Chân lý

Tu tập không phải là kiềm chế...

9/30/2013 11:20:00 SA

Thưa Thầy.
Khi một người bị lưỡi dao làm bị thương có hai trường hợp xảy ra khiến cho người không cảm thấy đau đớn đó là: hoặc là lưỡi dao chém vào cơ thể quá sắc, quá ngọt khiến không kịp cảm giác đau, hoặc do công phu của người bị thương đạt đến mức có thể tự điều phục xem vết thương ấy như không có!

Cũng vậy, khi một người bất chợt có sự đổ vỡ lớn và hụt hẫng trong lòng mà họ vẫn rất tỉnh không đau khổ thì có thể giải thích như trường hợp vết thương thể xác không ạ?

Nếu có tồn tại sự kiềm chế trong tâm người ấy thì không bàn ở đây vì đó cũng là cách ứng xử tốt trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu khả năng không có sự kiềm chế thì sự xả ly nhanh chóng thoát khỏi mọi sự đau khổ ràng buộc khiến trở nên tỉnh táo như vậy có thể nào tồn tại trong một người có đời sống thiên về tình cảm chăng hay chỉ người có "máu lạnh" mới làm được?

Con thành kính tri ân Thầy. Kính chúc Thầy ngày cuối tuần an lành.

Trả lời:
Vấn đề không phải ở chỗ có đau hay không đau, hoặc có kiềm chế được cơn đau hay không được, bởi vì nếu vậy thì chỉ cần uống thuốc giảm đau, hoặc chích thuốc mê, thuốc tê gì đó là xong. Trong sự tu tập của Đạo Phật thì dù đau hay không vẫn không sinh ảo tưởng về cảm giác đó, tâm vẫn trở về trọn vẹn trong sáng với cảm giác đó để thấy nó như nó đang là hay nói cách khác là thấy rõ bản chất vô thường, khổ-lạc-xả, và vô ngã của nó, mà không sinh thêm cái khổ tâm lý - khổ khổ do muốn kiềm chế cảm giác đau gọi là phi hữu ái, hoại khổ do muốn giữ lại cảm giác lạc gọi là hữu ái và hành khổ do muốn tìm cảm giác tốt hơn cảm giác xả gọi là dục ái.

Vậy tu tập không phải là kiềm chế cảm giác đau mà là loại bỏ tà kiến và tham ái của cái Ta ảo tưởng về cảm giác đó mà thôi.

Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét