Bài viết

Tính Không, Siêu Đạo Đức học của Phật Giáo - Thích Nhất Hạnh

4/08/2011 06:42:00 CH

Trì và Phạm (giữ giới và phạm giới)

Trì và phạm là nói về giới. Khi giữ giới thì gọi là trì giới, khi không giữ giới thì gọi là phạm giới. Trì là giữ cho nó còn nguyên vẹn. Còn phạm tức là để nó vỡ nát. Giới thân nói là không được làm cái đó mà mình cứ làm là « phạm giới», còn khi mình tuân theo giới, mình không làm thì gọi là « trì giới ». Những người trì giới là những rất hạnh phúc, rất thanh tịnh. Khi mình không uống rượu, không sử dụng ma túy tức là mình trì giới, nhờ vậy mà thân tâm mình khỏe mạnh an vui. Còn nều mình cứ sử dụng, mình phạm giới thì mình bị nô lệ cho sự nghiện ngập, sự nô lệ ấy làm mình mất tự do và làm khổ cả những người xung quanh.

Trong trường hợp nói dối. Nếu một tên sát nhân đi kiếm người ta để thủ tiêu mà tới hỏi mình anh có thấy người đó không. Mình biết nhưng mà mình phải nói dối. Mà trong trường hợp này mình nói dối tức là mình trì. Nếu mình không nói dối tức là mình phạm. Nếu mình không nói dối thì mình gián tiếp giết người rồi. Vì vậy cho nên có những trường hợp vì tình thương mình bắt buộc phải nói dối. Ví dụ khác, khi thấy một người đang đau khổ, đang gặp hiểm nghèo mà mình không ra tay cứu giúp, thì tuy rằng mình không giết người đó nhưng mà mình đã phạm giới. Khi thấy một người đang đàn áp, đang giết người khác mà mình ngồi yên, bình chân như vại, không tới can ngăn thì mình cũng phạm giới như thường.

Cho nên, có khi trên hình thức là phạm nhưng kỳ thực là mình đang trì, có khi trên hình thức là trì nhưng mà mình đã phạm giới. Đạo đức học trong đạo Phật rất là linh động, nó phải có tính cách khế cơ tức là phải phù hợp với từng hoàn cảnh. Mình có đạo đức học tiêu chuẩn nhưng mà phải đi tới đạo đức học ứng dụng. Và tất cả những cái đó đều phải dựa trên tuệ giác gọi là cái tuệ giác tương tức, tuệ giác bất nhị.

Bất nhị tức là không có hai. Khi chúng ta nói chánh và tà, khổ và vui, lợi và hại, thì theo cách nhìn của đạo Phật thì hai cái đó nương nhau mà thành. Cái này làm nên cái kia, cái kia làm nên cái này. Vì vậy đạo Phật có một quan niệm rất mềm dẻo.

Khi nói Phật và chúng sinh thì mình có một cặp đối lập nhau giống như là lợi và hại, hay là mê và ngộ. Như bùn và sen, nhưng bùn và sen vốn ôm lấy nhau, chúng nương vào nhau mà có, không có bùn thì không có sen, không có sen thì không có bùn. Phật và chúng sanh cũng như vậy. Phật ôm lấy chúng sanh và chúng sanh ôm lấy Phật. Tìm Phật ở trong chúng sanh và tìm chúng sanh ở trong Phật. Phật và chúng sanh không thể tách rời. Cho nên ở trong đạo Phật có giáo lý gọi là “Phật sinh bất nhị”. Phật tức là người tỉnh thức, sinh tức là chúng sinh. Phật và chúng sinh không thể tách rời ra được gọi là bất nhị. Nếu mà không nắm được điều này thì không thể nắm được nền đạo đức Phật học. Nếu mình muốn đi tìm Phật thì phải tìm ngay ở chúng sinh, vì ngoài chúng sinh ra không thể nào có Phật. Khi đã thành Phật rồi không phải mình hết làm chúng sanh. Cho nên hôm trước Thầy có nói rằng là Phật cũng có Phật thân. Phật không có thân thì làm sao gọi là Phật được ? Do đó Phật và chúng sinh không phải là hai cái đối lập. Cũng như hoa sen và bùn không phải là hai cái gì đối lập. Vì vậy cho nên cái thấy lưỡng nguyên là cái ngăn ngừa không cho mình thấy được nền tảng của đạo đức Phật giáo.

Khi tụng Tâm kinh, ta có chữ “Không”. Trong ánh sáng của Tâm kinh, trong ánh sáng của cái không, thì những cặp đối lập như là sanh - diệt, thêm - bớt, có - không, còn - mất đều là những cái gì tương đối hết. “Nghe đây Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc”. Thấy rõ ràng là tính tương tức của vạn vật. Sắc nó ôm lây không, không nó ôm lấy sắc. Ngoài sắc không có không, ngoài không không có sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Ngoài không không có thọ, ngoài thọ không có không. Thọ ôm lấy không, không ôm lấy thọ. “Nghe đây Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc. Xá Lợi Tử nghe đây, thể mọi pháp đều không, không sinh cũng không diệt, không nhơ cũng không sạch, không thêm cũng không bớt”. Không tức là cái thấy vượt thoát tất cả mọi cặp đối lập. Vì vậy cho nên trong ánh sáng của cái không, nó vượt thoát chánh tà, vượt thoát khổ vui, vượt thoát lợi hại, vượt thoát mê ngộ, cái này ôm lấy cái kia, cái kia nó ôm lấy cái này. Mà khi thấy được như vậy rồi thì mình mới có khả năng thiết lập một nền đạo đức. Lĩnh vực này ở ngoài đời gọi là “Siêu đạo đức học”. Gọi là Meta ethic. Và siêu đạo đức học sẽ trở thành rất quan trọng trong thời đại hiện nay. Người ta đã nói về applied ethics tức là đạo đức học ứng dụng.

Siêu đạo đức học

- Semantic. Có ngành gọi là nhận thức luận – epistemology. Nó có ngành bản thể học – ontology. Cho nên trong đạo Phật có rất đầy đủ. Đạo Phật nói về cái danh, tức là danh từ. Đạo Phật nói về nhận thức luận, tức là cái đó mình có thể nhận thức được không hay là không nhận thức được, nhận thức bằng lý luận hay nhận thức bằng trực giác ? Cái đó là bản thể học, nó là nền tảng của tất cả mọi cái. Khi đọc Tâm Kinh Bát Nhã vào mỗi buổi sáng là mình đang tiếp xúc với cái bản thể học. Nếu không nắm vững được cái thấy bất nhị, cái thấy tương tức của Tâm Kinh thì mình không thể thiết lập được một nền đạo đức dựa trên tuệ giác của đạo Phật được. Cho nên khi nghiên cứu về đạo đức học Phật giáo mình cũng có thể trình bày theo cái thấy của các nhà triết học bên ngoài. Tức là mình phải trình bày cái meta ethic (tương tức) của đạo Bụt, mình phải trình bày cái normative ethic (tiêu chuẩn đạo đức học) của đạo Bụt. Mình phải trình bày cái applied ethic (đạo đức học ứng dụng) của đạo Bụt. Khi tân tu lại giới bổn 5 giới hay 14 giới thì mình phải sử dụng cái thấy của mình về cả 3 lĩnh vực đó. Mình sẽ cố gắng làm thế nào để cho 5 giới hay là 14 giới được trình bày mà những người không phải là Phật tử cũng có thể chấp nhận, có thể hiểu được. Đây là công trình mà Đức Thế Tôn muốn chúng ta tiếp nối. Tại vì nền đạo đức Phật giáo mà Ngài đã xướng xuất cách đây đã 2500 năm, Ngài chưa hoàn tất, Ngài chỉ có 45 năm để làm việc ấy. Trước khi Ngài mất, Ngài dặn Thầy Anan là phải tiếp tục công trình đó. Chúng ta đang sống trong thời đại có rất nhiều vấn đề. Chúng ta phải làm công việc này, tu bổ lại giới bổn, và chúng ta không thể nào làm được nếu chúng ta không nắm được bản ý của Đức Thế Tôn. Vì vậy cho nên khoá tu này là một cơ hội để cho tất cả chúng ta có thể ngồi lại với nhau, để làm thử công việc đó. Cống hiến cho thế giới một đề nghị về một nền đạo đức toàn cầu.

Người ta đã nói rằng tiêu chuẩn đạo đức học normative ethics và tìm cách để nói rõ ra cái gì đáng làm, cái gì không nên làm để có hạnh phúc. Nhưng mà siêu đạo đức học đặt lại tất cả các vấn. Anh nói chánh thì thế nào gọi là chánh ? Anh nói tà thì thế nào được gọi là tà ? Anh nói khổ thì thế nào gọi là khổ ? Anh nói vui thì thế nào gọi là vui? Anh nói mê cái gì gọi là mê? Anh nói ngộ thế nào gọi là ngộ? Vì vậy đòi hỏi nền siêu đạo đức học này thế nào cũng phải đưa tới cái thấy bất nhị, cái thấy tương tức của đạo Phật. Đứng về phương diện siêu đạo đức học thì có những nhận thức là ngữ nghĩa họcMình phải trở về với hiện thực của thế giới, xét xem cái gì có thể đưa thêm vào để bổ túc cho văn bản đó. Trong giới thứ ba mà mình đang tân tu đó, giới thứ ba nói về vấn đề quan hệ bất chính. Buổi giảng kỳ trước mình phải nhắc lại một sự thật là trong thời đại chúng ta, tình dục qúa nhiều mà tình yêu thì quá ít. Giới thứ ba có liên hệ tới tình dục và liên hệ tới tình yêu. Vì vậy trong giới thứ ba chúng ta phải đưa vào tứ vô lượng tâm, tức là tình yêu đích thực như trong đạo Bụt dạy. Tình yêu là phải có từ, phải có bi, phải có hỷ và phải có xả. Chúng ta phải làm sống dậy tình yêu và làm giảm thiểu tình dục. Đó là đối tượng của giới thứ ba. Từ, bi, hỷ, xả là những năng lượng tạo ra rất nhiều hạnh phúc. Năng lượng thứ tư, năng lượng xả là năng lượng hết sức màu nhiệm. Xả có nghĩa là không có kỳ thị, không phân biệt. Mở lòng ra để ôm lấy tất cả mọi người và mọi loài. Tình yêu đích thực là tình yêu lớn lên mỗi ngày. Tình yêu càng lớn thì hạnh phúc càng lớn. Xả cũng là không bị kẹt vào cái ngã, không bị kẹt vào cái ích kỷ của mình. Cho nên chữ upeksa mình dịch là xả. Trước đây mình thường dịch là equanimity. Có người dịch là indifference thì nó sai. Equanimity có khi mình dịch là inclusiveness, có khi mình dịch là nondiscrimination và trong ngành đạo đức học ngoài đời họ còn dùng một chứ mà mình có thể dùng được là impasibility (?). Tức là mình muốn cho người nào cũng được như vậy. Mình ôm lấy tất cả, mình không cho mình là đặc biệt.

Tân tu giới bản làm sao để khi đọc tụng phải thấy được cái tuệ giác và từ bi trong đó, để người trì giới tiếp xúc được với cái thấy bất nhị, cái thấy tương tức. Nó làm nền tảng cho hành động của chúng ta. Cố nhiên năm giới mới nó phải dài hơn 5 giới cũ nhưng nó thật sự phản chiếu được tuệ giác của đạo Bụt và sự thực tập của đạo Bụt.

Trích Những Đóng Góp Của Đạo Bụt Cho Nền Đạo Đức Toàn Cầu của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét