Chia sẻ

Quy tắc giả (vờ) thành Phật

4/08/2011 12:41:00 CH

Viết tặng những ai đang ước mơ…

Hoà thượng Nhất Hạnh, vị thiền sư rất có uy tín trong Phật giáo thế giới hiện nay, trong một bài pháp thoại đã khai thị cho các Phật tử:

“Trong mỗi người của chúng ta có cả Bụt lẫn Ma. Ma nói rằng Trời ơi đi thiền hành như vậy làm sao đi được, đi thiền hành mệt quá bây giờ mình muốn về mình nằm trên cái giường mình cho khỏe. Mình trốn đi thiền hành, cái đó là Ma ở trong mình. Có Ma nhưng cũng có Bụt, vì khi đi thiền hành Bụt đi rất hay, rất hạnh phúc, đầy năng lượng…"

“Nó hay vậy đó, có phần làm biếng trong mình và có phần siêng năng trong mình. Phần siêng năng ôm lấy phần làm biếng đi theo và phần làm biếng được thừa hưởng. Quý vị cứ thực tập rồi biết. Khi nào thấy khó khăn, chán nản, thấy làm biếng thì mình nói: Bụt ơi, Bụt làm dùm con đi. Tức thì Bụt chấp nhận làm liền. Bụt làm rất hay. Nên nhớ để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi, nó đã lắm. Mình đâu có cần làm gì đâu, Bụt làm hết…”

Khổng Nhuận, một con chiên của Thiên Chúa, đã chia sẻ cách để các anh em đồng đạo có thể nên một với Chúa, sống trong Thần Khí của Chúa như sau:

“Noi gương bắt chước Đức Giêsu và Phaolô, chúng ta có thể rút ra một TÂM NIỆM THỰC HÀNH: Không phải tôi… Chính Chúa… Thí dụ: Không phải tôi rửa mặt…Chính Chúa rửa mặt…. Không phải tôi tập thể dục… Chính Chúa tập thể dục…"

Tất nhiên đây không phải là một câu thần chú nói ra ngoài miệng rồi quên ngay lâp tức. Nhưng đây là những lời TÂM NIỆM tức là NIỆM BẰNG TÂM mục đích để cho lòng mình lắng xuống và cảm nhận Chính Chúa đang hành động qua con người thân xác của mình.”2

Chắc bạn cũng nhận ra ngay sự tương đồng giữa hai lời hướng dẫn thực tập ở trên đây. Họ đã chỉ cho các Phật tử, con chiên một cái mẹo rất hay để thực hành tâm linh. Đầu tiên, bạn cần biết rằng có tính chất Phật, tính chất Chúa trong mình. Sau đó, bạn phải coi như mình đã là Phật, là Chúa và sống như các vị đó đang sống qua thân thể mình vậy. Rồi bạn sẽ trở nên giống, hay chí ít cũng được một phần như các vị ấy.

Và tôi gọi đây là quy tắc giả (vờ) thành thật.

Những điều này nghe có vẻ rất hay, nhưng nó có ích gì cho bạn đây nếu bạn không phải là Phật tử hay con chiên? Nếu bạn không muốn thành Phật hay thành Chúa?

Nó có ích đấy bạn ạ! Rất có ích là khác. Bạn có thể áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật này vào trong những việc nhỏ nhặt đến những mong muốn lớn lao hay ước mơ hão huyền của mình. Thí dụ như bạn chợt quên mình đã để chìa khoá xe ở đâu, trong khi lại rất vội vì đã đến giờ đi làm. Bạn hãy áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật vào tình huống này bằng cách hãy tưởng tượng/coi như rằng bạn đã tìm thấy chìa khoá. Bí quyết để giả vờ như thật là bạn hãy nghĩ xem mình sẽ cảm thấy vui mừng thế nào khi tìm thấy chìa khoá và hãy hình dung cảm giác ấy dâng lên trong bạn. Nhưng nếu bạn chỉ hồi hình dung như vậy thì sẽ không tìm được chìa khoá đâu. Như một câu ngạn ngữ châu Phi: “Khi cầu nguyện, bạn hãy di chuyển cả đôi chân”3, sau khi cảm nhận đã tìm thấy chìa khoá ấy, bạn hãy bắt đầu đi tìm nó. Lúc ấy hắc chắn bạn sẽ tìm thấy.

Chỉ qua ví dụ này thôi chắc bạn cũng đã hiểu cách để áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật vào các tình huống trong cuộc sống của mình. Điều cốt yếu là hãy coi như bạn đã có/làm được điều đó. Nhưng làm sao để sự giả vờ của bạn giống như thật? Như đã đề cập ở trên, bạn hãy để cảm giác vui sướng, hân hoan khi thành tựu điều đó dâng lên trong trái tim bạn. Chính cảm xúc đó khiến cho tâm bạn thấy như thật, bởi cảm xúc liên quan đến các sự thay đổi về sinh hoá trong cơ thế - những thứ mà tâm có thể trực tiếp nhận biết. Hệ quả là, tâm sẽ lôi kéo sự vật/việc tương ứng với cảm xúc đó đến với bạn. Do đó, cảm xúc như thật chính là bí quyết của quy tắc giả vờ thành thật.

Đọc đến đây hẳn bạn đọc có tinh thần “nghi ngờ khoa học” sẽ thắc mắc về cơ sở của quy tắc nghe có vẻ hão huyền này. Thế nên, tôi sẽ giải thích cho bạn quy tắc này bằng khoa học hiện đại. Theo vật lý lượng tử thì tất cả sự vật đều là những lượng tử rung động với các tần số khác nhau. Nếu biết thay đổi tần số rung động của lượng tử thì có thể thay đổi được vật chất. Tâm lại là thứ đặc biệt nhất thế gian, bời vì nó có khả năng thay đổi sự rung động.4 Tức là tâm có khả năng tạo nên/thay đổi vật chất.5 Đó là lý do vì sao một số người khi thành tâm cầu nguyện lại thấy ứng nghiệm. Đó cũng là nguyên lý để giả (vờ) lại có thể biến thành thật. Tâm chính là ông thần đèn nếu bạn biết cách khai thác nó bằng quy tắc này.

Bạn có thể hỏi: “Mọi sự không thể nào lại dễ dàng như vậy, bởi nếu không có điều kiện gì thì tôi sẽ thoả mãn được hết mọi mong muốn của mình sao?” Tất nhiên là không rồi! Rất nhiều người đã bỏ ra cả giờ mỗi ngày để hình dung, tưởng tượng về những gì mình mong muốn, nhưng họ đã chẳng bao giờ đạt được nó. Họ đã hoàn toàn thất bại. Điều đó khiến họ không tin vào thuật giả kim của tâm nữa. Đáng tiếc là không ai nói cho họ biết rằng để phép lạ xảy ra cũng cần có những điều kiện của nó.

Ở đây, thuật giả kim của tâm sẽ thành tựu nếu sự vật/việc người ta muốn biến thành hiện thực vượt qua ít nhất đạt được một trong hai tiêu chuẩn sau:

1. Tiêu chuẩn đầu tiên là chúng không phải là những mong muốn quá vị kỷ, chỉ để thoả mãn cho cá nhân. Trong tác phẩm kinh điển Nhà giả kim, Paulo Coelho viết rằng: “Khi anh quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để bạn đạt được điều ấy.” Nhưng nếu điều bạn quyết chí chỉ để thoả mãn cái tôi của bạn, thì vũ trụ sẽ giúp bạn rất ít. Ngược lại, điều bạn muốn càng không chỉ vì mình, càng vì người khác bao nhiêu, thì vũ trụ sẽ chung sức với bạn bấy nhiêu. Bởi vì càng hướng về cái tôi bé nhỏ bao nhiêu, tâm của bạn càng mất khả năng hoà điệu với vũ trụ để đón nhận sự chung sức tạo nên phép lạ bấy nhiêu bây nhiêu. Hướng về bản ngã luôn làm tâm bị chao đảo bởi lo lắng, sợ hãi, buồn vui, ham muốn… Trong khi chỉ có tâm an tĩnh, chuyên chú vào một mục tiêu mới có thể tạo nên điều nhiệm màu. Để kiểm tra mục tiêu của mình trong mỗi tình huống có đạt tiêu chuẩn đầu tiên hay không, bạn có thể tự hỏi trái tim mình: “Phải chăng mình mong muốn điều này chỉ vì riêng mình?” Bạn hãy chú ý rằng đây là câu hỏi dành cho trái tim chứ không phải tâm trí, bởi tâm trí bạn rất giảo hoạt và giỏi nguỵ biện. Còn trái tim thì luôn trả lời thành thật. Nếu câu trả lời là “Đúng” thì bạn không thể áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật được. Nếu là “Sai” thì bạn đã vượt qua tiêu chuẩn đầu tiên.

Bạn đọc có thể phản bác tôi ở tiêu chuẩn đầu tiên này. Bởi ngay ví dụ về mong muốn tìm lại chìa khoá của tôi cũng không vượt qua được tiêu chuẩn đầu tiên. Quá đúng! Không ai có thể nói tôi muốn tìm thấy chìa khoá vì… người khác được. Nhưng cái gì cũng tương đối thôi bạn ạ, tiêu chuẩn đầu tiên cũng chỉ đúng với đa số các trường hợp chứ không phải là tiêu chuẩn bắt buộc dành cho mọi trường hợp. Bởi theo luật nhân quả, người ta có được điều gì còn phụ thuộc vào cả phúc đức (kết quả hun đúc từ những việc tốt đã làm trong quá khứ) của người đó. Thế nên, bạn hãy chịu khó “di chuyển cả đôi chân” để làm những việc tốt đẹp, vị tha nhằm hỗ trợ, rút ngắn thời gian cho quá trình giả (vờ) thành thật của mình.

Bạn đọc khác lại có thể chán nản vì tiêu chuẩn vị tha này. Bởi nếu mong muốn vì người khác thì mong muốn để làm gì, nó có ích lợi gì cho tôi đâu! Thực ra không phải vậy, theo luật nhân quả: tâm mong muốn cho người khác càng lớn lao, chân thành bao nhiêu, thì những mong muốn cho bản thân bạn sẽ càng dễ dàng đạt được bấy nhiêu. Vậy nên, bạn đừng chỉ mong muốn cho riêng mình, mà hãy quan tâm, mong muốn cho cả người khác. Điều này cũng có tác dụng hỗ trợ, rút ngắn thời gian cho quá trình giả (vờ) thành thật.

2. Tiêu chuẩn thứ hai là bạn sẽ không có được điều gì mà ở sâu thẳm trong trái tim bạn, bạn biết rằng bạn không có nó. Hay nói cách khác, bạn không thấy nó trong thực tại của bạn. Bạn không thể có được điều mà trái tim bạn biết là nó không thuộc về bạn. Bởi vì với cái biết đó bạn không thể giả vờ được. Bạn cũng không thể có được thứ mà đầu óc bạn trở nên bị ám ảnh vì ham muốn nó. Bởi sự ám ảnh đó chứng tỏ một sự thật: bạn luôn cảm thấy thiếu nó. Và chính cái sự “cảm thấy thiếu” đó khiến tâm hợp sức cùng vũ trụ đưa đến thực tại: bạn không có nó. Thế nên, câu hỏi để bạn tự kiểm tra cho tiêu chuẩn số hai là: “Đây có phải là sự vật/việc mà trái tim mình thực sự mong muốn?” Hoặc: “Điều này có nằm trong thực tại của trái tim mình hay không?” Nếu câu trả lời là “Có”, thì chắc chắn quy tắc giả (vờ) thành thật được áp dụng vào đây sẽ vô cùng hiệu quả. Còn nếu là “Không”, rất khó để áp dụng thành công. Có lẽ đó chỉ là một mong muốn nhất thời của bản ngã, nên nếu có/đạt được nó, thì bạn cũng sẽ thấy không mấy ý nghĩa và qua mau.

Điều cuối cùng, tuy không phải là một tiêu chuẩn, nhưng lại là điều kiện đủ để bạn có thể áp dụng quy tắc giả (vờ) thành thật hiệu quả. Đó là hãy học cách giữ nội tâm an tĩnh và có khả năng tập trung, đặc biệt là vào thời điểm thực hành quy tắc này. Nếu tâm trí bạn cũng sản sinh 60 nghìn ý nghĩ mỗi ngày (theo ước tính của các nhà nghiên cứu) như những người khác thì rất khó cho bạn. Bởi điều đó cho thấy bạn không có chủ quyền gì với tâm mình cả, vậy làm sao bạn có thể khiến nó “nghe lời” mình như thần đèn được. Để làm được điều này, tôi đề nghị bạn hãy thực tập theo hai phương pháp sau đây:

• Phương pháp đầu tiên là để giảm bớt suy nghĩ. Đó là hãy cố gắng ý thức được những gì đang diễn ra nơi suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn trong hiện tại. Ví dụ: khi đi biết chân nào cũng bạn đang bước, khi ăn biết mình đang ăn chứ không phải mắt nhìn TV còn tai thì đang nghe nhạc từ headphones. Tức là đưa sự chú ý của bạn về với thực tại bạn đang sống, khi đó tâm bạn sẽ ít có cơ hội sẽ suy nghĩ lung tung và bình an hơn. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng điều khiển tâm theo ý mình khi giả vờ. Bình an nội tâm – như đã nói – sẽ khiến cho vũ trụ dễ dàng chung sức với bạn hơn.6

• Phương pháp thứ hai là để tăng cường sự tập trung. Bất cứ khi nào rảnh rỗi, hay nếu có thể vào một thời điểm nhất định trong ngày, hãy cố gắng dành ra từ 30 – 60 phút để ngồi trong im lặng, không bị ai quầy rầy, để điện thoại ở chế độ “trên máy bay” và thực tập quan sát hơi thở. Cụ thể, khi bạn thấy mình đang hít vào, hãy niệm thầm: “Híttttt…” Khi thấy mình đang thở ra, bạn hãy niệm thầm: “Thơơơơở…” Bạn hãy chú ý niệm hai chữ “hít” và “thở” kéo dài theo mỗi hơi thở vào ra. Đây chính là cách để “buộc” sự chú ý của bạn vào hơi thở. Nếu các suy nghĩ chợt đến và bạn chạy theo nó, thì cũng đừng khó chịu. Đó là điều rất tự nhiên! Khi nhận ra điều này bạn hãy nhẹ nhàng trở về với việc quan sát và niệm thầm theo hơi thở.7 Khả năng tập trung tốt sẽ giúp bạn nhanh chóng thành tựu hơn.

Đến đây thì tôi đã chia sẻ với bạn tất cả những hiểu biết của tôi về quy tắc giả (vờ) thành thật. Bạn hãy kiên trì thực hành điều kiện cần, nắm rõ bí quyết giả vờ như thật và kiểm tra mong muốn của mình xem nó có ít nhất đạt một trong hai tiêu chuẩn. Sau đó, hãy thử bước vào thực hành xem sao.

Chúc bạn thành tựu mọi ước mơ của mình!

© 2010 Đỗ Hoàng Tùng

© 2010 Phát triển Cá Nhân

Ghi chú:

1 HT. Thích Nhất Hạnh, Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh

2 Khổng Nhuận, Cốt tuỷ Kitô giáo

3 When you pray, move your feet

4 Thích Trí Siêu, Dòng đời vô tận, Năng lực cầu nguyện, NXB Phương Đông, 2010

5 Đọc thêm Đào Chính – Đoan Nghiêm, Đối thoại nội tâm, Chương 1, NXB Trẻ, 2007

6 Đọc thêm Deepak Chopra, Bảy quy luật tinh thần của thành công, Chương 1, NXB Văn Hoá Sài Gòn, 2009

7 Đọc thêm Thích Trí Siêu, Thiền tứ niệm xứ, Chương 7. Phương pháp thực hành

Những bài viết liên quan

1 Nhận xét