...Thưa thầy con thấy mâu thuẫn thế này: Trong đời sống, nếu mình muốn giúp đỡ người khác thì mình phải giỏi việc gì đó trong tục đế thì mới giúp họ về lĩnh vực đó được. Muốn giỏi về việc gì đó thì mình lại phải rèn luyện tuy mình thấy việc đó là vô nghĩa trong đời sống giác ngộ. Con là giáo viên dạy môn toán, giúp học sinh giải bài toán khó, hay học thêm các thứ về toán, con thấy cũng chẳng có lợi gì cho đời sống các em nhiều. Để dạy học sinh giỏi thì con lại phải rèn luyện nhiều...
Nhưng nếu trong đời sống không làm gì thì lại thật vô nghĩa. Trong đời sống thì lại phải có thứ này thứ kia, muốn này muốn khác... Như đời sống xuất gia của Thầy hoặc các vị sư thì sự giúp đỡ người khác chính là giúp họ giác ngộ, như Thầy đang giúp con đó là sự nghiệp, cũng là công việc của quý thầy. Nhưng như con thì muốn giúp người khác chỉ có giúp họ trong tục đế, không thể nói với họ về chuyện giác ngộ trong công việc hàng ngày của mình được. Vậy chẳng nhẽ con phải đi tu mới giúp được người khác chân chính?
Nên nhiều lúc con rất lưỡng lự, không có phương hướng! Xin thầy chỉ cho con chỗ sai!
Con cảm ơn thầy ạ!
TRẢ LỜI:
Con cần biết những nguyên tắc này:
- Trải nghiệm tục đế cần rèn luyện, chứng nghiệm chân đế trực tiếp không cần rèn luyện.
- Giúp đỡ mặt tục đế cần kỹ thuật, giúp đỡ mặt chân đế cần chỉ thẳng, không qua kỹ thuật.
- Thấy rõ 2 mặt tục đế và chân để thì mới có thể tuỳ duyên giúp đỡ người khác ứng với mặt họ cần.
* * *
Kính thưa Thầy,... con may mắn được gần gũi Phật, Pháp, Tăng nên cuộc sống học tập an vui và thành tựu. Có một điều con chưa biết làm sao để tháo gút cho lòng mình thuận Pháp. Đó là đối diện với những người quá đỗi tự cao, ngã mạn. Con cảm thấy đau khổ khi phải nhìn thấy họ chìm dần vào khổ đau. Có những người tự ti nên đâm ra tự đại. Họ đều là những người con yêu thương và gần gũi. Con phải làm sao để đưa chánh pháp đến với họ?
TRẢ LỜI:
Muốn thuận pháp ít nhất con phải tin vào pháp, mà tin vào pháp thì hãy để pháp điều chỉnh sai lầm của họ. Chính đau khổ là pháp đang đến giúp họ thấy ra chính mình.
Con yên tâm đi, chuyện đó con đừng lo, cứ để pháp lo thì mọi chuyện sẽ tốt. Pháp biết cách vận hành chính xác để điều chỉnh mọi sai lầm của cái Ta ảo tưởng, mọi sai lầm dù là tự ti hay tự đại, dù sai xấu đến đâu cũng chỉ là biểu hiện không thật (ảo vọng), còn pháp vận hành bên trong mới thật, mới đâu ra đó, không sai một ly. Khi con thấy ra điều đó con sẽ có lòng từ bi hỷ xả, nghĩa là biết thương yêu, thông cảm và bao dung đối với những sai lầm và đau khổ của tất cả chúng sanh.
Ai cũng đang trả giá để học bài học giác ngộ của mình mà con!
* * *
Thầy kính mến! Bài học "ngồi im" ghê gớm và mầu nhiệm quá thầy ạ! Ngồi im giúp cho ta học được khả năng kham nhẫn và nhìn thấy những nội kết nổi lên trong tâm. Chính khi ta "ngồi im" không can thiệp vào việc của người khác thì người khác mới có thể thực hiện được những công việc của riêng họ, mới trải nghiệm được những khó khăn thậm chí khổ đau để học được những kinh nghiệm tiến hóa quan trọng, để biết cảm thông với những công việc người khác, để biết trân trọng những hành động giúp đỡ của người khác cho mình. Nếu mình không chịu "ngồi im" thì mình phải trả giá vì dám "thọc gậy bánh xe pháp" phải không ạ?
Ôi bài học "ngồi im" thật ghê gớm, đâu phải cứ lăng xăng giúp đỡ người này, làm hộ người kia thì mới là giúp đỡ họ đâu!
Thưa Thầy, thầy cố gắng giữ gìn sức khỏe, nguyện cầu Thầy luôn đầy đủ sức khỏe, nhiều thiện duyên tu tập và có thật nhiều chúng sinh đã ít bụi trong mắt được gặp Thầy để được Thầy chỉ ra con đường đúng tốt không còn tạo tác luân hồi nữa ạ!
TRẢ LỜI:
“Ngồi im” không can thiệp,
Mới biết việc nên làm,
Lăng xăng muốn áp đặt,
Chỉ biểu hiện lòng tham!
Thầy Viên Minh - Tổng hợp từ các Hỏi & Đáp trungtamhotong.org
0 Nhận xét