Chia sẻ

Ý Phật & Ý Chúa

7/16/2013 09:10:00 SA

Đức Tâm con,
Con nói đúng, sau khi giác ngộ chân lý, các vị Giáo Chủ chỉ muốn trình bày cho mọi người thấy và sống với chân lý đó để thoát khỏi khổ đau – do bản ngã chủ quan tham lam mê muội của mỗi người gây ra cho chính mình và người khác. Nhưng về sau, những người theo các vị Giáo Chủ ấy tự củng cố và hình thành các tổ chức tôn giáo, rồi tự khoanh vùng trong niềm tin và giáo lý của tôn giáo mình. Giáo lý là ngón tay (phương tiện ngôn ngữ) chỉ mặt trăng (cứu cánh chân lý). Nếu chấp vào phương tiện ngôn ngữ thì không những không thấy được chân lý rốt ráo mà còn vô tình phản lại bậc Đạo Sư của mình. Để thầy kể cho con nghe một chuyện vi tiếu:

Có hai cậu sinh viên ra Bắc học chung một lớp. Cậu A người miền Trung, cậu B người miền Nam. Học xong tiết đầu hai cậu rủ nhau ra phố mua chút gì ăn sáng. A hỏi B mua gì, B nói củ mì. B hỏi lại, A nói củ sắn. Nhưng khi ra phố hai cậu lại cùng mua một thứ củ như nhau. A ngạc nhiên nói: “Răng mi mua củ sắn?” B cũng chưng hửng hỏi lại: “Sao mày mua củ mì?” Mãi lo cãi nhau củ mì củ sắn, hai cậu quên cả thưởng thức món ăn, quên luôn giờ học đã trễ!

Lạ thật, củ mì củ sắn chính là một chứ có khác gì nhau, chỉ là tên thường gọi của từng vùng miền! Cãi nhau như vậy chẳng phải là ấu trĩ lắm sao? Ở đời khái niệm bất đồng, ngôn ngữ bất đồng, tư tưởng bất đồng, chủ nghĩa bất đồng, triết thuyết bất đồng, tôn giáo bất đồng, chính trị bất đồng, vân vân và vân vân… lại phát xuất từ những thực thể hoàn toàn đồng nhất! Vì vậy, thầy gọi đó là “hiệu ứng củ mì củ sắn”!

Trong cuốn Thực Tại Hiện Tiền I thầy có viết: “Người nào còn phân biệt Tông phái (hoặc Tôn giáo) là chưa thấy Chân Lý”, đơn giản chỉ vì còn chấp ngôn từ là chưa thấy, đã thấy thì không chấp ngôn từ - "Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” (Lão Tử). Ngôn từ chỉ là quy ước để diễn đạt hay phát biểu những khái niệm. Có khi là khái niệm về một thực kiện, có khi là một ý tưởng giả lập không có thực, chỉ để tiện dụng (như tên gọi một vật thì không phải là vật đó)... Vì vậy, chỉ y cứ trên ngôn từ mà không thấy thực kiện, hoặc không biết đó chỉ là phương tiện giả định không thực thì sẽ không tránh khỏi tranh luận củ mì củ sắn! Nếu đã thấy sự thật thì dù ai có nói nhiều cách khác nhau về sự thật đó thì người ấy vẫn thấy đúng. Ví dụ, người không biết Huế khi nghe người này nói Huế có sông Hương, người kia nói Huế có núi Ngự v.v... thì chẳng biết ai nói đúng nói sai, nên thấy người khác cứ gật đầu khen đúng, liền cho đó là hạng người ba phải! Vậy quan trọng không phải là nói gì mà là có thật sự thấy sự thật hay không.

Đơn cử Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Chữ giáo nguyên có nghĩa là lời dạy - khải thị sự thật mà các Ngài đã thấy để đem lại lợi lạc quần sinh, thì về sau đã trở thành hình thức tổ chức giáo hội, có truyền thống riêng, có cả giáo quyền nữa. Và từ đó, bên cạnh lợi lạc quần sinh thì cũng đã đem lại không ít ràng buộc, áp đặt, chia rẽ và khổ đau cho nhân loại. Thậm chí nhiều tôn giáo đã hủ hóa thành những tín ngưỡng phát triển quyền lực và mê tín nếu không muốn nói là cuồng tín. Mặt khác, giới triết gia, luận gia lại thích triển khai giáo lý uyên nguyên của Phật, của Chúa thành những hệ thống triết học, thần học - nặng luận lý học hoặc siêu hình học, để củng cố chủ thuyết của riêng mình.

Do đó, từ lời dạy thuần khiết của đức Phật Gotama, về sau đã chia thành Phật Giáo Nguyên Thủy, Tiểu Thừa và Đại Thừa. Nguyên Thủy chia ra ba thời kỳ: Thời kỳ chưa kết tập Tam Tạng, thời kỳ kết tập Tam Tạng, thời kỳ chú giải Tam Tạng; chưa kể về sau hình thành cả tổ chức Tăng đoàn, giáo hội nữa. Tiểu Thừa chia thành không dưới 18 tông phái, Đại Thừa ít nhất cũng có trên 10 tông môn tự gọi là biệt truyền…

Cũng vậy, từ lời dạy tâm huyết của đức Chúa Jesus, lúc đầu được nhiều vị tông đồ thuật lại, chỉ sai khác đôi chút, thì về sau đã triển khai ra thành những Giáo Hội Thiên Chúa Giáo, Cơ Đốc Giáo, Chính Thống Giáo, Cơ Đốc Phục Lâm, Tin Lành Giáo v.v… với những hệ thống thần học khác nhau, những giáo hệ khác nhau… Sự cách biệt càng ngày càng xa đến độ đã từng dẫn đến chiến tranh vô cùng khốc liệt. Quả thật là oan cho Phật và Chúa suốt đời hy sinh tận tụy cho đến chết vì con người, đã bị nhiều thế lực lợi dụng biến thành tôn giáo, triết học, chính trị, và thậm chí cả lãnh vực thực dân, đế chế nữa. Đúng là vào tay trần tục của con người thì lời dạy có cao siêu cách mấy cũng biến thành trò chơi của tính dục (libido) như Sigmund Freud đã nói.

Cách tốt nhất để thấu hiểu được Phật và Chúa là trở về với lời dạy ban đầu của quý Ngài. Đừng tin vào những gì người sau thêm thắt để hình thành và củng cố truyền thống giáo hệ của họ. Phải thấy ra “Ý tại ngôn ngoại” bởi vì các bậc thánh hiền đã từng cảnh giác “Tận tín thư bất như vô thư” hay “Đa thư loạn tâm” rồi đó. Ngay cả trong lời dạy ban đầu của mình, các Ngài cũng tùy thời đại khác nhau, địa phương khác nhau, trình độ căn cơ khác nhau v.v… mà đành phải sử dụng ngôn ngữ, biểu tượng, ẩn dụ khác nhau để chỉ bày sự thật. Do đó tuy ngôn ngữ bất đồng mà sự thật vẫn chỉ có một mà thôi. Không thấy được “cái một” mà các Ngài muốn chỉ dạy thì liền rơi vào “hiệu ứng củ mì củ sắn”. Chung qui là do bản ngã lý trí chỉ biết y cứ trên khái niệm ngôn ngữ của ta của người mà không chịu nhìn vào sự thật như nó là.

Nếu người theo Đạo Thiên Chúa thay từ Thượng Đế vào từ Tánh Đế hoặc Chân Đế (Nguyên lý rốt ráo tự nhiên của Pháp) trong kinh điển nhà Phật thì sẽ hiểu đức Phật và đức Chúa đều muốn chỉ bày một sự thật, đó là Chân Lý Tột Cùng của muôn loài vạn vật. Cũng vậy, Phật tử chỉ cần hiểu Thượng Đế trong Thánh kinh là Pháp Tánh thì sẽ hiểu ngay câu: “Tất cả đều do Thượng Đế tạo nên” chính là “Vạn vật đều do nguyên lý vận hành của Pháp mà có” .

Nếu con chiên của Chúa thay chữ “Ta” trong câu: “Ta là đường đi lẽ thật và sự sống, chẳng bởi ta thì không ai đến được cùng Cha” thành chữ “Đạo” trong Bát Chánh Đạo thì Bát Chánh Đạo chính là đường đi, lẽ thật và sự sống. Và sẽ dễ dàng hiểu câu: “Không qua Bát Chánh Đạo không ai có thể chứng ngộ Niết-bàn”. Đức Phật còn nói rõ hơn: “Chánh niệm tỉnh giác trên thân-thọ-tâm-pháp (Tứ Niệm xứ) là con đường duy nhất đưa đến chứng ngộ Niết-bàn”. Bởi vì không qua thực tại tánh của thân-thọ-tâm-pháp (đường đi, lẽ thật và sự sống) thì làm sao thấy được Chân Lý Cứu Cánh (đến cùng Cha)? Không qua “huyễn hóa không thân” làm sao thấy được “Pháp Thân” như một thiền sư đã nói? Nhưng thực tại tánh của sự sống thân-thọ-tâm-pháp ẩn kín đàng sau giả tướng, rất khó thấy, nên Chúa dạy: “Ta đến như kẻ trộm, phước thay kẻ nào ngày đêm tỉnh thức”. Đó là câu nói rất thiền, rất Vipassanà, vì chúng ta thường thấy thực tại qua tướng khái niệm, nên không thấy thực tại tánh chân đế (Ta) ẩn mật đàng sau hiện tượng đó (đến như kẻ trộm). Vì vậy, cần phải thường chánh niệm, tỉnh giác (ngày đêm tỉnh thức, rình rập) mới có thể phát hiện được Sự Thật Tột Cùng.

Phật dạy vô ngã  vì tất cả đều là Pháp. Nên phải qui y Pháp, sống thuận Pháp thì mới giác ngộ giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn, còn khởi lên ý niệm ảo tưởng có ta, người, chúng sinh, kẻ nhận… là bị vô minh ái dục chi phối, thì liền đắm chìm triền miên trong luân hồi sinh tử. Chúa dạy có đức tin nơi Thượng đế, vâng ý Cha, thì được cứu rỗi vào Nước Chúa, không tin Thượng Đế là đã bị quỷ Sa-tăng dụ dỗ thì sẽ đọa vào hỏa ngục đời đời. Chúng ta thử so sánh chỗ tương đồng trong cách dụng ngữ khác nhau đó:

- Vô ngã ≈ Đức tin

- Bản ngã vô minh ái dục ≈ Quỷ Sa-tăng

- Pháp Chân Đế, Nguyên lý rốt ráo ≈ Thượng Đế, Đức Chúa Cha

- Qui y Pháp, sống thuận Pháp ≈ Vâng ý Cha

- Giác ngộ giải thoát ≈ Được cứu rỗi

- Niết-bàn ≈ Nước Chúa

- Khởi lên ảo tưởng có cái ta (bản ngã) tách rời Pháp ≈ Không tin Thượng Đế (quỷ Sa-tăng chống lại Chúa)

- Đắm chìm triền miên trong luân hồi sinh tử, phiền não khổ đau (Tam giới bất an do như hỏa trạch) ≈ Đọa hỏa ngục đời đời.

Nếu được ý quên lời như vậy thì đâu còn gì để tranh luận, để bất đồng nữa? Bất đồng là do lý trí phân biệt của người sau tạo ra quan niệm rồi lồng vào hệ thống giáo lý trong các tông môn, giáo phái mà ra, chứ đó đâu phải là ý Chúa, ý Phật!

Tại vì con hiểu Thượng Đế như một nhân vật nào đó ở trên cao luôn điều động mọi việc ở trần gian nên mới thấy những gì Thượng Đế tạo ra trong cuộc đời là bất công, tàn nhẫn. Nhưng khi con hiểu Thượng Đế là nguyên lý rốt ráo vận hành vũ trụ vạn vật, như luật thiên văn địa lý, luật di truyền, luật vật lý hóa học, luật tâm lý, luật nghiệp báo v.v… thì những bất công tàn nhẫn mà con nói thuộc về nguyên lý nhân quả nghiệp báo. Theo nguyên lý nghiệp báo thì ai không sống thuận theo sự vận hành của Pháp (không vâng ý Cha) sẽ tự chuốc lấy khổ đau chứ không do ai khác. Nói theo Khổng Giáo là “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” (chữ thiên không viết hoa vì đó là định luật thiên nhiên đôi lúc còn được gọi là con tạo hay tạo hóa). Nhưng nhờ đau khổ đó con người mới học ra sai lầm của mình để điều chỉnh cho thuận Pháp (vâng ý Cha). Còn quỷ Sa-tăng mà con nói đó chính là bản ngã vô minh ái dục như thầy đã đối chiếu ở trên. Nếu không thấy ra Pháp, thì không sống thuận Pháp, không vâng ý Cha, lúc đó đành để bản ngã vô minh ái dục lôi cuốn vào luân hồi sinh tử (bị quỷ Sa-tăng dụ dỗ, làm ác và đọa xuống trần gian). Nhưng rồi cũng nhờ khổ đau mà thấy ra nguyên lý vận hành của Pháp, sống thuận Pháp (tin Chúa), và thoát khỏi sinh tử, chứng ngộ Niết-bàn (được cứu rỗi vào Nước Chúa). Phật dạy: “Khi tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh”. Điều này rất giống câu nói trong Thánh Kinh: “Nước Cha trị đến vâng ý Cha, dưới đất bằng trên Trời vậy”. Khi tâm thanh tịnh, nghĩa là vắng bóng bản ngã vô minh ái dục (không còn bị quỷ Sa-tăng dụ dỗ) thì liền sống thuận Pháp (Nước Cha trị đến, vâng ý Cha) và ngay đó là Niết-bàn Tịch Tịnh An Lạc (dưới đất bằng trên Trời) vậy.

Tất nhiên, một khi các tôn giáo đã phân định rạch ròi lập trường, chủ thuyết trong giáo hệ của mình và cho đó là chân lý độc tôn rồi thì họ khó mà chấp nhận giáo lý của tôn giáo khác. Những so sánh trên đây chỉ có giá trị đối với lời dạy ban đầu của Phật và Chúa khi chưa bị đóng khung trong các tổ chức tôn giáo, chứ các hệ thống giáo lý của các luận sư và các nhà thần học về sau thì không hẳn dễ dàng chấp nhận như vậy đâu con. Thầy chỉ đối chiếu với mục đích giúp con có cái nhìn phóng khoáng, vô chấp, vô ngại, cảm thông với niềm tin của người khác, dù người đó khác đạo với mình. Phải lấy lòng từ bi, bác ái mà đối xử với nhau như anh em ruột thịt, đừng nên đào sâu thêm hố chia rẽ, hận thù, đó không phải là phẩm chất của người đạo đức, giác ngộ.

Con nói đúng, theo đạo nào là vì có duyên với đạo đó thôi, quan trọng là thấy đúng làm đúng sự thật để giải thoát cho mình và đem lại lợi lạc cho đời, chứ đừng đem tâm địa nhỏ hẹp của mình mà miệt thị những người không theo đạo mình. Thầy ít khi nói ra điều này, chỉ tại con hỏi thầy mới nói thôi, chứ thầy biết những người cố chấp tín ngưỡng của mình, luôn cho đạo mình là đúng, không chịu lắng nghe người khác, thì dù là bên nào họ cũng sẽ cho rằng thầy đánh đồng tôn giáo đệ nhất của họ với tôn giáo khác là một xúc phạm lớn lao đối với thánh giáo của họ. Trò đời giống như Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Nhạc Bất Quần… muốn trở thành võ lâm chí tôn, nhất thống giang hồ, vô địch thiên hạ là chuyện bình thường, phải không con? Nói đến tôn giáo là vướng vào vấn đề nhạy cảm. Vì vậy con đừng bao giờ tranh luận, gặp người cố chấp con cứ im lặng nhịn thua hoặc “dĩ đào vi thượng” là tốt nhất, vì tuy họ nói từ bi, bác ái nhưng đụng chạm đến tự ái tôn giáo thì ngay cả các thế lực chính trị lớn nhất trên thế giới cũng còn phải e dè nữa đó.

Hãy khám phá Chân Lý ngay trên sự thật đang diễn ra hàng ngày nơi thân tâm con và cuộc sống xung quanh, đừng quá tin vào lời người khác hay ngôn ngữ giáo điều đã bị “tam sao thất bản” như đức Phật đã dạy trong Kinh Kalama. Đừng xem phương tiện, biểu tượng là bản thân chân lý, vì chân lý tự nó vô ngôn. Chúc con mỗi ngày thật trong sáng hồn nhiên và an lạc ngay nơi thực tại hiện tiền.

Viên Minh
Thư thầy trò số 5 Viên Minh - Đức Tâm

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét