Bản ngã

Trọn vẹn với thực tại

3/20/2013 10:07:00 SA


Trong 2 buổi trước, chúng ta đã nói về 2 yếu tố rất quan trọng của Thiền là thư giãn buông xả và trở về với thực tại. Phân chia các yếu tố của Thiền cho dễ hiểu chứ thực tế các yếu tố này xuất hiện cùng lúc và ngay lập tức. Không phải rèn luyện từng bước, xong yếu tố 1 mới tới yếu tố 2. Khi buông xả thì ngay đó cũng trở về thực tại. Vi tế thì nó là 2 yếu tố, nhưng không thể tách rời nhau như nhiều người thường nghĩ.

Yếu tố đầu tiên của Thiền là buông xả. Ai cũng muốn buông xả nhưng rất ít người hiểu thế nào là buông xả. Thường thì chúng ta hiểu buông xả nghĩa là đang buồn thì buông cái buồn đi, đang đau khổ thì buông đau khổ đi. Tức là làm sao để luôn được ở trong trạng thái hay điều kiện lý tưởng theo mong muốn của mình. Hiểu buông xả tức là buông bỏ trạng thái như vậy là hoàn toàn sai. Buông xả chúng ta nói ở đây là buông thái độ phán xét, tìm cầu của bản ngã ảo tưởng chứ không phải buông trạng thái đang là nơi thân-tâm-cảnh.

Trong tiến trình nhân-quả thì thái độ là nguyên nhân, trạng thái là kết quả. Trong Tứ Diệu Đế thì thái độ tương ứng với Tập Đế, trạng thái tương ứng với Khổ Đế. Tập đế là nguyên nhân dẫn tới cái khổ được gọi là Khổ đế. Cái cần điều chỉnh là nguyên nhân chứ không phải kết quả. Nguyên nhân của khổ đau vẫn còn đó thì có thay đổi kết quả cũng vô ích.

Thí dụ khi bị ai nói xấu điều gì đó, chúng ta thường có thái độ chống đối lại, thái độ này khiến tâm rơi vào trạng thái buồn khổ. Trạng thái này có thể được che lấp, hay thay thế bằng cách tạo ra một trạng thái khác. Thí dụ mở nhạc vui ra, hay đi shopping hoặc đi uống rượu, vv… Nỗi buồn tạm thời bị che lấp và đẩy vào vô thức. Hạt giống "buồn" đã được gieo xuống đất tâm. Đến lúc thích hợp nó sẽ nảy mầm. Rõ ràng giải quyết bằng cách thay thế trạng thái bất như ý bằng trạng thái như ý muốn của mình là hoàn toàn sai lầm.

Mục đích của Thiền là thấy ra sự thực về cuộc sống chứ không phải để thay đổi trạng thái không như ý thành trạng thái lý tưởng theo ý mình. Vì vậy thái độ thích hợp nhất chính là để yên cho mọi thứ vận hành tự nhiên, không can thiệp, xen vào phê phán hay giải quyết gì cả. Tức là thân-tâm đang ở trạng thái nào thì cứ để yên trong trạng thái đó. Từ đó mà thấy ra bản chất thực của trạng thái ấy. Đó chính là buông xả. Buông ở đây là buông thái độ lăng xăng, can thiệp, giải quyết của bản ngã ảo tưởng, để cho pháp như nó đang là vậy.

Khi đang buồn, không nên có thái độ trốn tránh cũng không xen vào phán xét hay giải quyết gì cả. Cứ trọn vẹn với nỗi buồn như nó đang là thì nỗi buồn sẽ nhanh chóng qua đi mà không để lại một dấu vết nào. Không có hạt giống nào bị gieo vào vô thức cả. Lý do ở đây rất đơn giản và khoa học.

Tâm rơi vào trạng thái được gọi là "buồn" do kết quả của một loạt những ảo tưởng xảy ra trước đó. Vào thời điểm này tự nhiên tâm phải rơi vào trạng thái "buồn", điều này nằm trong qui luật tự điều chỉnh của tâm. Sau những vọng động tâm đã trải qua, nó cần phải rơi vào trạng thái "buồn" như vậy để tự điều chỉnh lại. Tiến trình này là đương nhiên,  giống như mây mù giăng dày đặc thì chắc chắn phải mưa xuống thôi.

Trạng thái buồn đang diễn ra là cần thiết và tốt cho tâm chứ không xấu như chúng ta tưởng. Vì vậy khi để yên cho tâm tự hoàn thành tiến trình tự điều chỉnh, tức là để yên cho nỗi buồn như nó đang là mà chỉ thấy thôi, thì nó sẽ qua đi một cách tự nhiên. Tâm đã tự điều chỉnh lại và trở về bình thường, không còn "dấu vết" nào được lưu lại.

Nếu cưỡng lại tiến trình tự nhiên này, tức là muốn ép trạng thái buồn phải dừng lại, hoặc thay thế nó bằng trạng thái vui dễ chịu hơn thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối. Tâm không hoàn thành được tiến trình tự điều chỉnh sẽ để lại "hạt giống" trong vô thức có hại về sau. Những dấu vết này chính là nghiệp mà mỗi người sẽ phải gánh chịu. Ví như chiếc máy tính đang chạy bình thường, bỗng dung tự ý ngắt điện cái "rụp". Chỉ cần chục lần cắt ngang như vậy thì phải cài đặt lại toàn bộ hệ thống từ đầu.

Còn trường hợp mất tỉnh táo để mình bị chìm đắm trong nỗi buồn thì thật tai hại. Thay vì trọn vẹn với trạng thái buồn như nó đang là, chúng ta lại đắm chìm trong chính các ảo tưởng khiến cho trạng thái buồn gia tăng. Càng chìm đắm trong những ảo tưởng này thì càng làm cho nỗi buồn mạnh lên, khiến tâm càng bị tổn hại. Vì thế tâm càng cảm nhận sâu vào nỗi "buồn" hơn mới có thể tự điều chỉnh lại được. Nếu tổn hại lên quá cao, người ta có thể ngất đi. Đó là tâm tạm thời tự động thoát khỏi sự bức bách để điều chỉnh và bảo vệ mình. Hiểu được nguyên lý trên giúp chúng ta có niềm tin vào sự vận hành tự nhiên của pháp. Niềm tin này giúp việc thực hành được dễ dàng hơn.

Yếu tố thứ hai của Thiền là trở về với thực tại hay nói cách khác là tinh tấn.
Khi thư giãn buông xả thì có 2 thứ được trở về: Một là tâm đang lăng xăng tạo tác tự trở về rỗng lặng trong sáng, hai là những ảo tưởng cho là, phải là, sẽ là liền trở về với thực tại đang là. Đó là lúc nội tâm thanh tịnh và thấy rõ các pháp, mà Đức Phật gọi là hai Thắng đế, mục đích cuối cùng của sự tu tập.

Yếu tố thứ ba của Thiền là trọn vẹn với thực tại, tức chính niệm. Nếu tâm hoàn toàn trở về với những gì đang là mà không còn lăng xăng nắm bắt điều gì bên ngoài nữa thì đó chính là chánh niệm hay trọn vẹn với thực tại ngay đây và bây giờ. Khi đang buồn và trọn vẹn với nỗi buồn như nó là, tâm sẽ thấy rõ buồn chỉ là buồn thôi, không có ai đeo mang nỗi buồn này cả. Tâm nhận rõ cái gọi là buồn (danh) bao gồm thọ và tâm qua những gì đang diễn ra nơi thân (sắc). Tâm thấy rõ chúng từ khi sinh ra như thế nào (sinh) cho đến khi mất đi như thế nào (diệt). Lúc đó không có ai đang quan sát nỗi buồn, không còn phân biệt đối tượng và chủ thể. Chỉ có nỗi buồn đang tự vận hành trong tiến trình sinh diệt của nó. Đó là lúc tính biết thực sự trọn vẹn với pháp, với những gì đang xảy ra.

Như vậy trong cả 3 yếu tố của Thiền đều không cần ai làm gì cả. Khi buông xả tức là để yên cho mọi sự tự vận hành, thì đâu cần làm gì. Khi tinh tấn, tức trở về với thực tại như nó đang là, không can thiệp hay xen vào, như vậy cũng không cần làm gì cả. Khi chánh niệm tức trọn vẹn với thực tại như nó đang là thì không có cái Ta ảo tưởng, chỉ còn danh-sắc đang tự vận hành trong tiến trình sinh diệt theo nguyên lý của nó, vậy cũng không cần có ai làm gì cả.

Cả 3 yếu tố này là một chuỗi vận hành tự nhiên không cần cái “ta” làm gì cả. Điều này cần được hiểu rõ, vì khởi đầu đúng thì về sau mới đúng được. Khi buông xả đúng thì tâm sẽ trở về đúng thực tại đang là, khi trở về được với thực tại đang là thì tâm mới trọn vẹn với sự vận hành của thực tại. Chỉ có hoàn toàn trọn vẹn với thực tại đang là, tâm mới thấy được danh-sắc, thấy được vô thường, thấy được sinh diệt của các pháp. Đó chính là tuệ đầu tiên của Thiền Vipassanà.

Hoàn toàn trọn vẹn với thực tại như nó đang xảy ra được gọi là chính niệm. Còn nếu tâm khởi lên muốn biết thân đang ở trạng thái gì? Cảm giác này ra làm sao? Tâm này là tâm gì? Thì ngay đó đã rơi vào thất niệm. Đó là ý đồ muốn đạt được sở tri và sở đắc, là trở ngại của thiền.

Nguyên lý thực hành chánh niệm ở đây chính là: khi đang đi, đang ngồi, đang nói, đang nghe hay đang biết, v.v… tức là thân tâm đang là như thế nào thì buông ra trở về trọn vẹn với cái đang là như thế ấy.

Tiến trình tinh tấn-chính niệm-tỉnh giác xảy ra ngay lập tức không qua thời gian. Không mất một quá trình tu tập nào cả. Khi buông ra tâm liền lập tức trở về trọn vẹn với thực tại mà không cần phải cố gắng duy trì một trạng thái nào cả. Trở về với thực tại đang là như thế nào thì cứ như thế ấy. Nghe chỉ là nghe, thấy chỉ là thấy, biết chỉ là biết thế thôi, chứ không phải cố nghe thấy cái gì, nhìn rõ cái gì, biết thêm cái gì cao xa ghê gớm lắm đâu.

Như vậy quan trọng không phải là tu, không phải là cố gắng rèn luyện mà là ngay tại đây và bây giờ có trực nhận được thực tại như nó đang là hay không? Có nhiều người do "bay bổng" đã lâu, nên nhiều khi đã trở về với thực tại rồi mà đâu có nhận ra. Cứ tưởng thực tại là những thành quả sở tri, sở đắc mà mình đạt được, hoặc là phải thấy ra cái gì đặc biệt lắm.

Nhiều người hiểu lầm cái gọi là "thực tại mầu nhiệm", cứ tưởng hàm ý rằng trong thực tại ấy ắt phải có cái gì cao siêu huyền diệu hoặc vẻ đẹp siêu nhiên mà tâm bình thường không nhìn thấy được. Tâm còn thấy khái niệm xấu-đẹp, cao thấp… bên ngoài thì sao có thể trực nhận mọi thứ từ bên trong như nó là, sao có thể gọi là mầu nhiệm được!

Khi trọn vẹn với thực tại tức là có chính niệm thì tâm thể nghiệm thực tại từ bên trong. Đó không phải là cái thấy biết của chủ thể khi quan sát đối tượng từ bên ngoài, mà là tính biết trực tiếp cảm nhận pháp đang vận hành từ bên trong. Nếu pháp đang vận hành là nỗi buồn thì tính biết đang trải nghiệm và đang trực nhận chính nỗi buồn đó. Diễn giải điều này bằng ngôn ngữ thật khó khăn, nhưng trong thực hành thì ngay khi buông thái độ can thiệp lăng xăng và trở về trọn vẹn với thực tại đang là thì thấy điều này rất rõ ràng.

Đức Phật có dạy dù có người cúng dường bảy báu bằng tam thiên đại thiên thế giới đến chư Phật và Thánh nhân trong vòng một trăm năm phước đức tuy lớn nhưng vẫn không bằng một giây phút người đó hết lòng quy y Tam Bảo. Nói vậy không có nghĩa là khỏi cần bố thí, trì giới, tham thiền gì hết, chỉ làm lễ quy y Tam Bảo rồi là xong. Vì giây phút hết lòng quy y Tam Bảo chính là đang trọn vẹn Sáng Suốt - Định Tĩnh - Trong Lành. Khi hành động, nói năng, suy nghĩ với tâm sáng suốt đó là quy y Phật, với tâm tĩnh lặng là quy y Pháp, với thái độ trong lành là quy y Tăng. Điều này chỉ có thể xảy ra khi tâm buông được cái bản ngã lăng xăng tạo tác để trở về trọn vẹn với thực tai đang là.

Như vậy câu nói của Đức Phật có thể hiểu là buông xả để trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại dù chỉ một phút giây còn hơn sống một trăm năm mà để cái ta lăng lăng tạo tác không thấy được thực tại là gì. Trở về trọn vẹn với thực tại đã bao hàm quy y Tam Bảo trong đó rồi.

Việc thực hành niệm sự thở, bốn oai nghi, mọi động tác về Thân, hoặc niệm Thọ, niệm Tâm, niệm Pháp… đều không có nghĩa là phải tìm kiếm gì trong đó mà chỉ đơn thuần là trở về trọn vẹn với thực tại đang là để thấy nó từ bên trong. Thấy ra sự vận hành của những thực tại ấy như thế nào, từ đó thấy được thực tánh vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp.

Có một điều kỳ lạ, khi trọn vẹn với nỗi buồn như nó đang là, hoàn toàn không còn bản ngã khởi lên, tức là không còn một chút tham-sân-si nào can thiệp vào thì buồn "chính là" Niết Bàn. Nói chính xác hơn nếu trên nỗi buồn đó không có thái độ tham-sân-si của bản ngã thì đó là Niết Bàn.

Thật ra buồn chỉ là một cái tên mà bản ngã gán cho trạng thái thân tâm (danh sắc) hay tiến trình tâm sinh vật lý đang diễn ra mà thôi, còn thực trạng tự nó vẫn là pháp. Nó vốn hoàn toàn vô ngã. Như chúng ta đã biết Niết Bàn là thái độ chứ không phải trạng thái, vì vậy Niết Bàn không có nơi chốn, nằm ngoài thời gian. Dù thân-tâm đang ở trong bất kỳ trạng thái nào, vui, buồn, lạc, khổ mà thái độ thấy biết vẫn thanh tịnh thì ngay đó là Niết Bàn.

Nhà tiên tri Công giáo Isaia có nói:"Lối vào Thiên Đường là khung cửa hẹp", hẹp ở đây không nói về kích thước mà "hẹp" về thời gian. Cánh cổng xuất hiện như một tia chớp, luôn bất ngờ và chỉ tồn tại trong thời gian cực ngắn là một sát-na. Nếu người nào có thể trọn vẹn với thực tại đang là trong từng sát-na thì sẽ có cơ hội lọt qua "khung cửa hẹp". Điều này được cho rằng còn khó hơn việc "con lạc đà chui qua lỗ kim" vì bản ngã luôn lăng xăng tìm kiếm, muốn cái này cái kia ở quá khứ, tương lai và bên ngoài nên có chịu yên với thực tại được đâu.

Để hoàn toàn trọn vẹn với thực tại dù trong một sát-na không phải dễ, tuy nhiên cũng không khó nên vẫn có người vào được. Khi mọi thứ đã chín muồi, tư tưởng và thời gian ngưng bặt và cái ta ảo tưởng tự biến mất, thì cái “không là gì cả” (vô ngã) đương nhiên vượt qua “khung cửa hẹp” một cách tự nhiên và quá dễ dàng. Chúng ta quá may mắn vì có Đức Phật và các bậc tiền bối đã đi qua và đã từ bi chỉ lại.

Chúng ta cứ thường sống trọn vẹn trong sáng với thực tại, đừng mong cầu sở tri sở đắc nào thì rồi một ngày đẹp trời nào đó thời cơ sẽ đến, bỗng nhiên mọi thứ rơi rụng hết chỉ còn thấy thực tại như nó thật sự là mà thôi. Đó chính là lúc khung cửa hẹp được mở toang, không còn chướng ngại nào nữa.

Chỉ cần nhớ là càng sống tự nhiên, vô tâm và giản dị chừng nào thì tâm càng rỗng lặng trong sáng và càng dễ giác ngộ giải thoát chừng đó. Cánh cửa giác ngộ sẽ tự mở ra khi tâm hoàn toàn buông xuống, không phải do bản ngã ảo tưởng nỗ lực mà thành.

Pháp thoại buổi 1: Pháp đã hoàn hảo nơi mỗi người
Pháp thoại buổi 2: Trở về với thực tại
Pháp thoại buổi 4: Trong sáng với thực tại
Pháp thoại buổi 5: Nhẫn nại với thực tại
Pháp thoại buổi 6: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã

Viên Minh
Pháp thoại buổi 3 - khoá thiền 11 tại chùa Bửu Long


Những bài viết liên quan

0 Nhận xét