Thưa Thầy, trước đây con tu thiền định, sau đó con gặp một khủng hoảng đi đến bệnh trầm cảm. Nhờ thầy nhắc pháp Thất giác chi con đã phấn chấn trở lại. Sau khi hồi phục, trở lại bình thường, con thấy mọi thứ rất rõ ràng, pháp gì đến trong tâm hay ngoại cảnh đều minh bạch cái nào ra cái nấy. Con chỉ nhận biết vậy thôi, không có phản ứng gì cả, giống như người du ngoạn vậy.
Nhưng không hiểu sao sau đó con lại rơi vào trạng thái không còn phân biệt gì cả, chỉ thấy cái gì thì thấy cái đó thôi, không có ý niệm trong ngoài gì nữa, có vẻ như trơ trơ vậy, nên con muốn trở lại trạng thái như lúc mới hết bệnh. Con xin thầy chỉ cho con những trạng thái đó là trạng thái gì và con phải tu tập như thế nào cho đúng?
Trả lời:
Khi con nhờ ứng dụng Thất giác chi mà vượt qua được cơn khủng hoảng trầm cảm do sự đối kháng giữa nội tâm muốn giữ sự ổn định và những bức xúc từ bên ngoài, thì liền trở lại bình thường, đó chính là sự trong sáng tự nhiên của tánh biết, nên con thấy trong ngoài đều rõ ràng minh bạch. Nhung sau đó yếu tố xả và định mà con tu tập trước đây lại nổi trội lên nên tâm thái trong sáng tỉnh giác tự nhiên bị yếu đi.
Tuy bấy giờ con vẫn thấy nhưng không biết một cách trong sáng tự nhiên như lúc vừa hết trầm cảm. Đây là trạng thái tĩnh lặng mà những người nghiêng về thiền định cho là thanh tịnh tuyệt vời, nên họ cố gắng gìn giữ phát triển vì tưởng đã đắc được kết quả giải thoát gì đó. Nhưng đây chính là phiền não chướng vi tế của thiền tuệ. May mà con có linh tính thấy thái độ tâm lúc mới hết bệnh đúng hơn nên mới muốn trở lại trạng thái lúc đó.
Tuy nhiên, khi con muốn trở lại trạng thái lúc đó là không đúng. Thực ra, con không cần trở lại trạng thái lúc đó mà chỉ cần buông cái ngã lý trí xuống thì tánh biết rỗng lặng trong sáng sẽ tự hiển hiện trở lại như lúc con mới hết bệnh ngay thôi. Tánh biết trong sáng đó luôn luôn có nhưng bị cái bản ngã lý trí, tình cảm lăng xăng hết động qua tịnh che lấp đi nên không chiếu sáng được mà thôi.
Tịnh và động vốn tùy dụng tự nhiên, nhưng người tâm quá động lại thường thích tịnh nên họ rơi vào cực này qua cực khác, như một quả lắc. Khi động thì tâm trạo cử phóng túng, khi tĩnh thì tâm thụ động tiêu cực. Nên Phật dạy định nhiều thì trầm trệ, tinh tấn nhiều lại dao động, là vậy.
Để quân bình hai trạng thái này, đức Phật dạy Thất giác chi, trước hết là trở lại với chính mình (niệm) để khi tâm thụ động thì cần quan sát kỹ lưỡng (trạch pháp), tích cực (tinh tấn) và phấn khởi lên (hỷ); khi tâm dao động thì cần thư giãn (khinh an), lắng dịu xuống (định) và buông xả đi (xả).
Đó là lý do vì sao khi sử dụng đúng Thất giác chi con đã thoát khỏi cơn bệnh trầm cảm, và đạt được tâm thiền tuệ chánh niệm tỉnh giác đúng mức một cách tự nhiên. Sau đó yếu tố xả và định mà con đã quen tu tập trước đây mạnh lên, nên yếu tố tỉnh giác suy giảm và con rơi vào trạng thái thấy mà không biết rõ ràng minh bạch như trên.
Thực ra thấy mà không biết cũng chẳng sao, nếu như không biết là không biết theo khái niệm (tưởng tri) hoặc theo kiến thức (thức tri) thì càng tốt, vì cái biết không biết này chính là tuệ tri. Còn nếu không biết vì tâm si hoặc vì tâm xả của thiền định trội hơn tỉnh giác thì cần phải thận trọng mới được.
Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét