Con kính chào Thầy,
Bây giờ con đang nghe khóa thiền của Thầy đã giảng ở chùa Pháp Luân, Huế. Con rất thích nghe nhưng mỗi tội là con không hiểu hết nghĩa và nhiều văn từ (con ở nước ngoài từ nhỏ đang học lại tiếng Việt) vì thế có lẽ con đã hiểu sai và con xin Thầy tha lỗi cho con.
Con xin hỏi Thầy câu hỏi này và xin Thầy giải thích cho con. Sau khi con để ý Tinh tấn, Chánh niệm và Tỉnh giác rồi biết cái Ta là ảo tưởng. Tại sao con thấy xa lạ với mình khi con nhìn thấy con trong gương hoặc khi cảm nhận được trong và ngoài thân? Có khi còn hơi sợ nữa? Con cảm thấy là mình không thật và có sự tách rời ra. Sau đó thì con lại có thể trở về hiện tại quay lại với mình rồi tiếp tục với việc đang vận hành. Con cứ thắc mắc và cảm thấy kỳ lạ quá Thầy ạ. Hay đây là con đang tự hù mình? Con xin Thầy chỉ dạy.
Con cám ơn Thầy rất nhiều.
Con, Quảng Tịnh
Chào con,
Albert Camus phát hiện trong ông cũng như trong mọi người đều có một "người xa lạ" (The Stranger). Con người hàng ngày hoạt động vui buồn khổ lạc lại chính là kẻ lạ mặt! Ý ông muốn nói là mỗi người chúng ta đang sống như một kẻ vay mượn mọi thứ từ cuộc đời để hóa trang thành một cái "tôi", cái "tôi" đó không phải là con người thật của chính mình. Rồi bỗng một ngày kia mình thấy ra con người thật của mình thì bấy giờ mình lại thấy "nó" thật quá là xa lạ!
Con không ngạc nhiên sao được khi cái con tưởng là "nó" thì lại chính là con, còn cái bấy lâu con tưởng là mình, là cái tôi, thì mới là người khách lạ! Vậy khi con nói trở lại với "mình" đôi khi lại chính là trở về với cái tôi ảo tưởng đã quá quen thuộc lâu đời trong thế giới quy định của thế gian, để rồi khi thấy ra thân tâm thật của mình thì... đã thành người xa lạ! Không sao đâu con, đây là một trò chơi khám phá thú vị, khám phá ra đâu là con người ảo đâu là con người thật của chính mình.
Bản Ngã giống như cái bóng (shade, silhouette) của pháp, nhờ cái bóng (ngã) mà mình nhận ra cái thực (pháp). Người chỉ thấy cái bóng thì tưởng bóng là mình nhưng đuổi theo nắm bắt nó mãi không xong; nhưng có người, nhờ qua cái bóng nhận ra cái thực thì mới biết muôn đời mình vẫn là cái thực, lúc đó cái bóng chỉ là cái bóng sao lại đuổi theo nó để kiếm tìm tự ngã!
Đơn giản thôi con, cứ trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm trong từng giây phút thì con sẽ thấy ngay đâu là giả đâu là thực, và kỳ diệu thay, khi con phát hiện ra rằng giả thực không hai mà cũng chẳng phải một, như khi con đã thấy ra con và cái bóng của mình thì cái bóng vẫn là cái bóng, không những chẳng hại gì mà còn nhờ nó, con mới thấy ra con người thực của chính mình! Ôi, quả thật cuộc đời là điều kỳ diệu, không thể nghĩ bàn, phải không con!
Thầy Viên Minh
Thư Thầy trò (45)
0 Nhận xét