Bản ngã

Trở về với thực tại

3/19/2013 10:53:00 SA


Như vậy sau bài giảng đầu tiên, chúng ta đã biết yếu tố thứ nhất của Thiền là thư-giãn-buông-xả để cho tâm hoàn toàn an nhiên vô sự. Lúc đó dù có đang làm gì thì tâm vẫn có thái độ rỗng lặng trong sáng. Đây là yếu tố cơ bản nhất, chỉ với yếu tố này thôi đã đủ là Thiền rồi.

Thư giãn buông xả có nghĩa là để yên cho mọi sự như nó đang là chứ không can thiệp vào, không cho là, phải là, sẽ là. Buông xả không có nghĩa là loại bỏ trạng thái đang là bằng trạng thái dễ chịu khác. Thí dụ khi đang buồn thì cứ trọn vẹn với nỗi buồn trong thái độ rỗng lặng trong sáng, chứ không phải là loại bỏ nỗi buồn bằng cách tạo ra một niềm vui mới thay thế. Khi cái ta tình cảm hoăc lý trí can thiệp vào thực tại đang là thì đó chính là tạo tác để trở thành khiến tâm rơi vào thập nhị nhân duyên, tạo ra mâu thuẫn nội tại, luân hồi sinh tử.

Như vậy khi hoàn toàn thư giãn buông xả, yếu tố đầu tiên này đã có thể giúp tâm thoát khỏi phiền não và khổ đau. Khi tâm có thể buông được cái Ta ảo tưởng luôn tạo tác để trở thành và để yên cho mọi thứ tự vận hành, là đã hoàn toàn giao phó ta cho pháp. Bên Công giáo gọi đó là giao phó hoàn toàn cho Chúa. Chúa bảo buồn thì cứ việc buồn thôi, không còn thái độ phản kháng hay can thiệp gì nữa. Thật kỳ diệu, tự nhiên toàn bộ gánh nặng vẫn gánh trên vai liền được buông xuống. Ngay lúc đó đã là Niết Bàn, là Vâng Ý Cha.

Khi hoàn toàn thư giãn buông xả thì tâm (tính biết) liền tự rỗng lặng trong sáng. Không phải ta cố giữ tâm rỗng lặng trong sáng vì đó là thái độ xuất phát từ ý đồ của bản ngã, lại rơi vào tạo tác để trở thành mất rồi.

Tâm rỗng lặng (định) và trong sáng (tuệ) Thiền Tông gọi là "tịch chiếu" tức là "lặng lẽ chiếu soi". Đó là lúc tính biết tự nó soi sáng mọi hoạt động của thân-tâm. Ví như khi đang đi với tâm rỗng lặng trong sáng, trên đường thấy cái cột thì tính biết liền biết tự tránh qua, tâm vẫn hoàn toàn lặng lẽ. Nhưng cái Ta ảo tưởng luôn muốn điều khiển liền xen vào:"Cẩn thận cái cột kia kìa, lo mà tránh qua đi không thì đụng bể đầu". Chưa tới cây cột nó đã khiến ta bất an, lo đụng cột. Trên thực tại cây cột bị thêm vào một số ảo tưởng nữa, để mà giải quyết, để mà lo lắng. Rõ ràng sự can thiệp của cái Ta vào thực tại đang xảy ra chính là nguyên nhân của mọi bất an, phiền não và đau khổ.

Chúng ta cần nhận rõ ý tưởng nào khởi tự nhiên do tính biết thấy đúng pháp, và ý tưởng nào xuất phát từ bản ngã muốn tạo tác hay còn gọi là "buông lung phóng dật". Khi tính biết thấy chướng ngại mà khởi lên ý tưởng tránh qua, điều này là hoàn toàn tự nhiên, tránh nhanh hay chậm đều do tính biết tự thấy vô cùng chính xác khi tâm hoàn toàn trọn vẹn với thực tại đang là. Còn khi bản ngã thêm vào ý đồ "lo mà tránh cho nhanh" và nỗi bất an "sợ đụng bể đầu". Ý đồ và nỗi bất an thêm thắt vào này không những gây ra phiền não mà có thể khiến tâm mất đi sáng suốt nơi thực tại nên xử lý không đúng mà đụng vào chướng ngại.

Rồi sáng dậy trễ, còn chưa kịp tỉnh táo thì trong bụng đã lo lắng: "Chết rồi, dậy trễ một chút là trật mất giờ ngồi thiền rồi". Thế là vội vàng chạy ra, cố gắng rửa mặt cho mau để kịp vào ngồi Thiền. Đó chính là "buông lung phóng dật". Lẽ ra thức dậy chưa tỉnh táo thì thấy mình chưa tỉnh táo, dạy trễ thì thấy là trễ, để từ từ thân-tâm tỉnh táo trở lại, rồi bình tĩnh ra rửa mặt, v.v… Đó chẳng phải là đang trọn vẹn với thực tại đang là, đang Thiền hay sao? Nếu tâm không phát hiện ra được khi nào là "buông lung phóng dật", khi nào là Thiền thì có khi càng tu tập càng rơi vào "buông lung phóng dật" mà không hay biết.

"Buông lung phóng dật" chính là ý đồ muốn trở thành của cái ta ảo tưởng, luôn cho là, phải là, sẽ là. Ý đồ muốn trở thành luôn bốc cháy, thôi thúc bên trong. Nó ngược lại với hai thuộc tính của Niết Bàn là tịch tịnh (santi) và nguội lạnh (sìta). Trong Thập Nhị Nhân Duyên thì "buông lung phóng dật" chính là tiến trình Ái (ham muốn trở thành) - Thủ (bị trói buộc vào ham muốn đó) - Hữu (tạo tác để đạt bằng được ham muốn đó).

Trong bài giảng thứ hai, chúng ta nói về tinh tấn sao cho đúng để tâm đang buông lung phóng dật có thể trở về với thực tại đang là.

Khi thư giãn buông xả, tâm đang rỗng lặng trong sáng thì một niệm khởi lên, muốn tinh tấn cho đúng thì ta cần phát hiện ra ý niệm này là từ bản ngã "buông lung phóng dật" hay từ tính biết khi thấy đúng pháp mà phát sinh.

Ý niệm khởi lên tự nhiên do tính biết thấy đúng pháp luôn xuất phát từ cái thực. Cái thực là cái tự nó đang là, tại đây và bây giờ. Không phải cái mình nghĩ là hay cho là. Thí dụ khi thầy đang đứng đây với đầy đủ thân-thọ-tâm-pháp: hai chân đang đứng chịu trên mặt đất, không khí xung quanh đang nóng, đang khát nước, thầy bước tới và lấy cốc nước uống… Tất cả đó là thực kiện, cái thực là sự kiện đang xảy ra cùng với tự tánh, tự tướng của tự thân nó chứ không phải ảo tưởng do ta nghĩ ra.

Còn tâm "buông lung phóng dật" thì luôn bắt đầu từ ảo tưởng. Ảo tưởng thì không thể là cái đang là, mà đã là, sẽ là, cho là, phải là. Khi đang đứng đây, bỗng nhiên nhớ tới sông Hương, núi Ngự ở ngoài Huế. Dù hình ảnh núi sông ấy có đẹp bao nhiêu thì lúc đó cũng chỉ là ảo thôi, không phải hiện thực.

Cái đang là tại đây và bây giờ gọi là thực tại. Khi phát hiện ra mình đang "buông lung phóng dật", tức là tâm đang bám theo những ảo tưởng đã là, sẽ là hoặc cho là, tâm liền buông xả và ngay đó trở về với những gì đang là ngay tại đây và bây giờ. Như thế gọi là tinh tấn, tức là buông xả để tâm trở về với thực tại đang là.

Bình thường thì thân-tâm đang vận hành một cách tự nhiên. Thân-thọ-tâm-pháp đều minh bạch rõ ràng. Khi khởi ý “buông lung phóng dật”, trong tâm liền xuất hiệt một áp lực tâm lý. Ý đồ tạo tác để trở thành thôi thúc ta tìm biết cái gì đó, hay muốn đạt được cái gì đó. Nhận ra ý đồ này không khó nếu tâm đủ tỉnh táo. Và lúc đó điều duy nhất cần làm là thư giãn buông xả. Không cần phải cố gắng làm bất cứ cái gì, kể cả đó là trở về với thực tại. Vì khi thư giãn buông xả thì tự tâm sẽ trở về với những gì đang là. Giống như chiếc dây thun đang bị kéo căng, nhưng chỉ cần buông ra dây thun liền trở về trạng thái tự nhiên của nó vậy.

Thí dụ khi đi chợ, vì tâm "buông lung phóng dật" lo tới chợ muộn hết mất cà-rốt nên chân bước nhanh một cách hấp tấp. Khi phát hiện ra mình đang buông lung trong tưởng tượng hết mất cà-rốt, và kịp thời thư giãn buông xả thì tâm liền thoát khỏi áp lực của nỗi lo lắng đó và trở về trọn vẹn với những bước chân đang đi. Lúc này bước chân vẫn nhanh nhưng sẽ không còn hấp tấp như trước nữa.

Như chúng ta thấy yếu tố thứ nhất cũng là yếu tố cơ bản của Thiền là Thư giãn và Buông xả cũng bao hàm luôn yếu tố thứ hai Tinh Tấn tức là Trở Về Với Thực Tại. Để tâm có thể trở về thực tại đang là, chỉ cần thư giãn buông xả, vì hai thái độ buông xả và trở về thực tại (tinh tấn) xảy ra cùng lúc. Buông xả phóng dật chính là tinh tấn. Vì vậy chỉ hiểu tinh tấn theo nghĩa cố gắng làm gì đó là một sai lầm lớn trong thiền.

Có người tu học rất tinh tấn, kinh sách đọc rất nhiều, khoá Thiền nào cũng tham gia rất tích cực, nhưng lại không biết đóng cái cửa làm sao cho nhẹ nhàng. Vì khi đóng cửa thì tâm đâu có trọn vẹn với việc đóng cửa mà đang tinh tấn đuổi theo lý tưởng "niết-bàn" nào đó. Tinh tấn không đúng chỗ thì dù nỗ lực bao nhiêu cũng chỉ uổng phí mà thôi.

Đối với một số người, do lực "buông lung phóng dật" quá mạnh, để họ trở về với thực tại cần dùng phương tiện hỗ trợ. Thí dụ như tụng kinh. Khi tụng kinh, nhờ tập trung vào lời kinh nên tâm không buông lung nữa, đó là một cách giúp buông xả mà trở về với thực tại. Vậy mà có nhiều người hiểu lầm tụng kinh để đạt được ước mong gì đó, rồi ra sức tụng kinh, thế là tâm đã phóng dật lại càng thêm phóng dật.

Thực ra, bình thường một người đang buông lung, khi phát hiện ra tâm mình đang buông lung theo ảo tưởng và quan sát nó một cách trọn vẹn thì ngay đó ảo tưởng liền chấm dứt và tâm tự trở về với thực tại mà không cần phải cố gắng gì cả. Tiến trình này là ngay lập tức không mất thời gian. Trở về thực tại với Thân-Thọ-Tâm-Pháp như nó đang là có nghĩa là khi đang đi thì trở về với trạng thái di động của thân đang đi, khi đang buồn thì thấy cảm xúc buồn như nó đang là, khi đang đau nhức thì thấy cảm giác đau nhức vậy thôi. Không thêm, không bớt, không xen vào bất cứ điều gì.

Trong thực tại đang là, Thân-Thọ-Tâm-Pháp được nhận biết tự nhiên một cách toàn diện, nhất quán, không tách rời. Chỉ là tuỳ duyên cái nào nổi trội thì nhận biết rõ ràng hơn những cái còn lại mà thôi. Trừ khi theo một phương pháp thiền chế định của một thiền sư nào đó, người ta mới phải dụng tâm hay chủ ý niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm hay niệm Pháp một cách riêng rẽ.

Không cần biết mình có đang tu tập theo một phương pháp nào hay không. Chỉ cần tự chiêm nghiệm xem càng tu tập thì tâm lượng càng "mở ra" rộng lớn, hay ngược lại càng tu tập thì tâm càng bị "trói buộc" vào những mục đích cao siêu xa vời với thực tại. Thực hành đúng hay sai chính là ở chỗ này.

Vạn vật trong vũ trụ, bao gồm cả thân-tâm mỗi người luôn vận hành một cách tự nhiên hoàn hảo. Chỉ có bản ngã ảo tưởng muốn thêm, bớt, xen vào thực tại đang diễn ra làm nó bị lệch lạc đi. Có thể hình dung cái Ta ảo tưởng luôn "thọc gậy bánh xe” pháp, mà người nào gây ra “thọc gậy bánh xe” sẽ phải hứng chịu hậu quả từ những sai lệch đó chứ không ai khác chịu thay được cả.

Pháp thoại buổi 1: Pháp đã hoàn hảo nơi mỗi người
Pháp thoại buổi 3: Trọn vẹn với thực tại
Pháp thoại buổi 4: Trong sáng với thực tại
Viên Minh
Pháp thoại buổi 2 - khoá thiền 11 tại chùa Bửu Long

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét