...Phật nói về bốn giai đoạn của người tìm kiếm tâm linh. Giai đoạn thứ nhất ông ấy gọi là người chiến thắng dòng chảy, Tu đà hoàn hay đạo quả Nhập Lưu (vào dòng). Người chiến thắng dòng chảy tức là người đã đi vào phật trường, người đã được khai tâm, người đã trở thành một sannyasin. Tại sao lại gọi là Người chiến thắng dòng chảy? - bởi vì người đó không còn đứng trên bờ nữa, người đó không còn tĩnh tại nữa; người đó bắt đầu xuôi theo dòng đời. Người đó không còn tranh đấu với dòng sông nữa. Bản ngã đã quen đấu tranh với dòng sông và bản ngã đã quen đi ngược dòng không còn đó nữa.
Bây giờ lần nữa, bạn sẽ cảm thấy nó là ngớ ngẩn. Dòng chảy đã thắng, đó là lí do tại sao người đó được gọi là người chiến thắng dòng chảy. Người đó đã vứt bỏ mọi xung đột. Người đó đã buông xuôi, đó là lí do tại sao người đó lại trở thành thắng lợi, đó là lí do tại sao người đó được gọi là người chiến thắng dòng chảy. Những lời lạ lùng. Đầu tiên người đó đã cố gắng để thắng dòng chảy. Đó là điều mà tất cả mọi người trên thế gian này đều làm - cố gắng làm cho cuộc sống tuân theo những ham muốn và kế hoạch và phóng chiếu riêng của mình; cố gắng áp đặt một hình mẫu mang dấu ấn riêng của mình, của các giấc mơ riêng của mình, của những ham muốn riêng của mình vào cuộc sống. Mỗi người đều cố gắng lội ngược dòng, mỗi người đều cố gắng tranh đấu với cuộc sống, với tự nhiên, với Thượng đế.
Đời người thông thường là cuộc sống của xung đột. Nhưng trên thực tế, bạn đấu tranh với ai? Bạn đấu tranh chống lại cội nguồn của riêng bạn. Bạn đấu tranh với ai? Với chính bạn. Và cuộc đấu tranh ấy dẫn bạn đến những thất vọng ngày càng sâu sắc hơn, vì bạn không thể chiến thắng được; đấy không phải là cách để thắng. Bạn sẽ thua, vì bạn chỉ là một phần nhỏ nhoi mà sự tồn tại thì lại rộng lớn, mênh mông. Bạn không thể thắng khi chống lại nó. Bạn chỉ có thể thắng khi cùng với nó. Bạn không thể thắng nếu chống lại nó, bạn chỉ có thể thắng nếu đi qua nó. Nếu nó hỗ trợ bạn, bạn có thể thắng. Nếu nó không hỗ trợ cho bạn, bạn có thể cứ tin tưởng là bạn thắng, nhưng rồi bạn sẽ thua.
Đó chỉ là vấn đề thời gian. Sớm hay muộn, bạn sẽ mệt mỏi, thất vọng, kiệt sức vì tranh đấu, và thế thì bạn sẽ bỏ cuộc - nhưng thế thì bạn bỏ cuộc trong thất bại. Và thế thì trong thất bại đó chẳng vui vẻ gì. Làm sao có thể vui vẻ được trong thất bại? Người hiểu biết đều biết rằng trước khi thất bại đến, nếu bạn có thể buông xuôi thì sẽ có niềm vui.
Buông xuôi và thất bại thật khác nhau thế và giống nhau thế. Người thất bại có vẻ như là đã buông xuôi, và người đã buông xuôi cũng dường như là người thất bại, nhưng đó chỉ là bề ngoài, chỉ trên bề mặt. Sâu bên dưới họ là những thế giới tách biệt. Người thất bại cảm thấy tức giận, cuồng nộ, thất vọng, người đó trong địa ngục. Người buông xuôi, người đã buông xuôi, không có khổ sở. Người đó vui vẻ, người đó cực lạc. Người đó đã hiểu ra rằng toàn bộ cuộc đấu tranh là vô nghĩa, rằng toàn bộ cuộc đấu tranh ấy đã mang định mệnh thất bại, phải chịu số phận thất bại.
Cứ dường như tay trái đánh nhau với tay phải. Cứ dường như các ngón tay đánh với thân thể. Làm sao chúng chiến thắng được? Điều đó đã được thấy trước rồi. Người hiểu biết thì buông xuôi. Người đó nói, "Đó là ý Trời. Phải thuận theo ý trời. Để thiên quốc tới." Người đó nói, "Tôi không còn nữa. Cứ thổi qua tôi. Biến tôi thành cây trúc rỗng, chiếc sáo trúc. Nếu ngài muốn, cứ hát qua tôi. Nếu ngài không muốn thế, để im lặng đi qua tôi." Người đó trở thành lối đi. Người đó bắt đầu trôi theo dòng nước. Người đó nói, "Cứ để cho dòng đời chiếm hữu lấy tôi. Tôi sẽ không đấu tranh. Thậm chí tôi cũng chẳng bơi nữa. Tôi sẽ trôi nổi, tôi sẽ đi theo gió."
Đi vào trong hiểu biết như vậy với cuộc sống được gọi là trở thành người chiến thắng dòng chảy. Nhưng đó là một từ kì lạ. Buông xuôi được gọi là chiến thắng - vì đấu tranh dẫn đến thất bại và thua cuộc. Buông xuôi dẫn đến chinh phục, đến thắng lợi.
Cuộc sống này là ngược đời. Phật có thể làm gì được? Cuộc sống là ngược đời. Những người đã buông xuôi chứng tỏ mình là người chiến thắng còn những kẻ cứ tranh đấu thì một ngày nào đó nhận ra rằng mình đã bị mất toàn bộ năng lượng trong trận chiến và chẳng có dấu vết nào của chiến thắng ở đâu cả.
Nhớ lấy, Alexander đã thất bại, không phải Francis. Napoleon đã thất bại, không phải Jesus. Thành Cát Tư Hãn và Tamurlane đều thất bại, không phải Phật. Lịch sử thật không nên bận tâm đến những kẻ thất bại - Thành Cát Tư Hãn, Tamurlane, Alexander. Lịch sử thật nên nghĩ nhiều về Phật, Jesus, Francis - người thực sự chiến thắng. Nhưng chiến thắng của họ bắt nguồn từ buông xuôi của họ.
Nghĩ về điều đó đi, chỉ nghĩ về cái đẹp và phúc lành của nó, khi bạn không tranh đấu, khi bạn chỉ trôi xuôi theo dòng sông. Nó đem bạn ra đại dương, nó đang đi ra đại dương. Bạn cứ hay làm ồn ào một cách không cần thiết. Nó vẫn đang trôi đi đấy thôi. Đơn giản đi với nó đi và bạn sẽ ra tới đại dương, tới điều tối thượng, tới cái vô hạn. Việc buông xuôi hoàn toàn này cho sự tồn tại, Phật gọi là kết quả của Người chiến thắng dòng chảy.
Phật nói rằng có đôi điều mà người chiến thắng dòng chảy cần vứt bỏ. Một là bản ngã, hai là sống theo nguyên tắc và lễ nghi và ba là nghi ngại, do dự. Tâm trí nghi ngại không thể thảnh thơi. Tâm trí nghi ngại không thể buông xuôi. Tâm trí nghi ngại không thể hiện hữu toàn bộ được: một phần cứ tranh đấu, một phần cứ nói không. Tâm trí nghi ngại không thể nói có tuyệt đối, mà đó là nền tảng của việc trở thành người chiến thắng dòng chảy - nói có với cuộc sống, nói có một cách vô điều kiện, nói có một cách đơn giản, bằng toàn thể bản thể bạn. Điều đó đủ là lời cầu nguyện. Nếu bạn có thể đơn giản ngồi im lặng và có thể nói có với sự tồn tại, thì cũng đủ - chẳng cần thêm gì nữa, không cần lễ nghi...
Nếu bạn nói, "Tôi đã buông xuôi", thì bạn chẳng buông xuôi tí nào, vì làm sao bạn có thể buông xuôi được? Chính bạn phải bị buông xuôi. Cái ‘tôi’ phải bị buông xuôi. Bạn không thể nói, "Tôi đã buông xuôi". Nếu đấy là cái gì đó của việc bạn làm thế thì đấy không phải là buông xuôi.
Mọi người đến tôi và họ hỏi, "Làm sao chúng tôi có thể buông xuôi theo thầy được?" Và tôi nói, "Bạn không thể làm được điều đó. Bạn là chướng ngại cho việc buông xuôi. Bạn chỉ cần tránh sang một bên và việc buông xuôi có đấy."
Buông xuôi không phải là cái gì đó phải làm hay cái có thể được làm; nó không phải là việc làm. Buông xuôi là hiểu biết. Cái ‘tôi’ bao giờ cũng trong tâm trạng đấu tranh. Cái ‘tôi’ chưa bao giờ không tranh đấu: nó tồn tại qua đấu tranh, nó sống qua đấu tranh, nó phụ thuộc vào đấu tranh. Hoặc là bạn đấu tranh với người khác hoặc, nếu bạn thay đổi, thì bạn lại bắt đầu tranh đấu với chính mình. Đó là điều các tu sĩ vẫn thường làm trong các tu viện. Vì đã từ bỏ thế gian, họ không còn tranh đấu với ai nữa; bây giờ họ bắt đầu tranh đấu với bản thân mình.
Thân thể nói, "Tôi đói," còn họ nói, "Không." Thế là đấu tranh bắt đầu. Bây giờ bản ngã đã nảy sinh theo cách mới. Bản ngã nói, "Trông đây, tôi kiểm soát thân thể giỏi làm sao! Tôi là chủ còn thân thể là nô lệ đấy." Mắt bạn mệt mỏi và chúng nói, "Buồn ngủ quá!", còn bạn nói, "Không, ta đã quyết định thức suốt cả đêm rồi. Đấy là việc thiền của ta. Ta đang thực hiện thiền đặc biệt. Ta không thể ngủ được." Và bạn cảm thấy dễ chịu. Bây giờ bạn đang đấu tranh.
Thân thể bạn muốn một chút tiện nghi, còn bạn thì ngủ trên tảng đá. Thân thể bạn muốn được một chút chỗ trú ngụ thì bạn lại cứ đứng ở ngoài trời nóng. Thân thể bạn muốn mặc quần áo ấm thì bạn lại cởi trần trong giá rét. Đây là những cách đấu tranh. Giờ đây bạn không còn đấu tranh với thế giới nữa cho nên bạn đấu tranh với chính mình, bạn tự phân chia mình thành hai.
Bản ngã sống trong cọ xát; bất kì kiểu cọ xát nào cũng được. Chồng đánh vợ, vợ đánh chồng. Đây chẳng là gì khác hơn những cách nuôi dưỡng cho bản ngã. Bạn càng đánh nhau, bản ngã càng trở nên mạnh thêm và sức mạnh lớn nhất mà bản ngã nhận được là từ đấu tranh với chính bản thân bạn, vì đó là trận chiến gay go nhất. Giết ai đó khác là việc dễ dàng; còn tự giết mình dần dần, liên tục, kéo dài nhiều năm, là việc khó khăn, tự sát chậm chạp, và bản ngã cảm thấy rất thích. Đó là lí do tại cái gọi là những kẻ tu hành tôn giáo lại có bản ngã lớn thế; bạn sẽ không tìm được những bản ngã lớn như thế ở những người thường trong bãi chợ. Nếu bạn muốn thấy những bản ngã thực sự khổng lồ, nếu bạn muốn thấy họ thế nào, thì lên Himalayas và trong các hang động bạn sẽ thấy họ.
Người đã tự buông xuôi không thể tuyên bố rằng "tôi đã buông xuôi," người đó chỉ có thể nói buông xuôi đã xảy ra. Người đó chẳng được cái gì như là một vật cả. Trên thực tế, thay vì thu được cái gì đó thì người đó lại vứt bỏ luôn chính ý niệm đạt được. Đó là lí do tại sao người đó được gọi là người chiến thắng dòng chảy.
Người đó đã vứt bỏ toàn bộ đấu tranh, toàn bộ cuộc chiến mà người đó đã theo đuổi từ vô số kiếp. Người đó chẳng thể chỉ cho bạn thấy điều gì và nói, "Tôi đã được cái này! Thấy không! Đây là thắng lợi của tôi." Người đó không thể giới thiệu cái vương quốc mà người đó đã thu được. Người đó không đạt được bất kì cái gì thấy được...
OSHO
Trích từ cuốn "Kinh Kim cương"
0 Nhận xét