...Kính Bạch Thầy, Con thành kính đảnh lễ Thầy và cầu mong Thầy luôn được sức khỏe dồi dào thân tâm an lạc... Con mạo muội có nhận xét như vầy về bản dịch một kinh trong Trường Bộ Kinh của Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu. Trong một trường hợp ở Trường Bộ Kinh số 16 Kinh Đại bát Niết Bàn, con mạn phép thô thiển kết luận là về phương diện Việt Ngữ bài kinh này có lẽ cần được chú ý thêm. Con hiểu rằng, có lẽ cũng có một số áp lực muốn cho Tam Tang tiếng Việt được hoàn tất năm 1998 để làm căn bản cho các bản dịch sau này, cũng như tại Mỹ, theo lời Ông Gils Frondale thì có tới hơn 50 bản dịch Kinh Pháp Cú. Mặc dù nhận định như vậy, ông vẫn quyết định phổ biến bản dịch của chính Ông.
Con ước mong được thấy ít nhất thì toàn bộ Nikaya đưọc hoàn chỉnh về phần Việt Văn góp phần vào việc hoằng pháp lợi ích chúng sinh, giúp độc giả Việt Nam có một bản dễ đọc hơn. Con thực tâm nghĩ rằng có lẽ một lúc nào đó có thể nào Thầy xem có thể dành thì giờ làm việc ấy hay không? Con xin thành kính đảnh lễ Thầy.
Trả lời:
Thực ra, phải nói là không chỉ một vài điểm trong một số bài kinh đã được dịch ra tiếng Việt mà toàn bộ Tam Tạng Pāli đã được Việt Dịch đều cần được xem xét lại kỹ lưỡng để hiệu đính, hay ít nhất cũng phải thật cẩn thận khi đọc, vì chắc chắn là còn sai sót rất nhiều.
Việc dịch thuật của Hòa Thượng Minh Châu (Tạng Kinh), Hòa Thượng Tịnh Sự (Tạng Luận) và Thượng Tọa Giác Giới, Thượng Tọa Chánh Thân (Tạng Luật) thật đáng trân quý và tri ân, vì chư vị đã có công giúp giới thiệu cho người Việt biết đến những lời dạy nguyên thủy nhất của đức Phật, và có cơ sở để đối chiếu với những Kinh Luận của các Tông Phái phát triển về sau. Nhưng chắc chắn không có bản dịch nào có thể hoàn hảo được.
Ngay cả trong đại hội kết tập Tam Tạng đầu tiên, các bậc Thánh lão thành đã chính tai nghe Phật thuyết cũng chưa hẳn đã ghi lại những lời Phật dạy đúng nguyên văn 100%, vì còn qua trí nhớ, qua ngôn ngữ biểu đạt, qua cách hệ thống hóa, qua những công thức mẫu hóa một pháp thoại... đã không còn nguyên vẹn lời nói mộc mạc và cách nói tự nhiên của đức Phật mà chủ yếu là chỉ thẳng vào sự thật ngay đó hơn là chủ ý dụng ngôn lập thuyết. Huống chi ngày nay, đã trải qua hơn 2500 năm, tiếng Pāli đã thành cổ ngữ, khó có ai thông thạo được như ngườixưa, lại phải đối chiếu qua ngôn ngữ khác như Anh, Hán, Thái, Miến v.v... mà dịch thì khó có một bản dịch tiếng Việt trung thực và chính xác được.
Thôi thì chúng ta vẫn phải tôn trọng bản quyền dịch thuật của các ngài, nhưng khi nghiên cứu hay thuyết giảng một pháp thoại nào đều cần phải thận trọng xem xét lại thật chu đáo - như đức Phật đã dạy trong Kinh Kalama - để không phạm phải sai lầm oan cho Phật Pháp. Tuy nhiên điều này lại còn phụ thuộc vào sự tu chứng hơn là chỉ y cứ vào ngôn từ. Khi một người đã thấy Sự Thật thì sẽ phát hiện được ngay chỗ sai trong ngôn ngữ chú giải và dịch thuật.
Từ điển Phật Học ngày nay cũng sai lầm trầm trọng, vì những người làm từ điển chỉ thi công sắp xếp chữ nghĩa hơn là thực chứng nội dung của những câu chữ đó. Đành phải chịu "tam sao thất bản" thôi, và muốn đúng thì chỉ còn con đường duy nhất là phải thực chứng những gì đức Phật đã khai thị...
Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét