...Tâm thường định là thiền, không phải nói rằng hàng ngày tôi vẫn ngồi thiền mà có thiền. Nhưng làm thế nào mà biết là tâm thường định? Thường định là trong không động mà ngoài không loạn, cả thân hành, ngôn hành, ý hành đều không động.
Từ trạng thái tầm tứ (suy nghĩ thì thầm, lời nó thì thầm bên trong) theo pháp quán sổ tức hay pháp quán nhân duyên, chuyển dần sang trạng thái hỷ lạc nơi thân, cảm nhận sự khoan khoái thông qua hơi thở, biết hơi thở vào ra, nơi cánh mũi hay nơi bụng, để chữa lành các đau nhức thể xác và làm vững tinh thần.
Nhưng ý thức vẫn luôn đánh lừa bằng trò tự kỷ ám thị, nên nó thường giả trang bày ra cái tướng ngồi thiền, còn bên trong thì đầy vọng niệm, tạp niệm. Chính vì điều này mà sinh ra tranh luận nếu ngồi là thiền thì con cóc ngồi giỏi hơn con người.
Từ đó xuất hiện tư tưởng đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền. Nhưng tư tưởng thiền thì vẫn không phải là thiền, nói về thiền cũng không phải là thiền, vì nó không phải niệm định tuệ đang xảy ra nơi một sinh thể. Cái kinh nghiệm được truyền dạy chỉ là kỹ năng và kỹ thuật ngồi, đạt được thiền ở tầm mức nào còn tuỳ thuộc công phu của mỗi hành giả.
Tự kỷ ám thị là bậc thầy lừa đảo của ý thức, giống như con cáo muốn ăn chùm nho chín ở trên cao, nhưng vì không thể với tới, nên nó tự lừa phỉnh mình rằng, ái chà chùm nho kia vẫn còn xanh và bỏ đi.
Tự kỷ ám thị thổi bạt tiến trình nhân quả cũng như diễn biến của tâm, nơi mà năm món biến hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư) luôn khuấy đảo. Cho nên, không thấy sự thực đang diễn ra nơi thân tâm, mà chỉ chạy đuổi theo vọng tưởng.
Ngồi thiền sẽ có hạnh phúc, có vẻ như là một kết luận rất nhân quả được người ta hào hứng miêu tả. Nhưng người ta cũng rất dễ bị trúng độc bởi điều này. Không phải ai đến với Phật, Phật cũng khuyên ngồi thiền đâu. Bảo người không chân, người còng ngồi thiền thì sao họ ngồi được. Thế thì còn nhiều con đường để đi đến hạnh phúc mà không cần ngồi nhưng vẫn có niệm định tuệ soi sáng. Niệm Phật đến nhất tâm bất loạn thì cũng là thiền.
Vì người ta tự kỷ ám thị về tông phái của mình, về ông thầy dạy đạo của mình, nên nghĩ gieo hạt giống xuống đất rồi thì ít bữa cây sẽ nẩy mầm và cho hoa trái. Nào biết hạt giống kia là hạt giống lép, hay là hạt giống tốt nhưng đã bị kiến tha đi mất từ lúc nào rồi. Vậy mà hàng ngày vẫn cứ ra tưới nước cho đất, chờ mãi không thấy cây nảy mầm, cũng chẳng hiểu vì sao. Đây gọi là đã lạc mất thiền mà vẫn rất tích cực ngồi cho đến khi làm quyến thuộc với ma từ lúc nào mà không hề hay biết.
Kết luận về hạnh phúc thì không phải hạnh phúc. Ngôn từ niệm định tuệ, thì không phải niệm định tuệ. Tự kỷ ám thị sẵn sàng giả đủ các loại giọng để tự lừa phỉnh, chưa chứng mà nói mình đã chứng, chưa hết bệnh mà nói mình đã hết bệnh. Lừa mình đã đành mà còn lừa cả người, đó gọi là cùng dắt nhau đi vào hầm hố. Vậy nên hôm nào ngồi mà biết mình đang thiền kiểu "con cáo và chùm nho", giả an lạc, thì tốt nhất hãy rời bồ đoàn ngay lập tức, càng sớm càng tốt...
Đại ĐứcThích Thanh Thắng
PT sưu tầm
0 Nhận xét