Bài viết

Lão Ngoan đồng, thiên ngoại phi tiên

12/13/2012 10:14:00 SA


 “ Thế gian mấy ai không mộng mị ? Kiếp nhân sinh vốn là ảo mộng , sống trên đời vốn là phải đắm chìm vào ngũ uẩn trần gian . Ai người mưu danh cầu lợi , ai người tham phú quý vinh hoa , ta thong dong giữa đời mưa gió , đem tiếng cười xua nhẹ bồn vui . Đời tham cầu chút danh hư ảo , ta cưỡi cá mập rong ruổi ngoài biển khơi . Đời can qua loạn lạc binh đao , ta hả hê cười tan nỗi buồn nhân thế ”. Đọc lại Anh hùng xạ điêu , chợt nhận ra có một người như thế - Lão Ngoan đồng Châu Bá Thông.

Ông bình sinh chẳng tham cầu lợi danh trong thiên hạ, chỉ một lòng mê say luyện võ công. Như người nghệ sĩ yêu nghệ thuật, nhà khoa học yêu chân lý, ông đắm mình trong thế giới võ học, chẳng đoái hoài một chút bụi trần. Câu nói “nổi tiếng” của ông: “một người cơm có thể không ăn, mạng có thể không cần chứ võ công thì không thể không luyện” - tưởng như lời phát ngôn của một kẻ rồ dại điên khùng. Phải, rồ dại đấy, khác người đấy, nhưng cái rồ dại của ông tưởng còn tỉnh táo hơn bao kẻ suốt đời tham đắm trong biển dục vọng, thủ đoạn mưu toan, cốt để cầu chút danh hư ảo.

Ông đắm say trong võ học như đứa trẻ con ngây ngất trong thế giới đồ chơi . Đem cái tâm trong sáng của trẻ con dụng vào luyện võ , ông ham mê chúng . Chẳng vì gì cả chỉ đơn giản đó là thế giới của ông. Ông có cần biết đến “thiên hạ đệ nhất” đâu; vì đối với ông, danh hiệu ấy như cái trò “lăng xăng” chỉ có thể làm bận lòng người lớn chứ chẳng thể làm bận tâm con trẻ.

Ta hãy nhớ lại vị hoàng tử bé trong câu chuyện cùng tên của Saint Exupéry, chú mải mê tìm một cái giếng con trong sa mạc, mải mê chăm sóc một chú cừu và lo lắng về một đóa hoa. Bao nhiêu bận rộn vẩn vơ của người lớn đối với chú thật ngô nghê, buồn cười.

Có phải Châu Bá Thông cũng như một đứa bé con đang mải mê đi tìm thứ gì trong thế giới riêng của nó. Thế giới lãng mạn hồn nhiên của tâm tư con trẻ làm sao dung hòa được cái trần tục, tính toán, xấu xa mà những người lớn tự nhận là “quan trọng”. Và cái tâm không động của Châu Bá Thông, chính cái “không có mục đích” đó lại đưa ông trở thành bậc “thiên hạ đệ nhất”. Ông suốt đời chẳng màng đến Cửu Âm Chân Kinh mà vì nó giang hồ bao phen khổ lụy, có đếm xỉa gì đến mưu cầu hư danh , đến những thấp hèn , toan tính .

Ông say mê luyện võ không phải để tranh đoạt đã đành , cũng chẳng phải vì mục đích gì to tát lớn lao nhưng rốt cuộc chỉ có ông và Quách Tĩnh - những kẻ không tranh giành - lĩnh hội được. Lại một nét cười trong triết lý nhân sinh. Châu Bá Thông chẳng cầu mà được, hóa ra hơn hẳn bao kẻ tham lam, cũng chính vì mang trong mình trái tim con trẻ ấy.

Châu Bá Thông xuất hiện như một nốt nhạc riêng lẻ bất thường giữa những thăng trầm của khung nhạc. Giữa bao yêu hận tình thù đang giăng tấm màn phủ vây cõi đời thế tục, Châu Bá Thông qua ngòi bút Kim Dung đem đến những tiếng cười nhẹ nhàng như xua tan cái tâm trần thế. Lòng dạ sáng trong, tâm không vọng động, tất cả đọng lại trên nụ cười Châu Bá Thông  Ông mở miệng là cười toe toét như trẻ nhỏ, bất luận là vui vẻ hay lâm cảnh khó khăn, nụ cười với ông chẳng bao giờ là thứ hàng xa xỉ.

Ngay đến bậc thánh nhân, bậc hiền sĩ ẩn dật nói là “quên sự đời”, đâu phải ai cũng có được tiếng cười trong sáng ấy. Tiếng cười không ngượng ngập âu lo ấy chỉ có thể là tiếng cười của kẻ không còn cái tâm trần tục. Ở một góc nhìn nào đó, tiếng cười ấy có phảng phất nụ cười của Đức Phật Di-lặc, coi cõi đời chỉ là “không”. Vô tình hay hữu ý, Châu Bá Thông mang trong mình tư tưởng nhà Thiền, tự tại yên nhiên trước cảnh đời thế tục. Khổ đau, an lạc, buồn vui, tất thảy tan biến trong một tiếng cười con trẻ.

“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời”.
(Còn gặp nhau – Tôn Nữ Hỷ Khương)

Là đệ tử Đạo gia nhưng ông chẳng hề mang dáng dấp đạo mạo, thanh cao của bậc chân nhân cốt cách. Một ông già râu tóc bạc phơ, luôn miệng toe toét cười, hoa tay múa chân, suốt ngày rủ người ta bắn bi, tỷ thí võ nghệ, tìm đủ mọi cách chọc ghẹo người khác làm vui, “càng già càng gàn bướng, không ra con người”. Nhưng thử hỏi bao kẻ mang danh người tu đạo, mấy ai đạt được cái tâm bất động, bất phàm như ông?

“Lão Ngoan đồng ơi là Lão Ngoan đồng, huynh mới là bậc anh tài. Hoàng lão tà ta coi nhẹ cái danh, Nhất Đăng đại sư coi cái danh là hư ảo, chỉ có Chu huynh trong lòng không hề nghĩ đến chữ “Danh”, còn cao hơn bọn tiểu đệ một bậc. Đông Tà, Tây Độc, Nam Tăng, Bắc Hiệp, Trung Ngoan Đồng, trong “Ngũ Tuyệt”, huynh đứng đầu!”

Hoàng Dược Sư nói quả chẳng sai. Con người thanh cao coi nhẹ cái “Danh” huyễn hoặc vốn đã là không dễ, người trong lòng không hề nghĩ đến chữ Danh còn khó hơn vạn lần. Khoan nói đến võ công cái thế thiên hạ vô song, riêng một tấc lòng trong sáng như gương đó thôi cũng đã vượt hơn cả muôn người rồi.

Đoạn tình duyên dang dở với Anh Cô là lỗi lầm lớn nhất đời của Châu Bá Thông  Nhưng bi kịch hai mươi năm trời rốt lại cũng được Phật gia hóa giải. “Uyên ương liền cánh muốn cùng bay”, rốt lại cũng thành một giấc mộng. Để về sau, “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”, âu cũng là một tiếng cười nhẹ nhàng, khoan khoái. Thiên ngoại phi tiên - tiên bay ngoài trời - là hình ảnh đẹp đưa con người ta bay về với chân nguyên nhất thể.

Thế gian bao kẻ si mê huyễn vọng, lạc lối đi về, còn mấy ai được như Châu Bá Thông mang tấm lòng thanh cao trong sạch, nụ cười tiếu ngạo, tâm hồn trẻ thơ, mãi đẹp như bậc tiên nhân bay giữa thanh thiên, ngoài cả trần gian danh lợi thị phi này.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 140 | NGỮ ANH

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét