­
Bài viết

Hai tổ chim ri đá...

11/23/2012 02:28:00 CH


Không biết từ bao giờ, cây nhãn già bao năm không ra quả trước nhà bà lão hàng xóm của tôi bỗng trở thành nơi ở lý tưởng cho lũ chim, đặc biệt là những chú chim ri. Loài chim này rất nhát người, hiếm khi chúng làm tổ gần nơi người ở. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao chúng lại chọn cây nhãn già quanh năm xanh lá ấy làm tổ, nhưng có vẻ chúng rất thích thú nơi này. Tôi còn thường xuyên thấy chúng xà xuống sân mổ những hạt gạo do bà rắc cho chúng. Nhìn khuôn mặt hứng khởi của bà khi thấy lũ chim ríu rít nhặt từng hạt gạo mà lòng tôi bỗng quặn thắt. Một mình cô đơn trong ngôi nhà nhỏ, với bà, đàn chim ri đã trở thành những người bạn thân thiết của tuổi già...

 *  *  *

Tôi nhớ có lần bà rất lo lắng cả ngày ngồi ngóng lên vòm cây xanh lá. Thỉnh thoảng bà lại chạy vào nhà lấy gạo rắc xuống sân cho chim ăn. Ngỡ bà bị lẩm cẩm, tôi hỏi thì bà kể “Con không biết đấy thôi ! Trên cây nhà bà có hai tổ chim ri đá cùng nở một ngày, Bà quan sát mấy hôm đầu có hai com chim xuống sân nhặt gạo. Lũ chim con thì kêu đói cả ngày. Bà nghi có chuyện chẳng lành, hỏi ra mới biết, lúc bà đi chợ vắng bọn trẻ đánh bẫy mất một đôi chim rồi ! bà lo lắng không biết lũ chim con kia sẽ ra sao ? Bà ra gốc cây ngóng lên trông lũ chim con ra làm sa. Tình cờ bà nhận ra đôi chim ri còn lại. Mỗi con chui vào một tổ mớm mồi cho lũ chim con đang nháo nhác vì đói. Thương lũ chim con, thương đôi chim nhỏ, bà bắc thang lên cây dịnh đem một tổ xuống nuôi , thì đôi chim kia cứ kêu gào thảm thiết… thấy chúng vất vả bay đi kiếm ăn, bà rắc gạo ra sân rồi ngồi canh. Ngộ nhỡ bọn trẻ con lại đến phá …” Vừa kể nước mắt bà lăn dài trên đôi gò má gầy nhăn nheo. Nhìn đôi chim nhỏ  bay lên bay xuống khoảng sân nhỏ , tất bật không ngừng nghỉ giữa trời nắng chang chang, bất chợt nước mắt tôi cũng chảy dài…

 *  *  *

Cuộc đời bà rất vất vả. Chồng mất sớm khi tuổi đời còn rất trẻ. Bà ở vậy, thắt lưng buộc bụng, một nách nuôi hai đứa con nhỏ dại vắt mũi còn chưa sạch.Tưởng như vậy đã là gánh nặng cho đôi vai gầy, vậy mà… Sự nhân từ của một người mẹ, lòng trắc ẩn của người phụ nữ đã đưa đứa trẻ lang thang ở xó chợ về làm con nuôi của bà. Thời gian trôi qua, ba đứa trẻ ngày đã lớn, người mẹ ngày một gầy đi. Đến khi cả ba tốt nghiệp, đi làm rồi lập gia đình, cũng là lúc người mẹ đã vắt kiệt sức mình. Mái tóc xanh ngày nào đã bạc. Khuôn mặt trái soan ngày nào còn xinh tươi đã đầy những nếp nhăn. Và đôi mắt cũng đã mờ đục, tấm lưng đã còng rạp xuống …

 *  *  *

Cha mẹ tôi mất sớm. May mắn cho tôi là khi cha mẹ mất cũng là lúc tôi đã đủ lông đủ cánh để có thể tự bay lượn. Mặc dầu không muốn bay xa , tôi vẫn muốn được ngày đêm quấn quýt bên cha mẹ, Nhưng dường như cái nguyên lý Khổ đã tạo ra quy luật của sự bất xứng ý bên cạnh sự trêu ngươi. Nó không chịu để bất cứ ai đầy đủ, bất cứ ai thỏa mãn. Nó luôn muốn con người ta phải thiếu để phải kiếm tìm, để phải quay quắt. Tôi muốn được ở bên cha mẹ để có thễ ngày đêm săn sóc thì lại không còn cha mẹ nữa. Người mẹ già kia muốn những đứa con mình ở lại bên mình vui vầy thì chúng lại bỏ bà đi không một lần quay lại. Và cái nguyên lý ấy cũng không chịu dừng cuộc chơi của mình. Nó khéo trêu ngươi để cho một đứa con mất cha mẹ ở bên một người mẹ bị con cái bỏ rơi. Nó còn cay nghiệt hơn khi để lủ chim ri đá chọn cây nhãn già quanh năm không có quả của bà lão làm ngôi nhà an toàn, để bọn trẻ con bắt mất một đôi chim bố mẹ đang nuôi đàn con nhỏ, để đôi chim bố mẹ còn lại động lòng trắc ẩn mà dốc sức nuôi đàn con mất bố mẹ. Nó để cho bà lão chứng kiến cảnh ấy để mà xót thương. Nó để cho tôi thấy cảnh ấy để mà lòng quặn thắt...

 *  *  *

Đã có lúc, nhìn lên tổ chim trên cây, nhìn bà lão, nhìn lại mình, tôi thầm mong bà lão hàng xóm là mẹ mình. Tôi thầm mong mỗi khi đi làm về có một mẹ già như bà để hai mẹ con cùng quây quần bên nhau. Để bà có con. Để tôi có mẹ.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 137 | HOA SẦU ĐÔNG

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét