Để cho yên tâm, để đừng sợ hãi hư vô và đoạn diệt, con người cố bám víu vào một ý niệm về ngã. Đó là nhu yếu thông tục và phổ biến của con người. Con người, dù là những con người bận rộn nhất, cũng không tránh được những giây phút suy tư về sự có mặt của mình trên thế giới và trong cuộc đời. Con người có thể nghĩ đến cái chết của mình, cái chết bất thình lình hay cái chết trong mai hậu, rồi không biết rằng mình sẽ đi đâu, hoặc giả mình sẽ trở thành hư vô. Con người rất sợ hư vô, và con người có khuynh hướng bám víu vào sự tin tưởng nơi một thần ngã thường hằng và bất diệt, để tự trấn tỉnh mình. Có khi con người lại đi tìm những lý do để biện hộ cho sự có mặt của ngã. “Tôi tư duy tức là có tôi” (Je pense done je suis), câu nói ấy của triết gia Descartes để đủ chứng minh cho nhu yếu muôn thuở ấy của con người.
Vậy thì con người có khuynh hướng bám víu và tin tưởng vào một cái ngã. Cái ngã ấy, người ta phải đồng nhất với một cái gì, hoặc là thân thể, hoặc là cảm thọ, hoặc là tri giác, hoặc là tâm hành, hoặc là nhận thức, hoặc là thế giới. Tin rằng thế giới sẽ mãi mãi còn đó, thế giới là thần ngã, ta là thế giới, ta còn mãi với thời gian… là một hình thức bám víu vào ngã. Theo đạo Bụt, tất cả đều vô thường. Năm uẩn cũng như vậy mà thế giới cũng vậy. Đi tìm chỗ dựa cho một cái ngã thường tại là một việc làm không tưởng, giống như xây một tòa lâu đài bằng cát. Những tòa lâu đài đó sẽ sụp đổ, chóng hay muộn, và cuối cùng người ta cũng chỉ chuốc lấy sự lo lắng, mệt nhọc, than khóc, khổ đau và tuyệt vọng mà thôi. Chúng ta hãy đọc đoạn này trong kinh Người Bắt Rắn để thấy được nhược điểm ấy:
“Các vị khất sĩ! Các vị có nhận thức về năm uẩn và về cái ta như một cái gì thường trú, không biến dịch và không hoại diệt không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Có một cái gì mà ta tiếp nhận và nắm bắt với sự tham ái mà không gây ra lo lắng, mệt nhọc, than khóc, khổ đau và tuyệt vọng hay không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Quý vị có thấy chỗ tựa nào cho một ngã kiến mà không đem lại lo lắng, mệt nhọc, than khóc, khổ đau và tuyệt vọng không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.”
Chỗ tựa cho một ngã kiến tức là kiến y. Còn kiến y thì còn có nổi sợ hãi, khổ đau và thất vọng. Chi bằng ta hãy buông bỏ mọi kiến y. Tin tưởng vào một cái ngã thường tại là điều bấp bênh và nguy hiểm. Một ngày kia, vì một lý do nào đó mà mất đức tin ấy, ta sẽ rơi vào hố hoang mang và tuyệt vọng. Từ kiến chấp thường tại, ta đi sang hố thẳm của kiến chấp đoạn diệt và ta sẽ khổ đau và hoang mang không cùng. Đây là đoạn kinh văn nói về sự nguy khốn đó:
“Nghe đến đây một vị khất sĩ đứng dậy, trật vai áo bên phải ra, chắp tay hướng về Bụt bạch:
- Thế Tôn, có thể vì lý do nội tại mà có sự hoảng sợ lo buồn hay không?
Bụt dạy:
- Có thể. Nếu có kẻ nhận thức và nói như sau: “Cái ấy ngày xưa vốn không có, rồi trở nên có, mà bây giờ tôi lại không có.” Nhận thức như thế và nói như thế thì kẻ ấy có thể u sầu, than khóc và đấm ngực cho đến phải trở nên điên dại. Đó là sự hoảng sợ và lo buồn có lý do nội tại.”
Cái ấy tức là cái ngã. Ngày xưa khi mẹ tôi chưa sinh ra tôi thì tôi chưa có. Mẹ tôi sinh ra tôi rồi, tự nhiên tôi có. Tôi đã tưởng rằng tôi có. Ấy vậy mà hôm nay tôi lại thấy rằng tôi không có. Tôi chỉ là hư vô, tôi không là cái gì cả.
Đó là từ kiến chấp hữu đi sang kiến chấp vô, từ kiến chấp thường chuyển sang kiến chấp đoạn. Những luận chấp hữu và vô, thường và đoạn, theo đạo Bụt, đều là biên kiến (vues extremes). Cái thấy của Bụt vượt khỏi những biên kiến ấy mà an trú ở trung đạo, không hữu cũng không vô, không thường cũng không đoạn.
Cái ấy tức là cái ngã mà người ta bám víu vào.
Cái ấy có thể là niềm tin nơi một thần linh hoặc nơi một thiên đường. Khi chưa có niềm tin, ta có thể hoang mang. Khi đã có niềm tin, ta có thể có sự an tâm, vì ta đã bám víu vào niềm tin ấy. Và ta bám với sự lo sợ hoặc tâm tham ái. Nếu một ngày kia vì lý do nào đó, đi ngang qua một đêm trắng và mất niềm tin đó thì ta sẽ đau khổ vô cùng. Ta sẽ “ưu sầu, than khóc, và đấm ngực đến nổi phải trở thành điên dại.” Lời Bụt nói rất rõ ràng: “Có một cái gì đó mà ta tiếp nhận và nắm bắt với sự tham ái mà lại không gây ra lo lắng, mệt nhọc, than khóc, khổ đau và tuyệt vọng hay không?”
Trích chú giải kinh Người Bắt Rắn - Thích Nhất Hạnh - langmai.org
0 Nhận xét