Chân lý

Chỉ thấy rõ chứ không nắm giữ!

10/20/2018 04:33:00 CH



...Thầy ơi, trong những sinh hoạt hằng ngày, con cố kiềm chế nội tâm để được chánh niệm tỉnh giác trong thực tại, nhưng chỉ được một thời gian rồi nội tâm con vẫn tiếp tục căng thẳng với những tư tưởng, chìm đắm trong quá khứ đau buồn… con không thể nào trở lại với thực tại đang là được nữa.
Thưa thầy, con phải làm sao để sống đạo sống thiền như lời thầy đã dạy?
TRẢ LỜI:
Thầy mừng là con đã thấy được giá trị của chánh niệm tỉnh giác đối với thực tại đang là, nhưng do tập khí lâu đời trong mối ràng buộc tình cảm, lý trí với thế giới hình tướng bên ngoài nên tâm con vẫn còn bị chi phối bởi quá khứ, hiện tại và tương lai. Con biết mối ràng buộc đó là sai nên con muốn loại bỏ chúng đi để trở về với thực tại. Con nói “con cố kiềm chế nội tâm để được chánh niệm tỉnh giác trong thực tại”, nhưng đó chính là thái độ sai lầm của con khi chánh niệm tỉnh giác.
Chánh niệm là trở về thực tại chứ không cố giữ tâm trên thực tại, bởi vì thực tại trôi qua như một dòng sông chảy xiết, nếu con muốn giữ tâm dừng lại thì con chỉ giữ được một ý niệm hay một hình ảnh về thực tại thôi chứ làm sao có thể thật sự trọn vẹn được trong thực tại? Ngay khi con trở về thực tại là con đã buông xuống mọi ý niệm về thời gian, đó chính là chánh niệm, nhưng khi con muốn giữ hay duy trì chánh niệm trên thực tại là con đã rơi vào ý niệm thời gian trở lại. Ý niệm và thời gian tâm lý chính là cái Ta ảo tưởng. Muốn nắm bắt thực tại là ý đồ của cái Ta ảo tưởng đó.
Khi thấy ra điều này con có thể phát hiện được đâu là tiến trình của cái Ta ảo tưởng, đâu là sự vận hành của pháp tánh chân như (yathàbhùtà dhammatà), sự phát hiện này chính là tỉnh giác, là minh, là trí tuệ. Trí tuệ là một tia chớp đủ để con thấy ra sự thật một cách toàn diện chứ không phải là cố gắng trì giữ lâu dài tâm con trên thực tại trôi chảy vô thường. Ý đồ duy trì tâm lâu dài của cái Ta và tính vô thường vô ngã của pháp là hai sự kiện không thể đồng hành, sao con lại cố gắng ghép chúng lại với nhau?
Khi cố gắng trở về duy trì tâm trong thực tại thì “chỉ được một thời gian rồi nội tâm con vẫn tiếp tục căng thẳng với những tư tưởng, chìm đắm trong quá khứ đau buồn…, con không thể nào trở lại với thực tại đang là được nữa”. Con có thấy cả hai:
  1. Tâm căng thẳng lo âu.
  2. Tâm cố gắng khẩn trương trở về với thực tại.
Cả hai tâm này đều phát xuất từ ý đồ của bản ngã hay không? Con có biết rằng căng thẳng, chìm đắm, lo âu, suy tính cũng là thực tại đang là mà con phải khám phá để thấy ra chứ không phải loại trừ chúng đi để trở về thực tại nào khác.
Thực tại gồm có hoạt động của thân, của những cảm giác, của những trạng thái tâm và sự tương giao vận hành của chúng. Đối với thân, trở về thực tại có nghĩa là trở về nhận biết trung thực trạng thái hoạt động của thân, cũng vậy, đối với thọ là trở về nhận biết trạng thái thực của cảm giác, đối với tâm là trở về nhận biết trạng thái tâm đang diễn ra, nghĩa là khi đang căng thẳng, chìm đắm, lo âu, suy tính con chỉ cần thấy trạng thái căng thẳng, chìm đắm, lo âu, suy tính… như chúng là, đó mới chính là chánh niệm tỉnh giác trong thực tại chứ không phải cố gắng kiềm chế nội tâm để loại trừ trạng thái thực tại này (tâm), duy trì trạng thái thực tại kia (thân) cho một cái Ta luôn tham ưu thủ xả. Hãy nhớ là thấy rõ thực tại chứ không phải là nắm giữ thực tại. Dính mắc hiện tại cũng là một sự chìm đắm như chìm đắm trong quá khứ và tương lai.
Chánh niệm tỉnh giác không phải là nỗ lực loại bỏ hay nắm giữ một trạng thái thực tại nào mà là thái độ rỗng lặng trong sáng hoàn toàn vô ngã đối với mọi trạng thái thực tại đang là. Nắm bắt và loại bỏ chính là tham và ưu (sân) mà Đức Phật đã khuyến cáo là không để xen vào khi chánh niệm tỉnh giác.
Buông thái độ phản ứng của cái Ta lăng xăng trong nỗ lực nắm giữ hay loại bỏ trạng thái thực tại chính là tinh tấn, và ngay đó lập tức chánh niệm tỉnh giác lặng lẽ chiếu soi thực tại như nó đang là một cách tự nhiên vô vi, vô ngã.
Thực ra con chỉ cần buông thái độ lăng xăng của cái Ta xuống để cho mọi pháp đến đi như chúng là, không phản ứng, không chọn lựa lấy bỏ, tức là đã trọn vẹn chánh niệm tỉnh giác rồi chứ không có một thái độ chánh niệm tỉnh giác chủ quan theo ý mình được.
Trong ngoài lặng lẽ chẳng vin đâu,
Sáng suốt hồn nhiên khỏi vọng cầu,
Buông hết một phen không luyến tiếc,
Con ơi, ngay đó thấy đạo mầu!
Chúc con thân tâm thường an tịnh.
Thầy Viên Minh - Trích Thư Thầy Trò số 20
Photo by Kumiko SHIMIZU on Unsplash

Những bài viết liên quan

0 Nhận xét