Trong Tam vô lậu học: Giới-Định-Tuệ thì hành giả chỉ tu tập trên Giới, còn phần Định và Tuệ thì không cần điều chỉnh hay tác động phải không ạ?
Trả lời:
Giới- Định -Tuệ là ba yếu tố không thể tách rời nhau. Không thể chỉ tu giới mà không đi kèm định, tuệ. Phật dạy : Người có giới ắt có trí tuệ, người có trí tuệ ắt có giới (Trường Bộ Kinh 1, 222). Có 3 loại giới định tụê:
1) Tự tánh giới định tuệ: đó là ba yếu tính sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định) và trong lành (giới).
2) Tùy dụng giới định tuệ: đó là ba yếu tố thận trọng (giới), chú tâm (định), quan sát (tuệ) khi tùy tình huống mà ứng dụng.
3) Chế định giới định tuệ: Đó là giới định tuệ được đức Phật chế định tùy hoàn cảnh và căn cơ trình độ cho hàng tứ chúng.
Có tu sĩ cho rằng, do có Định mới sinh Tuệ, vậy nhất thiết phải tu định trước rồi mới tu Thiền tuệ sau. Vậy đúng hay sai thưa thầy? Mong thầy bớt chút thời gian chỉ giúp con ạ.
Trả lời:
Chữ sinh trong giới sinh định, định sinh tuệ có nghĩa là tương trợ lẫn nhau, bổ túc cho nhau, chứ không phải yếu tố này sinh ra yếu tố kia. Ba yếu tố này có chức năng, nhiệm vụ, tánh tướng thể dụng đều khác nhau làm sao mà sinh nhau được! Nói là sinh nhưng thực ra ba yếu tố này vừa tương sinh vừa tương khắc chứ không phải hỗ trợ không thôi.
Ví dụ người quá chú trọng giới không thể định được, người quá chú trọng đinh không phát tuệ được v.v... Giới định tụê trong tự tánh và tùy dụng phải ứng cùng lúc không thể trước sau. Chế định giới định tuệ thì có thể tu trước sau, nhưng chỉ cần giới và tuệ, còn định thì chỉ cần sát-na định cũng đủ đắc đạo quả, không cần tu định an chỉ. Phật dạy: "Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh... Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời" (TBK 1, 222).
Một vị A-la-hán phải diệt được sự dính mắc trong định sắc giới (sắc ái) và định vô sắc giới (vô sắc ái). Vị A-la-hán nào không có định an chỉ thì khỏi mất công tu tập và hóa giải thiền định. Tuy nhiên tùy thời định của vị A-la-hán này được gọi là "Bất động tâm giải thoát". Ngược lại dù đạt được định an chỉ Phật vẫn dạy: "Này Ananda, Đối với những ai sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần... chứng được hiện tại lạc trú... Ta nói rằng lợi đắc, cung kính, danh vọng sẽ là chướng ngại pháp đối với vị ấy" (TBK 1, 614).
Tóm lại, không phải tu thiền định trước mới tu thiền tuệ đâu, mà thậm chí định an chỉ không cần thiết cho sự giác ngộ.
Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét