...Con có một câu hỏi vẫn đau đáu trong lòng bấy lâu nay, tuy hơi ngô nghê một chút nhưng con thực lòng kính mong Thầy gỡ đi cái gai trong lòng con. Theo cái hiểu của con, những nỗi khổ đau mà con người ta gặp phải đều vì sống không tùy duyên, không thuận pháp, đều vì nảy ra những ham muốn do điều động của Vô Minh, Ái Dục (dục ái, hữu ái, phi hữu ái).
Thế nhưng, nếu con người bỏ đi những ham muốn đó (và chỉ giữ lại những ham muốn thuộc bản năng sinh tồn như ăn uống ngủ nghỉ...) thì phải chăng là ta cứ sống mà không nỗ lực, không ước mơ, không phấn đấu gì sao? Làm sao ta có thể phân biệt giữa ham muốn thuộc Vô Minh và ham muốn có tính tích cực?
Con lấy ví dụ, một sinh viên học không khá, nhưng cậu ta quyết tâm "lấy cần cù bù thông minh", ngày đêm đèn sách, như vậy cái quyết tâm học giỏi và cái nỗ lực của cậu sinh viên này có phải là Khổ hay không? Có phải là trái duyên trái pháp hay không? Phải chăng, nếu như tùy duyên thuận pháp thì cậu ta sẽ thấy ngay từ đầu là không nên cố gắng làm gì? Phải chăng, những ai yếu kém thì cứ nên chịu phận yếu kém mà không nên nỗ lực, mong cầu?
Suy rộng ra, con thấy là những thành tựu khoa học kỹ thuật mà con người đạt được, những tiện ích mà chúng ta dùng ngày nay, phải chăng ở một mức nào đó đều là "trái duyên trái pháp"? Nếu như tất cả khoa học gia đều buông bỏ, không nỗ lực đấu tranh (với bản thân mình, với thiên nhiên, thậm chí với cả xã hội), không mong cầu, thì không rõ xã hội con người sẽ đi đến đâu?
Và cao cả hơn tất thảy, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni toàn năng của chúng ta, phải chăng nếu Ngài thuận Pháp thì Ngài đã ngồi lại dưới cội Bồ Đề mà không bôn ba đi cứu chúng sinh (bởi chúng sinh thì làm sao hiểu được Pháp)? Kính thưa Thầy, có lẽ Thầy sẽ cười khi đọc những câu hỏi này của con, bởi chúng thể hiện kiến thức Phật Pháp hết sức yếu kém của con. Nhưng với con, việc giải đáp được những khúc mắc này có tính chất cực kỳ quan trọng cho con đường mà con sẽ lựa chọn ở phía trước. Con xin tri ân Thầy và kính chúc Thầy sức khỏe.
Trả lời:
Thầy thì thấy hoàn toàn ngược lại. Nếu các nhà khoa học làm việc một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành, luôn thận trọng, chú tâm, quan sát, không để cho vô minh ái dục xen vào, không bị thất niệm, tạp niệm, vọng niệm chi phối thì khoa học ngày nay đã tiến bộ hơn hàng ngàn hàng vạn lần hơn mà không đem lại đau khổ cho loài người, không gây tổn hại môi sinh, không làm mất cân bằng sinh thái trầm trọng như ngày nay.
Nếu các bác sĩ, kỹ sư, các nhà chính trị, những người công nhân... cũng luôn chánh niệm tỉnh giác, thì đã không có chiến tranh, thảm sát, khủng bố, và những khổ đau, bất hạnh, khốn cùng.
Nếu tất cả công dân trên thế giới đều sống đúng nguyên lý của cuộc sống thì quả địa cầu này đã biến thành thiên đàng từ lâu rồi. Vậy những xấu xa tội lỗi như chém giết, trộm cắp, tham nhũng... trên thế giới này do vô minh ái dục hay do sáng suốt, định tĩnh, trong lành?
Những người sống lợi lạc quần sanh vô ngã vị tha như đức Phật, như các vị Bồ tát là do vô minh ái dục hay do giác ngộ giải thoát?
Sigmund Freud đã cảnh báo rằng: "Văn minh là hậu quả của tính dục", vì vậy mới đưa đến cuộc khủng hoảng toàn cầu như ngày nay. Những nhà thông thái và có lương tâm cũng đang tiên liệu trái đất có thể bị hủy diệt một ngày không xa nếu con người cứ tiếp tục nền văn minh tính dục như thế này.
Dục tự nó không sai, nhưng dục kết hợp với tham sân si thành dục ái, hữu ái, phi hữu ái mới là sai lầm trầm trọng. Dục được sử dụng đúng nguyên lý của pháp (thuận pháp) trở thành pháp Tứ Như Ý Túc trong Phật giáo, có thể thực hiện được vô số điều lợi lạc quần sanh mà không gieo đau thương phiền khổ.
Nếu con có nhiều ý muốn (dục) lợi lạc quần sanh vô ngã vị tha thì con cứ làm càng nhiều càng tốt, có điều con phải đủ sáng suốt, định tĩnh, trong lành, đừng để vô minh ái dục sai khiến, nếu không con sẽ chỉ làm cho thiên hạ đau khổ thêm mà thôi...
Viên Minh
Mục Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét