Bài viết

Những gì tôi đã học được ở thầy Bổn sư

4/02/2013 09:56:00 SA


Gia đình tôi vốn theo Phật giáo và anh chị em chúng  tôi đã từng sinh hoạt trong tổ chức Gia đình Phật tử từ bé, nhưng  mãi đến  ngoài  sáu  mươi, tôi  mới nghĩ  đến chuyện quy y, trong khi mọi người trong gia đình ai cũng đều đã có một pháp danh cả. Tôi vẫn thường nghĩ, ấy cũng vì cái duyên chưa đến.

Một lần, chuyện trò với một vị Thượng tọa; vị này hỏi vì sao tôi chưa quy y. Tôi trả lời, có lẽ vì chưa gặp một vị tu hành nào mà tôi nghĩ là có duyên với tôi. Vị Thượng tọa cười: “Đạo hữu quy y là quy y Tam bảo, chứ đâu phải quy y cá nhân một vị tăng nào mà phải phục hay không phục. Tìm ra cho được như thế cũng không phải dễ lắm đâu”. Tôi thì vẫn nghĩ trong lòng, ít nhất phải có một vị cao tăng nào đó khai thị cho tôi thì may ra tôi mới chấp nhận chuyện quy y.

Mãi cho đến một hôm, tôi tình cờ gặp một vị tăng sĩ đang đi với nhiều người quen thân. Được giới thiệu như là một người mà thầy đã biết về gia đình, tôi kính cẩn chào thầy. Thầy nở một nụ cười, trả lời bằng vài câu thăm hỏi. Chỉ một nụ cười thật nhẹ nhàng giản dị mà sao bỗng dưng tôi cảm thấy vô cùng thoải mái trong lòng. Thực ra tôi cũng đã có nghe về Thầy rất nhiều, là một vị chân tu, rất trí tuệ. Nhưng chỉ là những điều nghe thấy và tôi cũng chưa có thời gian và cơ hội tiếp xúc để hiểu Thầy nhiều hơn. Vậy mà hôm đó, chỉ một nụ cười bỗng nhiên lại làm tôi tưởng như đã hiểu, đã gần gũi Thầy rất nhiều, nghĩ thấy cũng lạ. Sau đó thỉnh thoảng  tôi cũng có dịp gặp và nghe Thầy nói chuyện. Tuy vậy, tôi vẫn chưa nghĩ đến chuyện quy y Tam bảo qua một vị tăng nào.

Cũng phải đến năm sáu năm sau, một hôm lên chùa thăm  Thầy. Trong lòng thư thái, bỗng  nhiên  tôi nảy sinh ý muốn quy y Tam bảo qua Thầy, và tôi ngỏ ý. Thầy cười: “Được, ngày mai anh lên dùng  cơm với tôi”. Thế là ngày hôm sau, tôi được Thầy cho một bữa cơm trưa. Chỉ có hai thầy trò, và Thầy cho biết bữa cơm đó cũng đặc biệt vì do một  người khác nấu. Thường thường Thầy chỉ dùng  cơm của “chúng” trong  chùa, rất đạm bạc, nếu không nói là khổ cực. Hôm ấy tôi cũng không hiểu ai đã nấu bữa cho Thầy để mời tôi có vẻ rất thịnh soạn. Bây giờ tôi cũng không nhớ đã hầu Thầy chuyện gì trong bữa ăn đó. Khi xong bữa, tôi hỏi: “Thưa thầy, chừng nào thầy cho con làm lễ?” Thầy cười: “Lễ gì nữa, thế là xong rồi đấy”, và chỉ tuần sau là tôi nhận được một pháp danh. Một cái tên mới, một chút thay đổi mới trong cuộc đời đã luống tuổi của tôi. Cách tiếp nhận một đệ tử như thế cũng là một tính cách của Thầy.

Sau đó, dù không ở cùng thành  phố, tôi vẫn thỉnh thoảng  gặp Thầy, nhất là những  lúc có những  vấn đề tâm linh cần đến thầy, hoặc muốn giới thiệu với Thầy những bạn bè cần xin thầy khai thị.

Thầy của tôi không có chùa riêng, cũng không làm trụ trì một ngôi chùa nào. Thầy tá túc trong ngôi chùa tổ. Thầy không có tài sản. Tài sản của Thầy chỉ là một đống sách vở để viết lách, nghiên cứu giáo lý nhà Phật. Tài sản của Thầy là một khối óc thông minh đầy những từ bi và trí tuệ  sẵn sàng khai thị cho những  Phật tử đang  còn những  vấn đề vướng bận với cuộc đời tục lụy. Phật tử đến  thăm,  cúng  dường  Thầy, Thầy nhận bên tay phải, và chỉ trong thoáng  chốc, tay trái đã trao lại cho một người nào đó đang  cần sự giúp đỡ. Thầy thường nói, ngoài việc cúng dường Tam bảo, việc cúng dường cho cá nhân Tăng Ni chỉ là việc biểu lộ tình cảm của người Phật tử, nên chừng mực mà thôi.

Có lần Thầy kể chuyện đi gặp các vị lãnh tụ của những tôn giáo khác, nhân một cuộc giao lưu về tôn giáo ở một quốc gia tận bên Trung Đông. Trong cuộc gặp gỡ ấy, Thầy được xem như là một nhà lãnh đạo tôn giáo có uy tín, có khả năng thuyết  phục rất cao. Thầy kể về chuyến đi và nói: “Lúc họ nói chuyện với tôi, họ gọi tôi là Ngài”. Vừa nói, Thầy vừa đánh tay vào đùi, cười ha hả, rất sảng khoái. Đại diện cho Phật giáo, đi hội họp với những lãnh tụ tôn giáo khác trên thế giới, người ta gọi thầy là Ngài cũng là chuyện bình thường. Có thể cũng có những vị khác khi được gọi là Ngài thì họ sẽ sửa lại bộ điệu dáng ngồi một chút cho hợp với chữ Ngài cao quý, đàng nầy, Thầy lại kể như một chuyện vui cười. Thế có nghĩa là chữ Ngài tôn vinh của người khác chỉ mới lảng vảng đâu đó bên ngoài, không chạm vào bên trong của Thầy.

Hồi còn đi học bên Mỹ, lúc còn trẻ, đâu có mặc áo cà sa, lại phải ở chung với bạn bè sinh viên trai gái. Thầy kể lại bản thân đã phải đấu tranh quyết liệt trong thời gian đầu để khẳng định mình có thể vượt qua những cám dỗ của tục lụy đời thường  hay không. Thầy tâm sự, nếu trong vài tháng đầu mà không vượt qua được những  khó khăn về tinh thần, thì chắc chắn Thầy sẽ quay về. Và cuối cùng, Thầy đã giữ được đạo hạnh để tiếp tục con đường tu tập.

Ngồi với Thầy, tôi luôn luôn cảm thấy thoải mái và gần gũi. Không có cái khoảng  cách trang nghiêm  của một vị Hòa thượng  với một người đời thường. Không có cái khoảng cách của sư phụ và đệ tử. Bạn bè được tôi đem đến gặp Thầy cũng đều thấy thoải mái khi ngồi với Thầy, nghe thầy nói chuyện. Không bao giờ nghe Thầy bắt đầu bằng “Phật dạy rằng… hay “ các anh chị phải”… Thầy chỉ nói toàn chuyện xã hội, chuyện kiếm hiệp, chuyện tình yêu, chuyện thời sự. Nhưng xen vào đó là những khai thị cho người nghe bằng tư tưởng Phật giáo trong những chuyện đời thường rất tình cờ, khiến người nghe thấy dễ thấm nhuần một cách tự nhiên. Thầy có thể nói chuyện để khai thị cho bất cứ một Phật tử nào đến với Thầy, từ người không biết nhiều về Phật pháp đến người có một trình độ cao hơn. Có một doanh nhân hỏi Thầy làm thế nào để có thể sống trong thực tại. Thầy cười: “Không phải dễ dàng đâu. Nếu là người tu hành, thì cố gắng tìm cái phút sống thực tại hàng ngày, từng giây phút bằng cái tâm chuyên tu của mình. Các anh chị có công việc để thực hiện thì thực tại của anh chị nằm trong công việc đó. Nếu có một dự án phải hoàn thành  trong một thời gian nào đó thì thực tại của anh chị là khoảng thời gian đó. Giả thử như anh chị có một công việc phải lo suốt đời, không thể dừng được thì đó là cái nghiệp của mình, phải lo âu suốt cả cuộc đời, không bao giờ có thể thân tâm an lạc”. Từ đó, tôi nghe và hiểu ra chữ buông  của nhà Phật. Buông được thì tự giải thoát được. Nói về chuyện làm từ thiện, thầy bảo: “Làm được việc từ thiện, trí tuệ sẽ phát triển”. Mới nghe thì có vẻ hơi là lạ, nhưng Thầy giải thích: “Có tâm làm từ thiện nghĩa là có nghĩ đến người khác. Lấy bớt của cải của mình chia sẻ cho người khác, nghĩa là mình không quá tham quý vật chất. Như thế, trong lòng sẽ thoáng  hơn, và ngay trong việc tính toán để làm kinh doanh, sẽ sáng suốt hơn, không bị những chi li cản trở”.

Lúc nào cũng thấy Thầy tôi bận rộn, từ việc đạo đến việc đời, vì Thầy còn giữ một chức vụ trong  hệ thống chính trị nhà nước, để bảo vệ, duy trì quyền lợi của Phật giáo và phát triển Phật giáo, nhất là trong lãnh vực giáo dục. Ngoài ra, Thầy lo việc viết sách, dịch kinh. Vì còn phải làm việc đời, nên thấy Thầy thường  gặp những  vấn đề khó khăn về tinh thần. Đôi khi còn phải tiến thoái lưỡng nan. Đôi khi còn phải chịu một chút điều tiếng của dư luận. Tu cho bản thân thì dễ. Xả thân cho đạo pháp thì khó khăn trăm bề. Tuy nhiên, có một điều Thầy đã dạy tôi, mà tôi nghĩ đó chính là lối thoát cũng như cách giải quyết những vấn đề của Thầy trong tất cả mọi tình huống. Đó là bốn chữ Từ Bi và Trí Tuệ. Không bao giờ nhìn sự việc một cách phiến diện cả, mà phải nhìn bằng hai con mắt, một là từ bi, một là trí tuệ thì mới nhận thức rõ vấn đề.

Tôi đã học được từ Thầy cái nguyên  tắc ấy, nên tôi luôn luôn an lòng về Thầy. Không đối phó, mà chỉ tìm cách để giải quyết.

Sư phụ tôi hiện đang ở tuổi cổ lai ly. Thầy vẫn mong sớm được rời bỏ việc công để có thể trở về với công trình viết lách, dịch thuật  và nghiên  cứu thêm  kinh sách. Tôi vẫn mong Thầy vẫn còn nhiều sức khỏe và thời gian. ■

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 146 | NGUYÊN  TRÍ  HOÀNG  TÁ  THÍCH

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét