức hệ người ta có thể đành tâm hy sinh hàng triệu nhân mạng để thực hiện cái chủ thuyết mà mình cho làm chân lý tuyệt đối, là con đường duy nhất có thể đem tới hạnh phúc cho nhân loại. Cầm một cây súng trong tay, ta có thể bắn chết một người hay năm, bảy người. Nhưng khi cầm một ý thức hệ hay một chủ thuyết trong tay, ta có thể giết hàng vạn người. Vậy cho nên giới bất sát nếu không được thực hiện trong tinh thần phá chấp thì chưa phải là giới bất sát hiểu theo chân nghĩa đạo Bụt.

Trích chú giải kinh Người Bắt Rắn - Thích Nhất Hạnh - langmai.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét