Chia sẻ

Tâm đó không động

3/18/2013 04:53:00 CH


... Lập trường của Thiền tông là trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật. Tức chỉ thẳng tâm người, thấy được tánh mình thì thành Phật. Nhận ra bản tánh rồi thì thành Phật, tức Tự tánh thanh tịnh thiền như đã nói ở trên. Như vậy chữ thành Phật ở đây không có gì lạ hơn là được giác ngộ. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ được cái chân thật sẵn có ở con người mình. Nhận ra được cái thật đó thì không còn lệ thuộc vào hai tướng vô ngã và vô thường. Tức là vượt thoát ra ngoài vô ngã và vô thường. Vì vậy mà gọi là Phật, là giải thoát.

Cho nên chủ yếu tu tập của Thiền tông là kiến tánh, nghĩa là biết rõ cái giả và nhận chân được cái thật ngay nơi con người chúng ta. Ngay nơi con người chúng ta cái nào giả mình biết giả, cái nào thật mình biết thật. Nhận được như vậy gọi là giác ngộ.

Trong nhà Phật nói những gì không có chủ thể, không cố định đều là giả. Chữ giả đây đừng hiểu là không có, không ngơ. Nó có tạm thời, rồi mất. Cái gì có tạm thời rồi mất thì gọi là giả. Như xét về thân này, chúng ta đều biết thân là tướng duyên hợp, tướng duyên hợp thì không có gì bảo đảm bền chắc. Nên chúng ta sống ngày nay thì biết ngày nay, không ai bảo đảm mình sống đến ngày nào, tháng nào hết. Bởi vì cái chết nó đến bất kỳ lúc nào. Mạng sống chúng ta không bảo đảm thì đâu có thật. Không thật nên nhà Phật gọi là giả. Giả là tạm, nó tuy hiện hữu nhưng không bền không lâu, chớ không phải không ngơ.

Thân đã giả, đến tâm thì sao? Đa số quí vị cho rằng tâm mình là sự hiểu biết, phân biệt. Thật ra trong đạo Phật định nghĩa chữ tâm đơn giản lắm, tâm là cái biết. Nhưng cái biết đó có nhiều loại, nhiều thứ. Như quí vị cho rằng kiến thức hay những suy tư của mình là tâm. Nhưng Phật không chấp nhận như thế. Tại sao?

Bởi vì kiến thức của mình là do sự huân tập mà được. Hồi nhỏ năm mười tuổi chúng ta đâu có kiến thức, phải không? Lớn lên chúng ta do học và huân tập nên có hiểu biết. Ai huân tập ngành nào thì giỏi ngành đó, còn người không có phương tiện huân tập thì gọi là dốt. Như vậy kiến thức là sự vay mượn từ bên ngoài, do người khác trao cho. Mình mượn, mình nhặt của người khác thì nói của mình sao được. Nếu nói kiến thức đó của mình thì người máy có bộ nhớ do người ta cài vào là của ai? Chẳng qua do bên ngoài nhồi vào thì nó nhớ, nhớ rồi thành thói quen. Cái gì thật của mình thì không phải do bên ngoài đem đến. Nếu bên ngoài đem đến thì không phải của mình. Cho nên trong nhà thiền có câu nói: “Nếu từ ngoài vào thì không phải của báu trong nhà.”

Nếu chúng ta cho rằng cái suy nghĩ là tâm của mình, thì lúc ngưng suy nghĩ, mình có tâm không? Chẳng lẽ khi đó mình như cây như gỗ. Khi suy nghĩ thì có mình, khi không suy nghĩ cũng vẫn có mình. Như vậy mình không phải là cái suy nghĩ. Nếu nói suy nghĩ là mình thì khi tìm lại nó, nó có không? Nó mất. Như vậy nó chỉ là bóng, có đó rồi mất đó, không thật.

Lại nữa, cái suy nghĩ của mình là đối tượng bị mình biết chớ không phải thật mình. Bây giờ tôi xin hỏi, khi quí vị suy nghĩ, quí vị có biết mình đang suy nghĩ không? Nếu có người hỏi: “Anh đang làm gì?” Đáp: “Tôi đang suy nghĩ vấn đề này.” Rồi lúc không suy nghĩ gì hết, quí vị có biết mình không suy nghĩ không? Vẫn biết. Vậy thì biết mình có suy nghĩ, biết mình không suy nghĩ, cái biết đó lúc nào cũng có. Nhưng nó không phải là cái suy nghĩ.

Lâu nay chúng ta lầm nhận cái suy nghĩ là mình. Cái suy nghĩ đó trong nhà Phật thường gọi là tâm vọng tưởng, nó luôn luôn chuyển biến, không dừng. Còn tâm chân thật chúng ta lại không biết. Vì không biết, không nhận ra tâm chân thật nên chúng ta quên lãng nó, thành ra có cũng như không. Do đó nhà thiền cốt làm sao chỉ cho chúng ta biết ngay nơi thân giả dối này có cái chân thật. Cái chân thật đó, nhà thiền gọi là Bản lai diện mục, trong kinh thì gọi là Phật tánh, là Chân tâm. Bản lai diện mục là gì? Bản là xưa, lai là nay, tức là mặt mắt sẵn có của mình từ xưa đến nay. Bộ mặt ấy đã có từ thuở nào, nên gọi là Bản lai diện mục.

Như vậy trong nhà Phật chia ra hai loại tâm, chân tâm và vọng tâm. Chân tâm là tâm hằng biết, hằng sáng, không có sanh diệt. Vọng tâm là tâm phân biệt sanh diệt. Lâu nay chúng ta chỉ nhận tâm sanh diệt cho đó là tâm mình, còn tâm hằng biết kia chúng ta lại quên mất. Quí vị sẽ thắc mắc tâm hằng biết đó như thế nào, ở đâu, hiện giờ mình có hay không? Tôi xin đơn cử một ít câu chuyện nho nhỏ để chỉ cho quí vị thấy.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật có nói với ngài A-nan tánh thấy lúc nào cũng có. Khi ngủ cũng có thấy, cho tới con mắt mù cũng thấy nữa. Ngài A-nan ngạc nhiên quá! Con mắt mù làm gì thấy?
Khi ngủ quí vị có thấy không? Chúng ta cứ cho rằng khi ngủ không thấy, nhưng thật ra nếu chúng ta đang ngủ, có ai mở đèn thì mình thấy sáng liền, nên mới giật mình thức dậy. Như vậy cái thấy luôn hiện hữu, nhưng vì đóng kín cửa mắt cho nên thấy mờ. Cũng vậy, khi ngủ tai chúng ta có nghe không? Nếu không nghe thì những tiếng động, tiếng đồng hồ reo chúng ta đâu có nghe. Do nghe nên mới thức dậy. Như vậy kể cả khi ngủ, khi thức cũng vẫn có tánh thấy, tánh nghe.

Nhưng nói người mù mà thấy thì lạ quá. Trong kinh Phật nói người mù cũng thấy, ngài A-nan không chấp nhận. Phật bảo:
- Ông ra đường hỏi mấy người mù, xem trước mắt họ thấy cái gì?
Ngài A-nan nói:
- Nếu con hỏi thì họ nói, trước mắt thấy tối đen.
Phật nói:
- Người mù trước mắt thấy tối đen. Với người sáng mắt, ban đêm vào phòng tối cũng thấy trước mắt tối đen. Hai cái thấy đó có khác nhau không?

Người mù thấy tối đen và người sáng mắt khi không có ánh sáng hay ánh đèn, họ cũng thấy tối đen. Người mù thấy tối đen thì nói không thấy, còn người sáng mắt thấy tối đen thì nói thấy tối đen. Sao lạ vậy? Cả hai đều thấy tối đen, mà một bên nói thấy, một bên nói không thấy. Thấy tối đen là thấy rồi, đâu phải không thấy.

Nơi chúng ta đã có thấy tức là có biết, có nghe tức là có biết. Cái hằng biết đó không bị biến động mà chúng ta quên, chúng ta chỉ biết được cái luôn luôn biến động. Khi quí vị suy nghĩ, đó là một dòng biến động. Nếu chúng ta hằng thấy, hằng biết mà không nghĩ gì hết, đó mới là không biến động. Có thấy, có biết tức là có tâm. Tâm đó không động...

Thích Thanh Từ - Trích:"Nói chuyện về thiền tông" tại Đại học KHXHNV

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét