... Trong tu học Phật giáo, thái độ tu tập theo kiểu “tu luyện” là một trong những sai lầm lớn nhất. Trong Đạo Phật không có tu luyện, bởi vì chỉ có bản ngã tu luyện để trở thành đại ngã, trong khi sự thật tất cả đều đã có sẵn, chỉ tại ảo tưởng về bản ngã, vô minh ái dục làm hỏng mọi chuyện, rồi tự rước lấy cái khổ từ nơi ảo tưởng đó.
Sự thật là mình có ảo tưởng, có vô minh cỡ nào thì sự thật vẫn sẵn có đó, pháp mà Đức Phật dạy vẫn sẵn có đó, chứ không phải do mình ảo tưởng nên là chân lý biến đâu mất. Chân lý vẫn muôn đời là chân lý, chỉ là mình có thấy hay không? Còn mình ảo tưởng thì tự chuốc lấy khổ mà thôi. Vì vậy cho nên trong Đạo Phật không có tu luyện để trở thành, tu luyện để trở thành tức là ái – thủ - hữu. Trong thập nhị nhân duyên, ái - thủ - hữu là ba bước chính tạo ra luân hồi sanh tử.
Trong Đạo Phật chỉ có từ “giác ngộ” thôi, giác ngộ tức là gì? Giác ngộ tức là thấy ra. Tiếng Pali “giác ngộ” có một chữ là Sacchi…là chứng ngộ, có nghĩa là thấy ra. Pháp thiền Vipassana, passana này là passati, passati có nghĩa là thấy thôi. Còn chữ “Vi” này là cái nào ra cái đó rõ ràng minh bạch gọi là “Vi”. Như vậy nói cả nghĩa đen và nghĩa bóng, Vipassana tức là thấy ra sự thật.
Sự thật luôn có sẵn chứ đâu cần mình tạo ra, mình không có tu luyện để tạo ra cái gì cả. Cũng không phải mình tu luyện để trở thành sự thật đó còn trước đây là không phải sự thật, kiểu như “Con người tôi hiện nay không phải là thật, để bây giờ tôi tu luyện một thời gian thì con người này mới biến thành thật”, không phải như vậy! Thấy ra mình lúc nào là đều thấy ra sự thật lúc đó. Vì vậy chỉ có thấy thôi.
Hồi xưa có một câu chuyện, cũng nói về việc tu luyện để mà giác ngộ. Có ông đó tu theo đạo con Bò, ông nghĩ rằng nếu mình cứ làm y như hạnh con bò mình sẽ giác ngộ, giải thoát. Cho nên ông cứ thực hành hạnh như con Bò, kêu cũng như con bò, đi cũng giống như con bò… Đến khi đến gặp Đức Phật thì Ngài mới chỉ con đường giác ngộ thì ông khóc quá chừng. Đức Phật mới nói tại sao ông khóc? Ông nói con khóc là vì con lại tốn biết bao nhiêu năm bắt chước con bò mà chả để làm gì, trong khi đó đơn giản là chỉ có tự giác ngộ ra mình là xong, uổng công mấy chục năm phải làm con bò...
Câu chuyện đó giúp chúng ta thấy ra rõ ràng, kiểu tu luyện cố gắng làm theo một công thức hay phương pháp nào đó, để đạt được cái gì đó thì cũng là cái kiểu tu con bò đó thôi, chỉ khác về hình thức chứ còn nội dung bên trong là hoàn toàn giống nhau, đều xuất phát từ vô minh ái dục mà ra. Trong khi tu học theo Đạo Phật chỉ là tự trải nghiệm và tự học ra bài học từ những trải nghiệm ấy, để thấy ra được cái gì đúng, cái gì sai, cái gì là nguyên nhân của phiền não khổ đau, cái gì mang đến an lạc, giác ngộ, giải thoát.
Mỗi người chúng ta cần phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa hai thái độ tu tập này, nếu không sẽ mất thì giờ để tu luyện mà không đi tới đâu hết...
Lược trích từ những pháp thoại của Thầy Viên Minh
0 Nhận xét