Chia sẻ

Em có thể là gì của ngày mai?

12/04/2012 10:36:00 SA

T. mến,
Đọc thư bạn viết cho các chị, tự nhiên không hiểu sao mình bỗng thích viết thư trao đổi tâm tình với bạn. Hồi ở Huế, bọn mình thường đi chùa học đạo với nhau, nhưng ít khi có dịp ngồi lại mạn đàm một cách hoàn toàn cởi mở, nên tuy là bạn bè đồng đạo mà thực ra đâu có hiểu nhau nhiều, phải không T. ?

Bây giờ mình đã xuất gia, bạn là cư sĩ, tuy mỗi người một ngả, nhưng biết đâu chính vì thế mà chúng ta lại gần gũi nhau hơn, nếu như chúng ta trao đổi qua thư từ những kinh nghiệm tu học để “ kiến hòa đồng giải ” ?

T. mến, trong thư gửi các chị, T. viết “ Em có thể là gì của ngày mai ? Ánh nến tuổi thơ ? Bình minh ư ? Trăng xanh ? Vòng nguyệt quế ? Hay chỉ là một nhánh hoa dại xao xác trước gió heo may ? Em lắm lúc muốn biến mình nhỏ lại…”.

Ngày mai ? Quả đúng ngày mai là sự thách thức lớn lao mà hầu như thế giới loài người đang đối mặt. Khắp nơi trên trái đất, từ Đông sang Tây, từ Âu qua Á, hình như đâu đâu cũng vang lên câu hỏi “ Que sera sera? ”, “ What will be will be ? ” hay “ Thùy tri minh thiên thị thậm ma ? ” với tâm trạng hoài nghi, hy vọng, hay đôi khi e dè, sợ hãi. Nhưng nào ai biết được có bao giờ câu hỏi được trả lời, hay tương lai muôn đời vẫn là lời thách thức nghiệt ngã, như nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã nói :
Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thầm rơi
Chiều nay bỗng dấu than buông dứt
Đinh đóng vào săng tiếng trả lời !

Không biết như vậy có bi quan lắm chăng, nhưng oái oăm thay đó chính là sự thật không thể nào chối cãi được. Thế mà mình đi tu cũng vì nghĩ đến ngày mai, bạn xây dựng cuộc sống cũng vì ngày mai của bạn. Nhưng dù chúng ta nhìn ngày mai với cái nhìn bi quan hay lạc quan, hy vọng hay vô vọng, thì tương lai vẫn là cái gì chưa đến, hay chỉ là “ giấc mơ của người đang thức ” như Prior đã nói mà thôi.

Nghĩ đến tương lai chính là ý thức khát sống. Người ta cho rằng không có ý chí khát sống thì không thể nào sống được. Nhưng Nietzsche lại khẳng định rằng : " Kẻ nào tuyên bố về ý chí khát sống là kẻ chắc chắn chưa chạm mặt với chân lý. Ý chí khát sống không thực sự hiện hữu. Bởi vì cái gì không hiện hữu thì không thể ước ao hiện hữu, còn cái gì đang hiện hữu thì làm thế nào mà lại ước ao hiện hữu nữa ". Quả thật là một phi lý chí lý, phải không bạn ?.

Và bạn có đồng ý với mình rằng tương lai dù là vinh quang của vòng nguyệt quế hay chỉ giản dị là nhánh hoa dại tầm thường thì đó cũng chỉ là ảo ảnh mộng mơ ? Người hướng về tương lai hay tiếc thương quá khứ chỉ thấy toàn bộ cuộc đời qua huyễn cảnh mơ hồ, và khi đó ngay cả thực tại cũng trở nên “ mờ mờ sương khói ” trong ánh mắt hun hút xa xăm.

Bởi thế khi người ta lo loay hoay nắm bắt tương lai hay ôm giữ quá khứ thì đồng thời người ta cũng quên đi chỗ đứng dưới chân mình, mà có hay đâu “ Hôm qua chỉ là giấc mộng và ngày mai nào ai biết sẽ ra sao ”.

Một học giả đến tham vấn vị thiền sư, hỏi :
-  Thưa Ngài, tương lai nhân loại sẽ ra sao ?
Vị thiền sư ôn tồn nói :
-  Hãy cẩn thận anh bạn, anh đang đứng trên ổ kiến đấy.
Nhà học giả hốt hoảng la lên : “ í dà ’ và nhìn xuống thì thấy kiến lửa đã bò đầy chân !

Có lẽ vì người ta sống nhiều với mộng mơ hơn thực tại nên thiền gọi đó là  “ mộng tử túy sinh ” chăng ? Vâng, có lẽ đúng thế vì chúng ta đang nằm mơ để rồi biến cuộc đời thành ảo mộng. Ngay cả những người theo chủ nghĩa hiện thực nhất cũng đang cặm cụi biến tương lai thành hiện thực. Nhưng nghịch lý thay, ngay khi họ cố gắng biến tương lai thành hiện thực thì họ lại chẳng hưởng được chút cháo nào nơi chính hiện thực đang là ! Vậy ra họ cũng chỉ là những kẻ thả mồi bắt bóng, chẳng hiện thực chút nào, phải không T. ?

Tương lai bao giờ cũng đi kèm với cái “ tôi tư tưởng ”, “ tôi sẽ là ”, “ tôi phải  là ”, hoặc “ ước gì tôi sẽ được …”,  “ mong sao tôi sẽ không… ”. Nhưng tất cả ý tưởng đó đều được Đức Phật gọi là “ tư niệm pháp không cần phải tư niệm ”.

“ Này các tỳ kheo, thế nào là các pháp không cần phải tư niệm mà vị ấy tư niệm ?
… Vị ấy bất chánh tư niệm như sau : Ta có mặt trong quá khứ hay không có mặt trong quá khứ ? Ta có mặt trong quá khứ như thế nào, hình vóc ra sao ? Trước kia ta là gì ?... Ta có mặt trong tương lai hay không có mặt trong tương lai ? Ta có mặt trong tương lai như thế nào, hình vóc ra sao ? Tương lai ta sẽ là gì ?..cDo các pháp ấy mà dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng ” ( Majjhima Nikaya ).

Vậy nghĩ về tương lai chính là bám víu “ sinh y ” là mong ước trở thành, là khởi đầu sinh tử (jatisambhava), là tiếp diễn luân hồi (jati samsara). Nhưng một khi đã trở thành (bhava) thì dù trở thành cái gì, tốt hay xấu, sang hay hèn, siêu phàm hay dung tục… thì cũng chỉ là  một bộ mặt son phấn khác của bản ngã mà thôi.

T. mến, có bao giờ chúng ta từ bỏ cái phóng ngã lăng xăng đó để thật sự  quay về với thực tại phi thời gian không ? Có bao giờ chúng ta tận mặt nhìn vào chính tự thể đang là để thể nghiệm sự sống trọn vẹn bằng cả thể xác lẫn tâm hồn không ?

Nhưng quay về với thực tại không phải là chấp nhận số mệnh như nó đã được an bày. Thực tại không phải là chỗ để nắm bắt hay dừng chân. Thực tại là một sự kiện diễn biến sống động không ngừng, kẻ nào dừng lại là lập tức bị đắm chìm vào quá khứ, nhưng kẻ nào toan vượt qua nó thì cũng liền bị cuốn phăng vào giấc mơ vô định của ngày mai.

Quay về với thực tại cũng không phải là chủ nghĩa hiện sinh hay chủ nghĩa thực dụng chỉ biết có ngày hôm nay với một thể xác đắm say hưởng thụ, vô hồn.

Thực tại tuy mong manh nhưng vốn tròn đầy Chân Mỹ Thiện, đó chính là “ mùa màng phong phú mà không mấy ai biết gặt ” như Chúa đã nói. Sở dĩ người ta không hân thưởng được ân sủng của thực tại vì quá xem thường nó hoặc vì quá say mê đắm chìm trong nó.

Muốn sống với thực tại thì chúng ta cần phải biết chết đi một cách hoàn toàn với nó, như Krishnamurti đã nói : “ người hành đạo được ngày nào là đã chết đi trong ngày đó, chết với những ký ức dĩ vãng, chết với những ảo vọng tương lai, chết với những ưu phiền hiện tại, chết với tất cả điều nhơ nhớp trong tâm… nhưng nếu chúng ta có thể chấm dứt tất cả mọi điều do tư tưởng tạo dựng trong ta - thực sự chết… thì ta sẽ có một sự sống mới mẻ hoàn toàn… Vì ngay khi ta học biết cái chết là cái chết liền tự nhiên vong  bặt ”.

Trong thực tại hiện tiền, cái chết cái sống, nỗi khổ niềm vui, thành công thất bại v.v… đều là vẻ đẹp muôn đời của sự sống. thế thì chúng ta có thể nào sống trọn vẹn với thực tại đang là được không ? Đó là câu hỏi mà hàng ngàn năm trước Lão Tử đã từng nêu lên : “ Doanh phách bảo nhất năng vô ly hồ ? ”.

Ngay khi tâm trí chúng ta đang lao xao, chúng ta không hiểu biết một tí gì về tính chất lao xao của nó, và chúng ta không thực sự cảm thông mà chỉ đòi chấm dứt nó, hoặc kiếm tìm một trạng thái an tĩnh đối nghịch. Thế là tự mình đẩy mình vào một bãi chiến trường xâu xé, tự mình phân đôi một mất một còn cho đến khi hoàn toàn kiệt lực, và cuối cùng còn lại gì ngoài việc than khóc, đau thương và phiền muộn.

Nhưng nếu chúng ta sống trọn vẹn với tâm trí lao xao ấy trong niềm cảm thông trong sáng và nhiệt tình thì ngay lập tức không cần tìm kiếm. trí tuệ, tình yêu và niềm an lạc vẫn tuôn trào bất tuyệt.

Bạn ơi, vẻ đẹp của đất trời chỉ thoáng qua trong từng sát na sinh diệt, nhưng nếu ai đủ trầm tĩnh và sáng suốt để “ nhập triền thùy thủ ” thì lại có thể “ uống trọn nước sông Trường giang trong một hớp ” mà vẫn không làm xao động một gợn sóng nào.

Nói thế nghe rùng rợn quá phải không bạn, nhưng ơ kìa, bên ngoài cửa sổ một đóa mai vàng vừa mới nở. Mùa xuân đã đến rồi, mình chúc bạn một nụ cười đầu xuân bạn nhé.

Thân thương.
Bạn.

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét