Chia sẻ

Âm thanh của sự im lặng

6/03/2011 03:52:00 CH

Trong một lần về Mỹ cách đây vài năm, tôi để ý một âm thanh lạ phát ra từ góc đường nơi tôi thường dừng xe chờ đèn đỏ. Ban đầu tôi nghĩ đó là tiếng chim, sau đó mới biết đó là tín hiệu giao thông dành cho người mù. Khi người mù nghe tiếng “chíp chíp” đó, họ biết có thể qua đường được. Tôi nghĩ đó là một ý tưởng hay. Hôm nay, tôi nhớ lại tiếng “chíp chíp” ngày nào khi tình cờ thấy một người đàn ông mù đang cố gắng qua đường ở ngã tư Phú Nhuận. Dường như theo bản năng, bước chân của ông biết khi nào là an toàn. Thiếu đi thị giác, nhiều người mù lại có thính giác rất phát triển.

Tôi nghĩ nghe là một trong những giác quan tốt nhất của tôi. Phải thừa nhận rằng tuổi tác khiến mắt tôi mờ đi và tai tôi lãng dần trong khi tôi luôn muốn nắm bắt lấy nhiều thanh âm trong cuộc sống. Đáng buồn là khi về Mỹ, tôi phải nghe âm thanh của sự im lặng. Xứ Mỹ có nhiều nơi rất im lặng, không giống như Sài Gòn.


Cũng ở Mỹ, cách đây vài năm, khi đang đứng đợi bạn, bất ngờ tôi nghe một âm thanh lạ “phwut, phwut, phwut, phwut… ”. Hóa ra, đó là tiếng một con quạ đang vỗ cánh cách tôi chừng mười mét. Chính âm thanh ấy khiến tôi sửng sốt nhận ra sự yên lặng đang bao trùm chung quanh. Tôi không nghe được một âm thanh nào khác ngoài tiếng tim đập và hơi thở của chính mình.

Ở Sài Gòn, âm thanh đầy ắp và phong phú như một bữa tiệc buffet tha hồ lựa chọn. Do trái múi giờ, sau khi bay nửa vòng Trái đất về Việt Nam, tôi bị khó ngủ mấy đêm đầu. Không ngủ được, tôi dành thời gian lắng nghe tất cả mọi âm thanh. Phần lớn âm thanh là tiếng người nói, cao hơn tiếng thầm thì một tí, rồi tiếng người đi bộ bình bịch qua con hẻm, tiếng dép lẹt xẹt quét trên vỉa hè và tiếng thạch sùng “chắt chắt” trong nhà mỗi khi chúng chia nhau con mồi vừa bắt được. Bốn giờ sáng, tiếng chuông “boong boong” của ngôi chùa cạnh nhà vang lên trong sự tĩnh lặng còn sót lại của đêm. Từ sáu giờ, xe cộ bắt đầu rầm rập. Tiếng những người phụ nữ đi chợ nói chuyện nghe như tiếng hát ùa vào, lấp đầy khung cửa sổ phòng ngủ của tôi. Sau đó là tiếng những người rao dạo, nào là “bánh mì nóng”, nào là “ai chai, giấy bán không”… trộn lẫn vào nhau và tiếng gió thổi qua rặng tre ngang con hẻm.

Khi đi vào trong đêm Sài Gòn, tiếng người nói trên đường hoặc bán hàng, ăn uống, tiếng cảnh sát giao thông thổi còi và tiếng còi xe đủ loại… là những âm thanh thường xuyên suốt ngày. Xuống sông Sài Gòn, nghe tiếng nước vỗ lấp xấp vào mạn thuyền, những con tàu chở hàng đang đi ngược lên trên, tiếng còi tàu, tiếng động cơ, tiếng nước vỗ hòa với tiếng xe và tiếng ồn của công trường đang xây dựng.

Trường học cũng ồn ào. Tiếng trống báo đổi giờ và sân trường ngập tiếng trẻ em chơi đùa. Tôi nghĩ đó là một trong những âm thanh ưu thích của tôi ở Sài Gòn. Tôi yêu tiếng trẻ em cười, khóc, nói bi bô. Tôi cũng thích tiếng của người phụ nữ Việt Nam vì giọng họ giống như tiếng chim hót líu ríu trên cây.

Tôi yêu âm thanh ở đây. Nó khiến tôi cảm thấy được sống. Khi ở Mỹ, sự yên lặng khiến tai tôi cảm thấy đau nhức. Nhiều người nước ngoài cũng chia sẻ tương tự như vậy. Họ nói rằng cuộc sống ở Việt Nam, nhất là Sài Gòn hối hả, sống động hơn nhiều so với bản quốc của họ. Lần sau khi về Mỹ, tôi sẽ lại nghe tiếng tim mình đập và hơi thở của chính mình. Đó là âm thanh luôn nhắc nhở tôi rằng mình đang sống. Và chừng nào còn sống, tôi còn nhớ âm thanh của Sài Gòn.

Phụ Nữ Mới - Thomas A. Hutchings - Q.A dịch 18/04/2009

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét